Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc ngày 11/09, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc ngày 11/09, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự họp biểu quyết tán thành thành lập thị xã Sa Pa

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, việc vận dụng cơ chế đặc thù để đưa huyện Sa Pa lên thị xã là hợp lý, bởi đây là địa bàn có liên quan đến vấn đề quốc phòng và an ninh.

Tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 37, ngày 11/09, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Tại Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc thành lập thị xã Sa Pa xuất phát từ hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội và đô thị trên địa bàn huyện Sa Pa. Sa Pa là huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Lào Cai, đã có lịch sử 115 năm hình thành và phát triển, thuộc cửa ngõ nối hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc của Tổ quốc.

Ở độ cao trung bình 1.200 - 1.800 m so với mực nước biển, Sa Pa có khí hậu ôn đới và cận nhiệt đới, không khí mát mẻ quanh năm, với đỉnh Phan Si Păng cao 3.143 m, được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”; nơi có sự tổng hòa của bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của 6 dân tộc Kinh, Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó.

Trong những năm gần đây, số lượng khách du lịch đến Sa Pa tăng hàng năm (tăng trung bình 23,4%/năm). Trên địa bàn Sa Pa có 571 cơ sở dịch vụ, gồm các khách sạn từ 1 đến 5 sao, 34 đơn vị kinh doanh lữ hành; có nhiều dự án lớn đã hoàn thành.

Hệ thống hạ tầng giao thông đối ngoại, giao thông đô thị, giao thông nông thôn, giao thông công cộng và các hạ tầng khác như điện, nước, dịch vụ viễn thông,… được ưu tiên đầu tư, nâng cấp và cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Sa Pa đã trở thành một trong hai Khu du lịch quốc gia trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận (cùng với Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm, tỉnh Lâm Đồng).

Cho ý kiến, tại phiên họp Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của huyện Sa Pa như Đề án Chính phủ trình.

Theo Đề án này sẽ giảm được 2 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Sa Pa, hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng trong việc sắp xếp, tăng quy mô các đơn vị hành chính để tinh gọn bộ máy và giảm biên chế. Hồ sơ Đề án và các tài liệu kèm theo là đầy đủ; trình tự, thủ tục lập Đề án theo đúng quy định của pháp luật.

Thống nhất về nội dung Tờ trình của Chính phủ, cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự họp biểu quyết tán thành thành lập thị xã Sa Pa ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, việc vận dụng cơ chế đặc thù để đưa huyện Sa Pa lên thị xã là hợp lý

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, việc vận dụng cơ chế đặc thù để đưa huyện Sa Pa lên thị xã là hợp lý, bởi đây là địa bàn có liên quan đến vấn đề quốc phòng và an ninh. Địa hình Sa Pa có giá trị đặc biệt về lĩnh vực quốc phòng, trong đó có đỉnh Fansipan cao 3.143m, người ta nói đây là “nóc nhà của Đông Dương”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phòng thủ và tiến lui của một lực lượng, nếu đối phương chiếm được toàn dãy Fansipan thì sẽ khống chế được toàn bộ phía Nam.

Thực tế trong chiến tranh biên giới xảy ra thì đây cũng là điểm đối phương chiếm giữ và tác chiến rất quyết liệt.  Bên cạnh đó, đây cũng là một địa bàn có diện tích rừng tự nhiên lớn, trọng có ý nghĩa quan trong tác chiến, trong phòng thủ.

Đồng thời, đây còn là một điểm du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế, thu hút lượng khách du lịch trong nước và ngoài nước hàng năm rất nhiều và ngày càng tăng. Tuy nhiên, chính vì khách du lịch đến nhiều thì cũng tiềm ẩn những vấn đề phức tạp về an ninh. Do vậy, mặc dù Sa Pa chưa đủ 5/5 tiêu chuẩn theo quy định nhưng bởi vì đây là vấn đề đặc thù, nên có thể vận dụng điểm a khoản 2 Điều 31 Nghị quyết 1211 của Quốc hội cho địa bàn đặc biệt này.

Tổng kết thúc nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, ngay sau khi thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai cần phải thực hiện giải quyết vấn đề chính sách, chế độ, đời sống của người dân ở những xã vùng sâu trước đây thuộc diện đặc biệt khó khăn khi  nâng lên thị xã; quan tâm đầu tư cả cơ sở hạ tầng, tổ chức đời sống sản xuất, sinh hoạt, nhất là giải quyết các thủ tục hành chính cho bà con.

Bên cạnh đó, bố trí nguồn ngân sách của trung ương, ngân sách của tỉnh và thu hút nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp để phát triển hạ tầng đô thị ở Sa Pa, đáp ứng yêu cầu của một địa bàn đô thị. Đặc biệt, phải đầu tư tu bổ lại các trụ sở làm việc cho những đơn vị hành chính từ xã lên phường, tận dụng cơ sở hiện nay của xã như trụ sở của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhưng cũng có những trụ sở phải làm thêm mới như trụ sở của công an phường. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Công an quan tâm hỗ trợ để Sa Pa sớm triển khai thực hiện tốt việc này.

Tin bài liên quan