Thoái vốn SCIC: Không quá áp lực về cung hàng

Thoái vốn SCIC: Không quá áp lực về cung hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2021, doanh thu bán vốn của SCIC ước đạt 1.390 tỷ đồng, trong đó chênh lệch bán vốn là 933 tỷ đồng, gấp 3 lần kế hoạch. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp bán vốn không nhiều.

Cung hàng ít

Số liệu từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho thấy, doanh thu cả năm của SCIC đến 31/12/2021 ước đạt 7.213 tỷ đồng, bằng 111% kế hoạch. Trong đó, doanh thu bán vốn ước đạt 1.390 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn là 933 tỷ đồng, gấp 3 lần kế hoạch. Dù vậy, số doanh nghiệp bán vốn chỉ vỏn vẹn ở con số 6.

Ông Đinh Việt Tùng, Phó tổng giám đốc SCIC chia sẻ, số lượng doanh nghiệp bán vốn không nhiều do nguyên nhân khách quan.

Cụ thể, Nghị định 140/2020/NĐ-CP ban hành vào tháng 12/2020 nhưng đến tháng 7/2021, Thông tư 36 hướng dẫn Nghị định mới có hiệu lực và SCIC chỉ có thể triển khai bán vốn từ tháng 7/2021 trở đi, trong khi thời điểm đó cả nước đang gồng mình chống đại dịch Covid-19. SCIC phải trực tiếp xuống doanh nghiệp để định giá, dẫn đến kết quả về số lượng doanh nghiệp bán vốn không nhiều.

Có 3 doanh nghiệp mà SCIC bắt buộc phải thoái vốn trước 20/12/2021 để nộp tiền về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp là Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã BMI) và Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã NTP), theo công văn của Bộ Tài chính.

Theo ông Đinh Việt Tùng, tuy chậm trễ về định giá do Covid-19 nhưng hiện công tác định giá Nhựa Tiền Phong đã xong và trong tháng 1 này sẽ triển khai đấu giá. Đây là 3 doanh nghiệp niêm yết nên việc bán vốn sẽ phải căn cứ dựa trên nhiều yếu tố.

"Nghị định 140 quy định giá khởi điểm không thấp hơn giá do SCIC định giá, giá bình quân 30 phiên và giá tại ngày quyết định bán vốn. Do đó, việc này bị điều chỉnh bởi thị trường rất lớn. Vừa rồi, trường hợp bán vốn tại Dầu thực vật (Vocarimex), nhiều ý kiến thắc mắc tại sao SCIC bán giá 28.000 đồng/cổ phiếu mà tại ngày bán giá cổ phiếu đạt tới 36.000 đồng/cổ phiếu. Nguyên do vì có chênh lệch giữa thời điểm công bố thông tin và ngày bán vốn. Giá mang tính tương đối vì phụ thuộc vào thị trường", ông Tùng giải thích.

Hiện công tác định giá Nhựa Tiền Phong đã xong và trong tháng 1 này sẽ triển khai đấu giá.

Với thương vụ thoái vốn tại Bảo Việt, SCIC đã xong mọi quy trình và báo cáo Bộ Tài chính, Bộ đã có văn bản tạm thời chưa triển khai cho đến khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quyết định về tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Bảo Việt. Ở doanh nghiệp này, nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm nếu giá cả phù hợp sẽ tham gia tăng tỷ lệ sở hữu.

Với Bảo Minh, mọi quy trình đã xong nhưng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đang chờ Bộ Tài chính phê duyệt. SCIC muốn mở rộng đối tượng tham gia mua lô cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nên Bảo Minh vẫn đang chờ mở room để tối đa hoá lợi ích bán vốn.

Ông Tùng cho biết, với 3 doanh nghiệp trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong vấn đề cân đối ngân sách, theo đó, ngân sách không cần huy động từ khoản thoái vốn nói trên trong năm 2021 nên việc bán vốn sẽ chuyển sang năm 2022.

Nói về phương thức bán vốn, lãnh đạo SCIC cho biết, đến nay, khung pháp lý đã tương đối đầy đủ. Các đợt thoái vốn lớn, Tổng công ty đều thực hiện roadshow, marketing đến các nhà đầu tư lớn, quỹ đầu tư, công ty đầu tư tài chính, công ty chứng khoán, đưa thông tin ra thị trường minh bạch công khai, có phân tích trong tương quan ngành, tài sản, các bên cổ đông đang nắm giữ. Thông tin sẽ mang lại giá trị, các nhà đầu tư có thông tin sẽ hiểu lợi thế doanh nghiệp. SCIC cũng phối hợp với các tổ chức tư vấn làm thế nào định giá trung thực, đầy đủ.

