Tài sản bảo đảm cho các khoản nợ chủ yếu là bất động sản

Tài sản bảo đảm cho các khoản nợ chủ yếu là bất động sản

Thời điểm thuận lợi luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Tôi tin, những rào cản liên quan đến tâm lý, kỹ thuật, pháp lý… chúng ta đều có thể vượt qua được để sớm thành lập sàn giao dịch mua - bán nợ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ.

Câu chuyện xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng được kỳ vọng rất lớn sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 ra đời, nhưng kết quả thực tế chưa được như mong đợi… Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Phải khẳng định rằng, Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã tháo gỡ nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Ngoài Nghị quyết 42 của Quốc hội thì hành lang pháp lý còn có Nghị quyết số 03 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, Nghị định số 01 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2013…, nhưng công tác mua bán và xử lý nợ vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do các quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp.

Các tổ chức tín dụng đã nhiều lần có văn bản kiến nghị các cơ quan nhà nước xem xét tháo gỡ, nhưng thực tế đến nay, hầu như các ý kiến vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Vì vậy, mục tiêu giải quyết nhanh, dứt điểm nợ xấu tại các tổ chức tín dụng của Nghị quyết 42 không đạt được kết quả như kỳ vọng.

Theo ông, nguyên nhân của vấn đề này là gì?

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

Thứ nhất là quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng. Theo Nghị quyết 42, quyền thu giữ tài sản bảo đảm đi kèm với điều kiện hồ sơ thế chấp phải có thỏa thuận về điều khoản thu giữ tài sản bảo đảm. Trong khi đó, tính đến thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực, nhiều hợp đồng thế chấp không có điều khoản này, vì vậy, các tổ chức tín dụng đã phải đàm phán với bên vay để điều chỉnh hợp đồng.

Nhưng ngay cả khi đáp ứng được điều kiện thì việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng vẫn cần đến sự hỗ trợ của cơ quan công an các cấp. Mặc dù với thông tin chưa kiểm chứng tôi có được là Bộ Công an đã có văn bản hướng dẫn về cơ chế, cách thức thực hiện cưỡng chế đối với các trường hợp bên bảo đảm chống đối, không hợp tác, thì sự phàn nàn của các ngân hàng về các khó khăn trong việc thu giữ tài sản bảo đảm vẫn chưa dừng.

Thứ hai, giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn đến giờ vẫn chưa có nhiều ý nghĩa. Trên các phương tiện thông tin truyền thông, tôi chưa thấy đưa tin về vụ án nào được áp dụng trong thực tế theo hướng dẫn thủ tục rút gọn. Trao đổi với các ngân hàng, tôi được biết, sau gần một năm Nghị quyết 42 có hiệu lực, đến ngày 15/5/2018, Tòa án nhân dân Tối cao mới ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP (có hiệu lực từ ngày 1/7/2018) hướng dẫn áp dụng các quy định của Nghị quyết 42. Tuy vậy, khi đã có hướng dẫn nêu trên, việc hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của tòa án lại khó khăn hơn.

Đó là chưa kể tòa án cấp dưới chưa mạnh dạn triển khai thực hiện thủ tục rút gọn vì chưa có “tiền lệ”, tâm lý “sợ sai sót” trong quá trình xét xử vẫn hiện hữu. Điều này tôi thấy cũng không khó hiểu, bởi Việt Nam vẫn chưa có những toà án chuyên ngành và một tòa án chuyên về phá sản nên nhiệm vụ và trách nhiệm dồn vào một nơi không chuyên trách.

Ngoài ra, Nghị quyết 42 chỉ quy định áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, mà chưa quy định được áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp hợp đồng tín dụng của các tổ chức tín dụng với khách hàng vay.

Thứ ba, chuyển nhượng tài sản bảo đảm gặp vướng mắc do ngoài việc tuân thủ theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm, tổ chức tín dụng và bên nhận chuyển nhượng còn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về đầu tư. Bên cạnh đó, tranh chấp tài sản đang là vấn đề phức tạp nhất, gây khó khăn nhất đối với các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm nếu không có quy định rõ ràng.

