Lỡ đà chính sách
Công ty cổ phần Cơ khí 19-8 từ năm 2005 đã đầu tư dây chuyền sản xuất nhíp ô tô trị giá 25 tỷ đồng, công suất 30.000 tấn sản phẩm/năm, có thể đáp ứng cho 10.000 xe tải các loại. Chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn Đức, cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay. Sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang Đức, Italia, Pháp, Úc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar,... Tuy nhiên, những sản phẩm này rất khó bán cho các DN sản xuất, lắp ráp xe tải trong nước.
Ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty 19-8, cho biết, thời gian qua công ty cũng chào hàng rất nhiều DN ô tô tại Việt Nam, thậm chí sẵn sàng bán nhíp xe với bất cứ mức giá nào, miễn là sản phẩm của mình được đưa vào lắp ráp trên xe tải. Song, chỉ một số DN xe tải trong nước mua với số lượng nhỏ để thay thế phụ tùng khi sửa xe cho khách hàng, còn lắp vào xe ngay từ đầu rất ít.
Nguyên nhân là do các DN Việt Nam vẫn nhập cả cụm linh kiện từ Trung Quốc về lắp ráp, trong đó cụm cầu xe có nhíp gắn liền. Vì vậy, không cần mua nhíp sản xuất trong nước.
“Thị trường Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 100.000 xe tải, trong đó 70% là lắp ráp trong nước. Với số lượng này hoàn toàn đủ điều kiện cho các DN công nghiệp hỗ trợ phát triển. Như chúng tôi, từ sản xuất nhíp xe, có thể mở rộng ra các linh kiện khác. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được thì chẳng ai muốn đầu tư mở rộng”, ông Tuấn Anh than thở.
Giới chuyên môn cho rằng, DN công nghiệp hỗ trợ gặp kết cục như trên nguyên nhân sâu xa là do sai lầm trong chính sách. Ngoài việc không biết bảo vệ thị trường, thì cả thời gian dài vừa qua, chúng ta đã không xây dựng được cơ chế thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Tại Việt Nam hiện nay, DN ô tô dù có tăng tỷ lệ nội địa hóa lên cao, sử dụng nhiều linh kiện trong nước, cũng chỉ được đối xử ngang bằng với những DN nhập 100% linh kiện từ nước ngoài về lắp ráp. Vì vậy, các DN chẳng thấy cần thiết phải tìm mua linh kiện trong nước. Điều này khiến công nghiệp hỗ trợ khó phát triển.
Muốn công nghiệp hỗ trợ phát triển thì phải tạo thị trường cho sản phẩm, tức là phải được các DN ô tô đặt hàng linh kiện. Muốn khuyến khích các DN ô tô mua linh kiện trong nước, thay cho nhập khẩu để tăng nội địa hóa, thì phải có các chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, chính sách của Việt Nam hiện nay chỉ khuyến khích lắp ráp, tức là chỉ cần DN nhập một dây chuyền lắp ráp và bộ linh kiện về lắp xe là được ưu đãi thuế nhập khẩu. Còn việc tăng tỷ lệ nội địa hóa thì không.
Trong khi đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ là bài toán quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Thông qua việc cải thiện tỷ lệ nội địa hóa (mua hàng trong nước), từ đó giúp hình thành, xây dựng nên ngành công nghiệp ô tô. Công nghiệp hỗ trợ mãi không lớn được sẽ chẳng bao giờ tạo nên ngành công nghiệp ô tô.
Cơ hội có còn?
Ông Lê Ngọc Đức Tổng giám đốc Công TC Motor cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang bước vào “thời kỳ vàng” bởi tỉ lệ sở hữu xe tăng nhanh. Nếu các cơ quan quản lý biết nắm bắt thời cơ, có chính sách phù hợp, ngành công nghiệp ô tô vẫn có cơ hội thành công.
Và nếu thành công, việc giảm giá thành rà đời dòng xe giá rẻ là điều hoàn toàn khả thi.
Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, cần có chính sách ưu đãi lớn về tài chính với DN.
Bộ Công Thương cho biết, cuối năm nay sẽ trình Chính phủ đề án phát triển ngành công nghiệp ô tô với các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các dự án sản xuất ô tô trong nước. Cùng với đó là đề xuất gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để phát triển công nghiệp hỗ trợ, mà cốt lõi là phục vụ sản xuất ô tô. Gói tín dụng ưu đãi này sẽ có cơ chế tương tự như gói tín dụng dành cho nông nghiệp công nghệ cao.
Thời gian qua, Chính phủ đã có một số chính sách ưu đãi để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, song thực tế không có nhiều DN được hưởng.
Để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô, các ý kiến cho rằng, cần phải có chính sách ưu đãi lớn về tài chính với DN. Điều kiện cần nhất đối với nhiều DN muốn đầu tư sản xuất linh kiện ô tô hiện nay là vốn. Nếu phải vay vốn trung dài hạn từ ngân hàng với lãi suất 9-11% thì không DN nào muốn bởi cầm chắc thua lỗ. Theo các DN, ưu đãi vốn vay đầu tư sản xuất linh kiện ô tô chỉ ở mức 5%/năm trở xuống và có thời hạn từ 5 năm trở lên. Ngoài ra, cần ưu đãi chi phí thuê đất dài hạn cho DN.
Cùng với đó là xây dựng chính sách phát triển thị trường cho những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thông qua việc khuyến khích các DN ô tô, tìm mua linh kiện trong nước thay cho nhập khẩu.
Đồng thời, hỗ trợ để thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Ngành công nghiệp ô tô có hệ thống cung cấp phức tạp và nhiều tầng (nhà cung cấp cấp 1, cấp 2, cấp 3 và nhà cung cấp nguyên vật liệu). Tuy nhiên, không nhiều nhà cung cấp Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn để tham gia chuỗi cung cấp, bởi thiếu bản quyền hoặc chuyển giao công nghệ hoặc thỏa thuận cấp phép từ các nhà cung cấp chính hãng.
Cuối cùng là vận hành ổn định hệ thống pháp luật, tránh thay đổi đột ngột khiến DN không thể dự đoán được. Một DN ô tô cho biết, mới đây sang Đài Loan kêu gọi đầu tư vào Việt Nam sản xuất linh kiện. Tuy nhiên, có DN Đài Loan đã từ chối vì cho rằng chính sách về ô tô của Việt Nam thay đổi liên tục, dẫn đến rủi ro cao, do đó không có ý định đầu tư.