Thời điểm tốt để tái cơ cấu danh mục

Thời điểm tốt để tái cơ cấu danh mục

(ĐTCK) VN-Index tiếp tục dao động nhẹ trong biên độ 565-575 điểm trong tuần qua. 

Với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, VN-Index tăng nhẹ 4,1 điểm, chốt tuần ở mức 570,4 điểm. Thanh khoản được duy trì ở mức thấp, cho thấy xu hướng tăng của thị trường chưa bền vững.

Giá trị giao dịch thỏa thuận thường xuyên ở mức cao với những giao dịch bán lớn của khối ngoại cho thấy hoạt động M&A đang diễn ra mạnh mẽ và sự chú ý của các nhà đầu tư lớn dường như đang nằm ngoài thị trường giao dịch khớp lệnh.

Khối ngoại bán ròng hơn 750 tỷ đồng trong tuần qua, nhưng không tác động lớn đến thị trường do việc bán ròng chủ yếu là bằng giao dịch thỏa thuận. Nhìn chung, diễn biến thị trường đang khá trầm lặng với xu hướng không rõ nét.

Trong tuần qua, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2015 và 9 tháng đầu năm, với mức lạm phát trong 9 tháng chỉ ở mức 0,73% do CPI tháng 9 giảm 0,21%. Như vậy, lạm phát cơ bản 9 tháng đầu năm có thể chỉ ở mức 2,2  - 2,3%, mức thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Đáng lưu ý,  lạm phát 9 tháng đầu năm ở khu vực thành thị tiếp tục thấp hơn vùng nông thôn và cho thấy việc kiểm soát giá bán lẻ của chính quyền các thành phố lớn, nhất là TP. HCM, vẫn đang phát huy hiệu quả và thu hẹp khoảng cách giá, nhất là giá thực phẩm và dịch vụ, giữa vùng nông thôn và thành thị.

Với mức lạm phát thấp này, ít có khả năng lãi suất sẽ tăng mạnh trở lại dù tăng trưởng tín dụng khá nóng trong vài tháng trở lại đây.

Số liệu xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm cũng được công bố, với mức nhập siêu 3,86 tỷ USD. Như vậy, dù đã bắt đầu vào mùa cao điểm cuối năm, nhập siêu cũng không tăng mạnh như dự báo. Với diễn biến này, nhiều khả năng, nhập siêu cả năm 2015 sẽ chỉ khoảng 6 tỷ USD và không gây tác động mạnh tới dự trữ ngoại hối quốc gia.

Cũng liên quan đến cán cân thanh toán, động thái bán ra của khối ngoại trên thị trường niêm yết (khoảng 30 triệu USD trong tuần qua) không đủ tác động tới cán cân thanh toán và cũng không cho thấy xu hướng rút vốn hàng loạt ra khỏi thị trường Việt Nam.

Như vậy, rủi ro tỷ giá trong 3 tháng cuối năm ở mức khá thấp. Trên thực tế, tỷ giá đã ổn định trở lại khi giá USD trên thị trường tự do đã giảm về gần vùng giá chính thức và thanh khoản USD được cải thiện trên toàn hệ thống.

Liên quan đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, thông tin đáng lưu ý nhất trong tuần qua liên quan đến 2 ngân hàng hạng trung là Sacombank (STB) và Ngân hàng Quân đội (MBB).

Với Sacombank, việc sáp nhập với SouthernBank đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua và thương hiệu SouthernBank sẽ chính thức bị xóa xổ từ đầu tháng 10/2015. Đây khó có thể nói là tin tốt với cổ đông Sacombank khi mà chi phí xử lý nợ xấu dự kiến lên đến 10.000 tỷ đồng trong vòng 3 năm (2015-2017) và có thể còn cao hơn dự kiến.

Nhìn chung, STB hiện không phù hợp với nhà đầu tư tài chính thông thường. Với MBB, thông tin nổi trội là khả năng hở room sau khi ngân hàng này chính thức phát hành 390 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược. Việc hở room dự kiến sẽ diễn ra trong nửa cuối tháng 10. Tuy nhiên, với việc giao dịch thỏa thuận khối lượng lớn của cổ phiếu MBB trong vài phiên trở lại đây, việc hở room 39 triệu cổ phiếu của MBB có thể kết thúc chỉ trong 1 - 2 ngày.

Nhìn chung, diễn biến thị trường vẫn chưa hoàn toàn tích cực, nhưng rủi ro giảm điểm sâu hiện cũng ở mức thấp. Đây là thời điểm phù hợp để tái cơ cấu danh mục dài hạn. Tuy nhiên, rủi ro biến động giá cổ phiếu ngắn hạn với nhà đầu tư lướt sóng có thể còn khá cao khi mà xu hướng của VN-Index chưa rõ ràng.

Tin bài liên quan