Khó khăn trong việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm dẫn đến việc sàn giao dịch mua bán nợ vẫn chưa hình thành. Ở Mỹ có Công ty Bảo hiểm quyền sở hữu bất động sản, theo đó, một ngân hàng khi có nhu cầu chuyển nhượng món nợ, công ty bảo hiểm này đứng ra tiến hành mọi thủ tục chuyển nhượng tài sản và bảo hiểm cho thân chủ về các thiệt hại phát sinh từ việc chuyển nhượng bất động sản, nên mọi việc không khó khăn và phức tạp như ở Việt Nam.

Thị trường mua bán nợ theo đúng nghĩa mặc dù được đề cập từ khi Nghị quyết 42 được ban hành nhưng đến hiện tại, tất cả vẫn trong kế hoạch?

Chưa hội tụ đủ điều kiện về công nghệ, nhân sự và đặc biệt là hành lang pháp lý nên câu chuyện lập sàn giao dịch nợ chưa được thực hiện. Ví dụ, song song với việc thành lập, đưa vào vận hành sàn giao dịch nợ cần phải tiến hành xây dựng trung tâm dữ liệu về khoản nợ/tài sản tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Trung tâm dữ liệu phải hướng tới việc kết nối thông tin với Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) và các tổ chức tín dụng nếu đủ điều kiện nhằm tạo nguồn dữ liệu để khai thác, lựa chọn xử lý các khoản nợ/tài sản. Ngoài ra, phải hình thành và vận hành sàn giao dịch đấu giá trực tuyến nhằm đẩy mạnh hoạt động đấu giá tài sản tại VAMC.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là, cần phải có sự điều chỉnh Nghị quyết 42 trở thành Luật mới thực hiện được việc xây dựng sàn giao dịch mua bán nợ để mua bán nợ một cách công khai.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có thông tin đáng chú ý là Ngân hàng Nhà nước yêu cầu VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành sàn giao dịch nợ trước năm 2026. Tôi tin, những rào cản liên quan đến tâm lý, kỹ thuật, pháp lý… chúng ta đều có thể vượt qua được để sớm thành lập sàn giao dịch mua bán nợ.

Nếu không luật hoá Nghị quyết 42, theo ông, chuyện gì sẽ xảy ra?

Nội dung Nghị quyết 42 còn nhiều điểm cần bổ sung, nhưng những kết quả thực về xử lý nợ gần 4 năm vừa qua sau khi Nghị quyết ra đời đã khẳng định sự đúng đắn và cần thiết của Nghị quyết. Đặt giả thiết không Luật hoá Nghị quyết 42 mà tiếp tục gia hạn như một nghị quyết của Quốc hội sẽ dẫn đến tầm quan trọng của Nghị quyết sẽ chưa đủ để thực hiện xử lý nợ xấu một cách rốt ráo hơn. Chẳng hạn, việc Nghị quyết của Quốc hội chỉ mang tính yêu cầu các cơ quan có liên quan tham dự việc thu giữ tài sản bảo đảm, chứ không mang tính bắt buộc nên việc phối hợp rất khó khăn. Nhưng nếu đã trở thành luật thì sẽ bắt buộc các cơ quan có liên quan có trách nhiệm hợp tác với ngân hàng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm.

Tôi cho rằng, bây giờ là thời điểm thuận lợi để triển khai Nghị quyết 42 thành Luật. Được biết, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành xem xét, nghiên cứu, dự định sẽ luật hóa các quy định trong Nghị định 42 đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng. Nên đẩy nhanh tiến độ để có thể trình nội dung này tại kỳ họp Quốc hội thời gian tới. Đồng thời với đó, đòi hỏi sự tuyên truyền mạnh mẽ hơn nội dung này để công chúng hiểu rồi dần dần những vướng mắc sẽ được giải toả.

Nghị quyết 42 trở thành luật là điều cần thiết hơn bất kỳ lúc nào, đặc biệt là từ 1/1/2024, nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng do các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (đang được hoãn trích lập dự phòng theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN) sẽ được phân loại và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định thông thường.

Tin bài liên quan