DN vẫn đau đầu với bài toán lãi suất, vốn

DN vẫn đau đầu với bài toán lãi suất, vốn

Thoát khỏi nỗi lo bất ổn lãi suất và tỷ giá

Diễn biến tỷ giá những tuần đầu tháng 8/2011 cho thấy, vấn đề rủi ro tỷ giá vẫn rất quan ngại với các doanh nghiệp, đặc biệt là thời điểm cuối 2011 và đầu 2012. Vấn đề chiến lược thoát ra rõ ràng là rất cần đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Hơn một nửa năm 2011 đi qua với những biến cố đầy kịch tích của nền kinh tế thế giới, khi cuộc khủng hoảng nợ công bùng phát cả ở châu Âu và nay là Mỹ. Nhiều chuyên gia lo ngại "bóng ma" khủng hoảng tài chính toàn cầu một lần nữa lặp lại trong nửa cuối năm 2011 và kéo dài sang tận năm sau khi mới đây S&P đã hạ mức xếp hạng tín dụng của kinh tế Mỹ làm cả thế giới chao đảo và hoảng sợ. Cho dù còn quá sớm để  nói về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới, nhưng rõ ràng là kinh tế thế giới sẽ tiếp tục chao đảo nặng nề trong thời gian dài tiếp theo. Đặc biệt, lạm phát toàn cầu sẽ tiếp tục gia tăng nếu Mỹ không có cách nào khác tiếp tục ban hành các gói kích cầu tiêu dùng mới, và thậm chí in thêm đôla để trả nợ.

 

Trước bối cảnh như vậy, kinh tế trong nước vốn đã khó khăn lại càng có nhiều rủi ro. Nguy cơ lạm phát tiếp tục cao đồng nghĩa với lãi suất và tỷ giá tiếp tục bất ổn định và khó có thể giảm nhanh trong thời gian tới. Các doanh nghiệp tiếp tục phải gồng mình trước sức ép về lạm phát, về rủi ro lãi suất và tỷ giá khi chính sách tiền tệ tiếp tục được thắt chặt, cùng với đó, sự thay đổi chóng mặt của giá vàng đã bắt đầu rục rịch kéo theo sự chuyển dịch của tỷ giá.

 

Có thể thấy rằng những rủi ro về lãi suất và tỷ giá có thể còn sẽ kéo dài và ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của doanh nghiệp và để trụ vững và tận dụng tốt nhất những cơ hội đang có nhằm tạo đà cho năm 2012 vốn được dự đoán là rất khó khăn trong bối cảnh chung, việc nhận diện các rủi ro về tỷ giá, về lãi suất cũng như đưa ra được các chiến lược thoát ra những vòng xoáy rủi ro trong bối cảnh kinh tế hiện tại là rất cần thiết đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

 

Rủi ro lãi suất, rủi ro tỷ giá

 

Có khá nhiều dữ liệu chứng tỏ quá trình tăng trưởng hay chiến lược tăng trưởng, mở rộng của các doanh nghiệp Việt Nam là dựa vào vốn, bao gồm vốn trong nước và vốn vay nước ngoài. Với mô hình tăng trưởng nhanh và dựa chủ yếu vào vốn vay thì vấn đề rủi ro về lãi suất và tỷ giá đối với doanh nghiệp luôn là điều phải quan tâm với bất kỳ doanh nghiệp nào.

 

- Cấu trúc tài chính bất hợp lý và rủi ro. Nhìn vào cơ cấu vốn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay dễ dàng nhận thấy các doanh nghiệp đang dựa vào 2 nguồn tài chính chủ yếu là tín dụng ngân hàng và vốn phát hành cổ phiếu.

 

Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, việc huy động qua cổ phiếu trong điều kiện thị trường chứng khoán hiện nay đã trở nên hết sức khó khăn do giá chứng khoán giảm liên tục, thực tế này đã buộc các doanh nghiệp phải huy động thông qua vay nợ ngân hàng hoặc các công cụ nợ khác (bao gồm trong nước và nước ngoài), trong đó vay nợ ngân hàng chiếm tỷ lệ khá lớn.

 

Khảo sát không chính thức và thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam có cấu trúc tài chính dựa vào vốn ngân hàng khá nặng nề, bao gồm cả vốn trung và dài hạn. Tỷ trọng vốn tự có của doanh nghiệp trong nguồn vốn kinh doanh ở doanh nghiệp rất thấp, phần còn lại, 80-90% là vốn vay từ ngân hàng hay từ các tổ chức tài chính.

 

Với nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp phần lớn là vốn vay ngân hàng (dựa vào vốn tín dụng ngân hàng) như vậy, nên kết quả hoạt động của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào lãi suất ngân hàng và khả năng đáp ứng vốn của NHTM. Thông điệp của Chính phủ gần đây đã phát đi về tiếp tục chính sách thắt chặt, thận trọng... báo hiệu rằng, vấn nguồn vốn từ khu vực ngân hàng sẽ tiếp tục khan hiếm và  chắc chắn sẽ là vấn đề trung hạn, trong vài năm nữa.

