Trong bài phỏng vấn với Tạp chí Nhà kinh tế học, ông Abe đã gợi nhớ lại cuộc cách mạng ở quê hương Yamaguchi của mình giai đoạn năm 1860, tiền đề đưa Nhật Bản trở thành quốc gia công nghiệp sau này. Hiện tại, Thủ tướng Abe cho rằng, nước Nhật cũng phải thay đổi để bắt kịp với thế giới, ngay cả khi những cải cách này có thể không nhận được sự ủng hộ của đa số.
Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Thủ tướng hồi tháng 12/2012, Thủ tướng Abe bắt đầu theo đuổi chủ thuyết Abenomics với 3 “mũi tên” kinh tế chủ chốt gồm: nới lỏng toàn diện chính sách tiền tệ, tăng chi tiêu công và cải cách mạnh mẽ kinh tế Nhật Bản. Trong bối cảnh chính sách Abenomics vấp phải không ít lời chỉ trích về tính hiệu quả, Thủ tướng Abe tuyên bố, ông cần sự ủng hộ của cử tri một lần nữa để theo đuổi đến cùng chương trình cải cách kinh tế của mình.
Sau khi tăng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8% hồi tháng 4/2014, kinh tế Nhật Bản đã bị tác động đáng kể, khi chi tiêu của các hộ gia đình sụt giảm nghiêm trọng. Tăng trưởng GDP tụt dốc liên tiếp trong 2 quý vừa qua, đẩy Nhật Bản rơi vào tình trạng suy thoái, cho dù những số liệu điều chỉnh mới nhất cho thấy kinh tế quý III có thể suy giảm không nghiêm trọng như báo cáo trước đó.
Trong tháng 10/2014, tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản (không bao gồm tác động của việc tăng thuế tiêu thụ) đã giảm xuống mức 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, và có thể tiếp tục giảm thêm do giá dầu mỏ đang tụt dốc. Điều này khiến mũi tên tiền tệ trong chính sách Abenomics còn khá xa mới vươn tới mục tiêu lạm phát 2% mà Thủ tướng Abe đặt ra cho giai đoạn năm 2015 - 2016, ngay cả khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định nới lỏng thêm chính sách tiền tệ hồi cuối tháng 10 vừa qua.
Cho dù tỷ lệ thất nghiệp đã hạ xuống mức 3%, song uy tín của Thủ tướng Abe vẫn đang giảm dần khi người dân Nhật Bản sống bên ngoài những thành phố lớn liên tục phàn nàn vì chất lượng cuộc sống của họ không được cải thiện, thậm chí có phần đi xuống. Mức tăng lương không song hành với tỷ lệ lạm phát, trong khi đồng Yên yếu đã đẩy giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao. Đó là còn chưa kể tới “núi nợ” đáng báo động của Nhật Bản, hiện lên tới 240% GDP và việc Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Nhật Bản, sau khi Thủ tướng Abe trì hoãn tăng thuế tiêu thụ lần thứ hai sang năm 2015, dự kiến từ mức 8% lên 10%.
Nhiều người tự hỏi lý do vì sao ông Abe kiên quyết theo đuổi chính sách Abenomics. Có thể đó là sự đam mê được thừa hưởng từ người ông và cũng là cố Thủ tướng Nobusuke Kishi. Nói một cách công bằng, ông Abe đã thu được một số thành công nhất định. Nỗ lực buộc các công ty Nhật Bản thích ứng với phương pháp quản lý trách nhiệm hơn đang mang lại nhiều thành quả và trái ngọt, hay việc cải thiện vị thế của người phụ nữ trong môi trường làm việc cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri.
Trong suốt giai đoạn tăng trưởng cao trước đây, các doanh nghiệp Nhật Bản tìm mọi cách giữ chân những tài năng và không khuyến khích họ “nhảy việc”. Điều này đã tạo ra những mâu thuẫn với các tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi của người lao động. Và để tránh các ràng buộc, nhiều công ty Nhật Bản có thói quen tuyển dụng đội ngũ nhân viên làm việc “không thường xuyên”, lương thấp và có ít quyền lợi bảo vệ từ công đoàn. Đến nay, một trong những cải cách quan trọng nhất của Thủ tướng Abe chính là thay đổi thói quen làm việc cũ kỹ này của Nhật Bản.
Một số chính trị gia đã bày tỏ sự hoài nghi về chính sách Abenomics trước thềm cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới. Bản thân một thành viên trong LDP của Thủ tướng Abe đã phát biểu rằng, tình hình hiện nay đang rất căng thẳng và bất kỳ bình luận sai lầm nào của Thủ tướng hay các thành viên nội các có thể làm chệch hướng tất cả. Nhưng cho dù nhận được ít hay nhiều sự ủng hộ của cử tri, đã đến lúc để ông Abe tiếp tục sứ mệnh của mình và đặt cược tất cả cho sự thay đổi.