Thời điểm đặc biệt, chính sách phải linh hoạt

0:00 / 0:00
0:00
“Phải đặt mình vào trường hợp những người dân, doanh nghiệp đang ngày đêm vất vả vì đại dịch Covid-19 để thấy chính sách cần linh hoạt”.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM trao đổi về những vấn đề vừa được đặt ra tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Thưa bà, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã quyết định một giải pháp chưa có tiền lệ để tăng cường chống Covid-19. Là đại biểu đoàn TP.HCM - nơi dịch bệnh đang căng thẳng nhất hiện nay, bà đánh giá thế nào về giải pháp này?

Tôi cho rằng, phải rất linh hoạt trong điều hành. Trong bối cảnh hiện nay, không có giải pháp nào được coi là hoàn hảo. Chúng ta phải chọn những biện pháp tốt nhất, linh hoạt nhất, khả thi nhất trong bối cảnh xấu nhất.

Dịch bệnh kéo dài, tác động nhiều mặt, kinh tế của Việt Nam vẫn tăng trưởng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, nhìn vào mục tiêu cuối cùng là đời sống người dân thì còn nhiều nỗi lo, vì rất nhiều người còn khổ lắm.

Quốc hội, Chính phủ, các cấp ngành, địa phương phải đặt mình vào hoàn cảnh của người dân, của doanh nghiệp, phải sát thực tiễn để nhanh chóng đưa ra giải pháp linh hoạt phù hợp với bối cảnh đặt biệt.

Có một thực tế là, trong khi các cơ sở y tế còn thiếu thốn trang thiết bị, thì nhiều bệnh viện lại không muốn nhận tiền tài trợ của các tổ chức, cá nhân, do lo ngại về thủ tục, bà nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan.

Hiện nay, trong phòng chống dịch Covid-19, cần tập trung để giảm tỷ lệ tử vong ở những người nhiễm bệnh nặng.

Muốn thế, phải củng cố hệ thống y tế, phải chăm lo cho nhân sự của ngành này, bao gồm cả chế độ đãi ngộ xứng đáng. Tình trạng quá tải, thiếu thốn trang thiết bị là một thực tế, trong khi các đơn vị y tế hiện giờ không dám tiếp nhận hỗ trợ bằng tiền, vì nhận tiền rất rủi ro.

Dù đầu năm nay, Chính phủ đã có nghị quyết tháo gỡ vướng mắc trong triển khai mua sắm trang thiết bị y tế, nhưng đến giờ, các nơi vẫn kêu khó, khó tới mức mà những nhà tài trợ luôn nhận được đề nghị đừng tài trợ bằng tiền vì không mua được cái gì cả, cứ ngồi chờ thủ tục, chờ đủ thứ khác. Các nhà tài trợ đề nghị tặng máy móc, nhưng thế đâu phải hay vì không đồng bộ, dẫn tới lãng phí.

Ở đây, tôi không bênh vực người tiêu cực, nâng khống giá khi mua sắm trang thiết bị. Tuy nhiên, phải có hướng dẫn cụ thể, thuận lợi để nơi có nhu cầu dám mua, nếu không, vô hình trung, ai cũng sợ thì cả xã hội phải trả giá cho sự chậm trễ đó.

Cho nên, nếu tháo gỡ khó khăn về cơ chế, đầu tư đúng mức cho hệ thống y tế, không những nâng cao năng lực cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19, mà còn cho các bệnh nhân khác và có giá trị sử dụng lâu dài về sau này.

Nhân việc bà đề cập phản ứng chính sách, tại kỳ họp này, nhiều đại biểu đều cho rằng, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được quyết định rất nhanh, nhưng thực hiện chậm và kém hiệu quả. Giờ thì vắc-xin được coi là chìa khoá để thoát khỏi đại dịch, nhưng việc mua cũng rất khó khăn, vậy có vấn đề gì về cơ chế cần Quốc hội tháo gỡ không?

Có chứ. Ban đầu chúng ta rục rịch đi tìm kiếm vắc-xin thì quy định là phải đấu thầu, báo giá, phải có sản phẩm..., nhưng lúc đó, các vắc-xin mới thử nghiệm, làm sao đáp ứng được các yêu cầu đó. Chỉ có duy nhất một công ty tư nhân là Công ty cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC) thành công trong thương thảo, họ ứng tiền trước giúp đối tác nghiên cứu khoa học, khi có vắc-xin thì được đối tác ưu tiên bán cho.