 

- Rủi ro lãi suất ngày càng gia tăng?

 

Rõ ràng, các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã khá thụ động và chưa phản ứng kịp thời với sự biến động của lãi suất; Do đó doanh nghiệp đã phải "lãnh đủ" sự rủi ro biến động lãi suất. Trong điều kiện cấu trúc tài chính doanh nghiệp dựa vào ngân hàng như trên và thời hạn vay chủ yếu là ngắn hạn (chiếm hơn 80% vốn vay ngân hàng), cũng như doanh nghiệp vay bằng ngoại tệ nhiều thì rủi ro lãi suất và rủi ro tỷ giá đối với doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua và thời gian tới là rất cao.

 

Thực tế cho thấy, từ vài năm gần đây (nhất là từ cuối năm 2010), các NHTM Việt Nam đang chuyển sang cơ chế lãi suất thả nổi (biến động theo thị trường); Lãi suất cho vay của NHTM hiện tại (cuối tháng 7 đầu tháng 8/2011) đã  trên 20%; So với  lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp với lãi suất ngân hàng hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó có doanh nghiệp nào có lãi trên 20%.

 

Khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2010 cho thấy chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp được khảo sát chịu đựng được mức lãi suất vay từ 16-20%/năm (vào thời điểm đầu năm 2010); Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ sẽ thu nhỏ quy mô sản suất nếu lãi vay ngân hàng tiếp tục gia tăng cùng với điều kiện môi trường kinh doanh trở nên khó khăn hơn

 

Quan sát cách ứng xử của ngân hàng (bank behavior) cho thấy, dường như các ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua luôn tìm mọi cách đẩy chi phí cho phía doanh nghiệp, thông qua các loại phí dịch vụ rất mới lạ mà trước đây không hề có (như phí dàn xếp, phí thẩm định, phí quản lý tài khoản,..). Số liệu công bố về kết quả tài chính của khối ngân hàng lãi rất cao trong năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, trong khi đa số doanh nghiệp thua lỗ cũng phản ánh tình trạng này. Với cách ứng xử của ngân hàng như vậy, phản ánh ngân hàng đang ở thế cho vay (độc quyền cao) thì doanh nghiệp lại càng chịu đủ mọi rủi ro lãi suất là điều tất yếu.

 

- Rủi ro tỷ giá - doanh nghiệp đang tích lũy?

 

Trong thời gian qua, biến động về dư nợ tín dụng VND và ngoại tệ và diễn biến tỷ giá, lãi suất ngoại tệ ở khu vực ngân hàng Việt Nam cho thấy có dấu hiệu rằng các doanh nghiệp đã giải bài toán lãi suất cao bằng cách chuyển sang vay ngoại tệ với lãi suất thấp hơn (lãi suất vay VND thường 20% trong khi lãi suất vay USD chỉ khoảng 5%/năm).

 

Tuy nhiên, trên góc độ rủi ro tỷ giá lại thấy rằng, doanh nghiệp đang tự tích lũy rủi ro (!). Thông qua số liệu tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ cũng có thể thấy, các doanh nghiệp đang tự tích lũy rủi ro tỷ giá khá rõ ràng. Số liệu thống kê tương đối và tuyệt đối cho thấy, mức độ rủi ro tỷ giá đang ngày một tăng đối với các doanh nghiệp trong vài năm gần đây cũng như những năm tới: năm 2010, tín dụng ngoại tệ tăng 49,3%  so với năm 2009  (tổng tín dụng cho nền kinh tế tăng 29,81%  so với năm 2009 và trong đó, tín dụng VND tăng 25,3%).

 

Số liệu tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2011 cũng cho thấy các doanh nghiệp vẫn tiếp tục vay nợ ngoại tệ, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 23,4%  so với cuối năm 2010  (trong khi dư nợ tín dụng cho nền kinh tế  tăng 7,13% so với cuối năm 2010 và tăng 26,07% so với cùng kỳ năm 2010; trong đó tín dụng VND tăng 2,67% (số liệu đến 20/6/2011).

 

Diễn biến cán cân thanh toán quốc tế (trong đó đặc biệt nhập siêu vẫn cao trên dưới 20% xuất khẩu, dòng vốn quốc tế vào chậm,... như những năm gần đây và dự báo năm 2011) và diễn biến tỷ giá những tuần đầu tháng 8/2011 cho thấy, vấn đề rủi ro tỷ giá đối với khu vực doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang là mối quan ngại. Kinh nghiệm và bài học những năm qua và dự báo cho thấy, vào thời điểm cuối năm 2011 và đầu năm 2012, sẽ là thời điểm nhậy cảm về biến động tỷ giá.

