Thời cơ đẩy hàng hóa vào Nhật Bản đã đến

Thời cơ đẩy hàng hóa vào Nhật Bản đã đến

Hiện nay, đồng Yên có giá, hàng sản xuất tại Nhật khó ra nước ngoài. Ngược lại, hàng Việt Nam nhập vào Nhật dễ dàng hơn do giá rẻ.

Nhật Bản là nước giàu, với dân số 126 triệu người, xuất nhập khẩu năm 2010 đạt 1.047 tỷ USD, khoảng cách địa lý gần với Việt Nam. Vậy mà Việt Nam đứng thứ 17 trong danh sách các nước xuất hàng vào Nhật Bản, thua cả Philippines .

 

Thương mại Nhật - Việt: Lệch cán cân

 

Tại một cuộc hội thảo với mục đích tăng cường đưa hàng Việt Nam vào Nhật do Tổ chức Xúc tiến và Hỗ trợ quan hệ mậu dịch của Nhật Bản (JETRO) kết hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM tổ chức hồi tuần trước, ông Nagamori Akihiro, Phó Giám đốc điều hành JETRO cho biết, thương mại giữa 2 nước Việt Nam và Nhật Bản chủ yếu là một chiều: từ Nhật vào Việt Nam, do các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng đầu tư ra nước ngoài. Còn doanh nghiệp Việt Nam thì chưa tích cực đẩy mạnh hay tìm cách đưa hàng vào Nhật. Mấy năm trước, Việt Nam cũng có một vài mặt hàng xuất sang Nhật, đứng thứ hạng cao, như gạo (hàng chủ lực), kế đó là tôm và cà phê. Riêng mặt hàng tôm đứng đầu các nước xuất vào thị trường Nhật. Gần đây, sản lượng tôm xuất khẩu bị giảm do thông tin trong tôm có thuốc kháng sinh(?), Bộ Y tế Nhật yêu cầu kiểm tra và người tiêu dùng Nhật e ngại... Ông Nagamori Akihiro kể, tháng trước ông có đi một số siêu thị và cửa hàng tại Nhật Bản, nhưng không thấy tôm Việt Nam, trên các quầy hàng toàn là tôm Thái Lan, Philipines. Do đó, Việt Nam cần cải thiện hơn việc nuôi tôm xuất khẩu. Người nuôi cần chú trọng hơn tới an toàn thực phẩm, bởi ở Nhật một doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng, bán hàng kém phẩm chất khiến người tiêu dùng bị bệnh, cơ quan chức năng sẽ truy nguồn gốc sản xuất và báo chí đưa tin thì doanh nghiệp đó có thể bị phá sản do mất lòng tin với người tiêu dùng.

 

Thời cơ đã đến

 

Trước đây hàng Việt Nam vào Nhật không dễ do không có đầu mối. Hàng vào thị trường này đòi hỏi chất lượng cao. Cuối năm 2009, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản có hiệu lực, hàng nông sản Việt Nam vào Nhật dễ dàng hơn. Hiện nay, đồng Yên có giá, hàng sản xuất tại Nhật khó ra nước ngoài, ngược lại hàng hóa Việt Nam nhập vào Nhật dễ dàng hơn do giá rẻ. Trung Quốc buôn bán với Nhật ở quy mô lớn, nhưng đã có mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế. Thế nên người Nhật muốn tìm đến một nước khác trong quan hệ thương mại, có thể họ chọn Việt Nam .

 

Một yếu tố khác là Nhật Bản có đến 126 triệu dân, dù có xu hướng giảm dân số trong tương lai, nhưng đây vẫn là một thị trường lớn với sức mua cao. Năm 2009, Nhật Bản nhập khẩu 64 tỷ USD hàng hóa từ các nước. Nhật chỉ có thể đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực phẩm trong nước. Gần đây đồng Yên có sự lên giá, hàng Việt Nam sẽ rẻ hơn. Đây chính là những cơ hội tốt để hàng thực phẩm của Việt Nam xâm nhập sâu hơn vào thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, phải là thực phẩm an toàn cho sức khỏe.

 

Một lợi thế khác là hiện nay nhiều doanh nghiệp Nhật đang làm ăn với Việt Nam đã có sẵn hệ thống phân phối tại Nhật, nhờ vậy hàng Việt Nam có thể thông qua các doanh nghiệp đó hoặc các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp như Jetro, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hay ITPC để tham gia các hội chợ, triển lãm nhằm từng bước xâm nhập vào thị trường này.

 

Mặt hàng nào có nhiều triển vọng?

 

Hiện nay nhiều doanh nghiệp Nhật đang làm ăn với Việt Nam đã có sẵn hệ thống phân phối tại Nhật, nhờ vậy, hàng Việt Nam có thể thông qua các doanh nghiệp đó hoặc các tổ chức như Jetro, VCCI hay ITPC để tham gia các hội chợ, triển lãm nhằm từng bước xâm nhập thị trường này.

Theo số liệu thống kê của JETRO, hàng năm Nhật Bản nhập khoảng 70% hàng nông sản, trong đó có bắp, đậu nành, những nông sản đã chế biến và trái cây. Người Nhật ưa ăn ngọt, do đó nếu các nhà khoa học hay nhà nông đưa ra được một loại trái mới vị không ngọt, không ngon sẽ bị tẩy chay. Kế đó là thủy sản chiếm 20%, trong đó tôm là mặt hàng chủ lực. Hiện nay, các nhà sản xuất Việt Nam đã tạo ra được nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng là tôm lăn bột chiên, tôm chẻ đôi được chế biến với món shusi. Tuy nhiên, gần đây các mặt hàng như bạch tuộc và các loại cá bống, cá dẹt và cá bơn bị giảm sản lượng do định giá chậm và sản lượng thu hoạch ít. Người Nhật thích dùng những thực phẩm an toàn, ngon tự nhiên. Các công ty nhập khẩu Nhật Bản muốn các nhà cung cấp báo giá nhanh, tuân thủ thời gian giao hàng, vì nếu giao không đúng thời gian thì các món ăn như cá sống sẽ bị giảm chất lượng.

 

Mặt hàng thứ hai nhiều tiềm năng là hoa cắt cành. Ở Nhật Bản hoa nhập chỉ chiếm khoảng 7% thị phần, tuy nhiên vào những tháng lạnh, nơi đây không thể sản xuất hoa được, nhất là hoa hồng, hoa loa kèn, hoa tulip, hoa phong lan. Những loại hoa này Việt Nam trồng được nhiều ở Đà Lạt và một số tỉnh. Cụ thể, Công ty cổ phần Sinh học Rừng hoa Đà Lạt đã xuất khẩu mỗi năm hàng triệu bông hoa sấy khô sang Nhật. Do vậy, hoa cắt cành là một mặt hàng nhiều triển vọng với thị trường Nhật, vấn đề còn lại là giá cả và phương cách giao hàng của doanh nghiệp Việt Nam .

Nhật Bản nhập khoảng 70% hàng nông sản: bắp, đậu nành, nông sản đã qua chế biến và trái cây.