Đến thời điểm này, việc mua vắc-xin vẫn rất khó khăn. Thời gian đầu, về cơ bản, chúng ta vẫn chỉ có vắc-xin lấy lại được của VNVC, cộng với vắc-xin viện trợ. Từ giữa năm 2020, như tôi nói, có khó khăn về cơ chế, cần báo cáo ngay Quốc hội, phải quyết liệt tháo gỡ từ lúc đó.

Quốc hội họp chính là thời cơ để đưa ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, đó là điều được nhiều đại biểu nhấn mạnh. Ngoài phòng chống Covid-19, theo bà, ngay trong năm nay, Quốc hội còn cần phải tháo gỡ những gì về thể chế để có thể đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn này?

Ngay tại kỳ họp thứ nhất, bên cạnh công tác nhân sự, tôi rất kỳ vọng các buổi họp còn lại là đóng góp cho các chính sách, các giải pháp trong giai đoạn đất nước đang đối mặt với những khó khăn chưa có tiền lệ. Nhưng phần vì thời gian của kỳ họp đầu tiên thường ngắn, lại rút ngắn thêm để chống dịch, nên lựa chọn nội dung đưa ra Quốc hội rất chọn lọc, đó là các báo cáo về kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững...

Quốc hội khóa XV cũng là nhiệm kỳ thứ ba tôi tham gia và tôi nhận thấy ở những báo cáo về các nội dung trên, bên cạnh kết quả, bài học kinh nghiệm, tồn tại hạn chế... cũng tương tự nhau. Điều đó có nghĩa những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết rốt ráo.

Tôi xin lấy ví dụ một vấn đề về chính sách giảm nghèo, đúng như đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) phát biểu tại hội trường khi thảo luận về kinh tế - xã hội. Đó là nỗi ám ảnh câu chuyện "được mùa rớt giá" của nông dân, về tính 2 mặt của dòng vốn FDI, "cá lớn nuốt cá bé". (Đại biểu Thái phát biểu: Những doanh nghiệp lớn với dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đang dần dần chiếm lĩnh thị trường ngành vật tư phục vụ ngành nuôi tôm, các công ty nhỏ hơn rơi vào tình trạng mắc kẹt trong sản phẩm của chính họ với sản lượng ít, khả năng sinh lời thấp, dẫn đến một số doanh nghiệp ngành vật tư phục vụ nuôi tôm bị phá sản. Việc mua bán - sáp nhập các doanh nghiệp nhỏ trong ngành vật tư phục vụ nuôi tôm đang diễn ra và người nông dân nuôi tôm đang là những người thiệt thòi nhất, lãnh đủ hệ lụy của những diễn biến ấy - PV).

Vậy chúng ta làm gì để bảo vệ người nuôi tôm, người nông dân sản xuất nhỏ? Bảo vệ họ chính là giảm nghèo bền vững. Vì đối tượng của giảm nghèo bền vững chính là vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn và người nông dân.

Cho nên, với những báo cáo thông tin chung chung, hạn chế nêu từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác vẫn thế, tôi sợ rằng, 5 năm sau, nếu được tín nhiệm tham gia Quốc hội vẫn gặp các vấn đề nói đi nói lại. Thế nên, quan trọng là những bài học kinh nghiệm đã rút ra, nhưng ai làm, ai đánh giá, đánh giá thế nào để thực sự có chuyển biến lớn mới là vấn đề cần được quan tâm. Còn vẫn đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong khi yếu kém vẫn còn đó thì không ổn.

Tôi cũng như nhiều đại biểu mong muốn Quốc hội luôn đổi mới, vượt lên áp lực và Chính phủ cũng thế, luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp hữu ích, linh hoạt trong điều hành.

"Buồn" khi gặp vấn đề quen tại nghị trường

Tham gia Quốc hội từ khóa XIII, đến nay bước sang nhiệm kỳ thứ ba, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ rằng, bà thấy buồn khi vẫn gặp những vấn đề quen tại nghị trường. Đó là nhiều hạn chế của nền kinh tế cứ lặp đi lặp lại từ kỳ họp này sang kỳ họp khác, nhưng tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, kinh tế vĩ mô chưa thực sự bền vững, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương chậm được khắc phục, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân còn bất cập...

Đại biểu hy vọng ở kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021), Quốc hội sẽ dành thời gian thỏa đáng, tháo gỡ toàn diện những khó khăn, vướng mắc về thể chế để không còn gặp phải vấn đề quen tại nghị trường.

Tin bài liên quan