Thoát khỏi nỗi lo bất ổn lãi suất và tỷ giá ảnh 1 

Chiến lược thoát ra

 

Như trên cho thấy, cơ cấu tài chính thực tại của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung là khá bất hợp lý và bất cân đối, rủi ro lãi suất và rủi ro tỷ giá trong quá khứ đã là bài học thì trong  thời gian tới vẫn là vấn đề đáng quan ngại. Vấn đề chiến lược thoát ra rõ ràng là rất cần đối với các doanh nghiệp Việt Nam , trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Kinh nghiệm cho thấy, khi khó khăn là cơ hội để nhìn thấy điểm yếu của mình và là thời điểm tốt nhất để đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp. Trong điều kiện như vậy, một vài gợi ý đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có thể là:

 

- Cơ cấu lại doanh nghiệp một cách tổng thể: Nhìn chung trong bất kỳ điều kiện khó khăn nào, doanh nghiệp cũng cần rà soát lại tất cả các khâu của doanh nghiệp (trực tiếp đến gián tiếp); xác định rõ hơn định hướng phát triển doanh nghiệp, lĩnh vực sản xuất, sản phẩm chủ chốt; xác định lĩnh lĩnh vực nào là rủi ro nhất (như rủi ro lãi suất, tỷ giá) ... của doanh nghiệp. Trong thực tế các doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực chiến lược này; Khảo sát của VCCI như đã nêu cũng cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang mạnh dạn cắt giảm đáng kể các hoạt động không thiết yếu. Khuynh hướng này chắc chắn sẽ đảm bảo để doanh nghiệp tập trung hơn cho cạnh tranh hiệu quả hơn.

 

- Cơ cấu lại tài chính - chấp nhận mua bán sáp nhập - giải pháp nâng cao năng lực quản trị, quản lý doanh nghiệp: Việc cơ cấu tài chính trong điều kiện khó khăn không bao giờ là dễ đối với doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế suy thoái, khó khăn. Kinh nghiệm cho thấy, hình thức cơ cấu lại tài chính cắt giảm chi phí có thể cắt giảm được (chi phí lương nhân công, chi phí trung gian) và cố gắng tìm nguồn tài chính giá rẻ và ổn định, chấp nhận chuyển nhượng sở hữu doanh nghiệp. Cách ứng xử với biến động giá cả đầu vào của doanh nghiệp (firm's price behavior) hàng đầu thế giới như HSBC, City Bank... đã cắt giảm nhân viên rất mạnh, sắp xếp lại nhân sự và quy trình làm việc, giảm chi phí quản lý rất mạnh trong thời gian khó khăn  vừa qua là một ví dụ rất đáng tham chiếu cho các doạnh nghiệp Việt Nam.

 

Tại Việt Nam , các doanh nghiệp nhà nước thường rất khó cắt giảm nhân công do nhiệm vụ chính trị mô hình ứng xử với giá của nhóm này đặc biệt và không nhậy cảm với biến động giá đầu vào (giá đầu vào càng tăng thi có thể doanh nghiệp nhà nước vẫn tăng nhân sự, tăng chi tiêu... ).

 

Đánh giá khái quát cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần thì vấn đề cắt giảm chi phí nhân sự đã diện ra khá thuận lợi. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp dừng vay ngân hàng, đồng nghĩa với thu hẹp hay dừng sản xuất kinh doanh, cắt bớt hợp đồng kinh tế  và do  đó nhiều doanh nghiệp vẫn phản tiếp tục cầm chừng sản xuất... Vấn đề bán doanh nghiệp (bán một phần), sáp nhâp ở Việt Nam diễn ra khá khó khăn. Khảo sát sơ bộ cho thấy, có khá nhiều quan điểm nhìn nhận tiêu cực về sáp nhập (theo nghĩa, sự mất mát, sự thôn tính... ).

 

Trên quan điểm phát triển lành mạnh, việc chấp nhận bán công ty, chủ động tìm kiếm đối tác chiến lược cần được nhìn nhận và coi là chiến lược thoát ra trong quá trình cơ cấu lại tài chính doanh nghiệp; và qua đó cũng dẫn đến quá trình cơ cấu lại doanh nghiêp và hệ thống quản trị quản lý rủi ro về lãi suất, rủi ro về tỷ giá và nhìn chung vấn đề quản trị rủi ro về tài chính sẽ được củng cố lại. Đối tác chiến lược mới sẽ là luồng gió mới thay đổi doanh nghiệp, những điều mới  này sẽ không những làm cho doanh nghiệp thoát ra khỏi tình trạng rủi ro lãi suất, rủi ro tỷ giá hiện thời mà cả trong tương lai là nâng cao giá trị doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển tốt hơn của doanh nghiệp.