Thoát lầy nợ nần: Thách thức lớn

Thoát lầy nợ nần: Thách thức lớn

(ĐTCK-online) Theo thống kê, hiện có 85 doanh nghiệp niêm yết đang có nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn. Trong số này, không ít doanh nghiệp nợ kéo dài và làm ăn thua lỗ, nếu không tính liệu, dừng hoạt động chỉ là chuyện sớm muộn.

Nghĩ cách cứu vãn

CTCP Hàng hải Đông Đô (DDM) đứng đầu trong số doanh nghiệp rủi ro cao về nợ. Quý I/2011, nợ ngắn hạn của DDM là 262,4 tỷ đồng, gấp 9,4 lần so với 27,9 tỷ đồng tài sản ngắn hạn. Trong năm 2010, DDM đã lỗ 74,3 tỷ đồng. Năm 2011, ĐHCĐ DDM đã thống nhất, không trả cổ tức, không trích các quỹ, đồng thời bán bớt tài sản để cải thiện tình trạng tài chính.

Theo kế hoạch năm 2011, DDM sẽ chào bán tàu chở hàng khô Đông Phong, xem xét bán 2 tàu container chuyên dụng Đông Mai và Đông Du; cân nhắc đến việc chuyển nhượng tài sản ở 11 đường Biệt Thự, Nha Trang; tiến hành bán toàn bộ 1.763,34 m2 sàn tại dự án Lạc Trung B, Hà Nội.

ĐHCĐ năm 2011 của CTCP Basa (BAS) đã thông qua kế hoạch bán Nhà máy Basa 2 đang hoạt động không hiệu quả. Nhiệm vụ trọng tâm của BAS vẫn là giảm lỗ, từ lỗ l4 tỷ đồng năm 2010 xuống lỗ 6 tỷ đồng năm 2011. Để làm được điều này, ông Võ Tấn Minh, Chủ tịch của BAS cho biết, BAS sẽ thực hiện nhiều giải pháp như đưa sản phẩm đồ hộp hải sản vào tiêu thụ, đưa tôm đông lạnh vào xuất khẩu, tìm cách bù đắp chi phí thông qua làm thêm gia công cá tra, cho thuê kho lạnh, chỉ thuê thiết bị sản xuất đồ hộp…

Đến quý I/2011 là đúng 8 quý CTCP Container Phía Nam (VSG) lỗ liên tiếp. Ông Cáp Trọng Tuấn, Chủ tịch Công ty nhấn mạnh, giảm lỗ là ưu tiên hàng đầu của Công ty năm 2011. VSG sẽ rà soát hoạt động, nâng cao dịch vụ kho bãi, khai thác tốt hơn tòa nhà văn phòng. Riêng việc trả nợ, VSG ngụ ý sẽ trông nhờ sự giúp đỡ từ công ty mẹ là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam .

 

Thách thức vẫn quá lớn

Dù đã có kế hoạch giảm nợ nhưng những công ty nói trên không dễ xoay sở để cải thiện tình hình tài chính, vì các tài sản định bán để trả nợ phần nhiều là tài sản dài hạn, tính thanh khoản thấp.

Thanh lý tài sản trả nợ là việc đã được DDM bàn đến từ ĐHCĐ năm trước. Khi đó, DDM hạ quyết tâm chuyển nhượng dự án bất động sản nhà ở. Nhưng thời gian qua đi, DDM vẫn chưa chuyển nhượng được, còn nợ ngắn hạn vẫn tăng lên, từ 241,7 tỷ đồng (quý I/2010) lên 262,4 tỷ đồng (quý I/2011).

Tuy nhiên, ngay cả khi bán 3 tàu Đông Phong, Đông Du, Đông Mai, chuyển nhượng kho bãi An Hải và hai tài sản bất động sản ở Nha Trang và Hà Nội thành công thì DDM mới chỉ trả được 50% khoản nợ. Tỷ lệ nợ ngắn hạn trên tổng tài sản ngắn hạn vẫn ở mức báo động cao.

Ở CTCP Vitaly (VTA), từ giữa năm ngoái, Công ty kiểm toán và tư vấn Chuẩn Việt từng cảnh báo về nguy cơ dừng hoạt động do nợ nần. Nhưng đến quý I/2011, vốn chủ sở hữu của VTA vẫn âm 19,5 tỷ đồng. VTA vẫn nợ ngắn hạn 215 tỷ đồng trong khi tài sản ngắn hạn chỉ còn 47,6 tỷ đồng.

VTA có thể tiếp tục duy trì hoạt động nếu bán hết tài sản trả nợ ngắn hạn. Nhưng vấn đề là các tài sản đã đem thế chấp cho các khoản vay ngắn hạn lẫn dài hạn.

Tại CTCP Vận tải biển Hải Âu (SSG), công ty này tính bán tàu Southern Star từ ĐHCĐ năm 2010 nhưng mãi đến đầu năm 2011 mới hoàn tất việc bán tàu với giá 1,1 triệu USD (22 tỷ đồng). Số tiền này chỉ vừa đủ trả khoản nợ vay mua tàu Sea Dream và tàu Sea Dragon. SSG vẫn còn khoản nợ ngắn hạn 35 tỷ đồng, cao gấp 3 lần tài sản ngắn hạn mà SSG đang có.

Khó khăn chồng chất, nợ nhiều và bán tài sản trả nợ khiến nhiều công ty thiếu cả vốn lẫn phương tiện hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cuối năm 2009, BAS từng hy vọng sẽ mở rộng sản phẩm và thị trường để tăng doanh thu, cải thiện dòng tiền. Nhưng thiếu vốn khiến BAS không thể thực hiện được các kế hoạch. Năm ngoái, BAS phải điều chỉnh kế hoạch theo hướng giảm doanh thu 76,5% và chấp nhận thua lỗ. Năm nay, tiền mặt của BAS chỉ còn 1,1 tỷ đồng trong khi lãi phải trả quý I/2011 là 1,2 tỷ đồng, tiền cho sản xuất vẫn là câu hỏi khó, chứ chưa nói tới khả năng thanh toán 60,6 tỷ đồng nợ ngắn hạn.

CTCP Du lịch dầu khí Phương Đông (PDC) thì mắc kẹt với khoản nợ sắp đến hạn trả cho PVFC 50 tỷ đồng trong khi Công ty Đức Thuận, đơn vị nợ PDC hơn 44,52 tỷ đồng đã nộp đơn xin phá sản.

Rõ ràng, một khi đã lún sâu vào nợ nần quá mức, "thoát lầy" là điều khó khăn với các doanh nghiệp. Lạm dụng đòn bẩy tài chính, vi phạm những nguyên tắc cơ bản của quản trị tài chính doanh nghiệp có lẽ không chỉ xảy ra với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, mà ngay cả một số doanh nghiệp quy mô vừa và lớn đang niêm yết cũng đang ở vào mức cảnh báo khi có tỷ lệ nợ quá cao.