Vấn đề thứ hai là địa điểm bán, thị trường bán, phần lớn SCIC đưa qua 2 sở giao dịch chứng khoán.

"Chúng tôi phối hợp với công ty chứng khoán tìm kiếm nhà đầu tư, trong đó chú trọng tìm kiếm nhà đầu tư chuyên ngành để huy động được cầu, khi bán có hiệu quả, kết quả cao hơn”, ông Tùng cho biết.

Bên cạnh đó, SCIC cũng phối hợp cùng doanh nghiệp, người đại diện doanh nghiệp để nhà đầu tư quan tâm có thể có những buổi trao đổi trực tiếp để hiểu hơn về doanh nghiệp, tương lai doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có quyền sử dụng đất được chuộng

Cuối tháng 12/2021, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thực hiện phiên chào bán cổ phần cạnh tranh theo lô của SCIC tại HEC Corp.

Theo đó, 5 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua tổng cộng 10,78 triệu cổ phiếu của HEC Corp, gấp 5 lần khối lượng SCIC chào bán (2,156 triệu cổ phiếu, tương đương 49% vốn điều lệ của HEC Corp).

HEC Corp hiện hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, giám sát các công trình xây dựng thủy điện, thủy lợi. Kết quả kinh doanh của HEC không có gì nổi bật. Cụ thể, theo báo cáo tài chính của HEC Corp, trong năm 2018, doanh thu thuần hợp nhất tăng 95% so với năm 2017, đạt 231,8 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng gấp 2 lần, đạt 14,08 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngay sau năm tăng trưởng đột biến này, kết quả kinh doanh trong 2 năm sau đó đã liên tục giảm mạnh. Trong năm 2018 và 2019, doanh thu thuần hợp nhất của HEC Corp lần lượt giảm 20,28% và 23,66% so với thực hiện năm liền trước, lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 35,09% và 44,1%. Năm 2020 cũng ghi nhận mức thấp nhất trong giai đoạn 5 năm 2016-2020.

Trong 2 năm 2019-2020, mặc dù có lợi nhuận, nhưng dòng tiền kinh doanh của Tổng công ty đều âm, phải tăng cường nợ vay ngắn hạn để bổ sung nguồn vốn.

Rõ ràng, nếu xét về kết quả kinh doanh, thì cổ phiếu của HEC Corp không mấy hấp dẫn so với mức giá khởi điểm 40.300 đồng/cổ phiếu được SCIC đưa ra, tương ứng định giá doanh nghiệp ở mức 177,3 tỷ đồng, gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu của Tổng công ty tại thời điểm cuối năm 2020.

Dù vậy, theo bản công bố thông tin chào bán cổ phần của SCIC tại HEC Corp cho đợt chào bán cổ phần tháng 12/2021, HEC Corp và các đơn vị thành viên đang quản lý tổng cộng 17.050 m2 đất ở nhiều tỉnh, thành phố lớn.

Riêng tại Hà Nội, Tổng công ty đang quản lý và sử dụng 2 lô đất với tổng diện tích hơn 4.600 m2, gồm lô tại tại số 2 - Chùa Bộc (quận Đống Đa), rộng 2059,7 m2, làm trụ sở của Tổng công ty và lô số 95/8/116 - Chùa Bộc, diện tích 2.619,6 m2, làm trụ sở của HEC14. Tại Hưng Yên, HEC Corp quản lý 4.359 m2 tại thị trấn Bần Yên Nhân (huyện Mỹ Hào).

Tại TP. Vinh (Nghệ An), HEC Corp đang quản lý diện tích 4.606,7 m2 tại số 100 - Mai Hắc Đế, đặt trụ sở của HEC16. Tại Bắc Ninh, Tổng công ty có 2.905 m2, làm trụ sở của HEC15. Tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), Tổng công ty có 507 m2, đặt văn phòng đại diện tại số 52 - Đống Đa, phường Tân Lập.

Xét về lĩnh vực kinh doanh chính, triển vọng kinh doanh của HEC Corp được đánh giá thiếu khả năng đột phá, thậm chí ngày càng chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn từ các doanh nghiệp tư nhân mạnh. Tuy nhiên, cổ phiếu của HEC Corp vẫn được săn đón và đã đấu giá thành công với giá gần gấp đôi giá khởi điểm.

Tương tự là phiên đấu giá hơn 1,14 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Thanh Hóa (TIIDC).

Sau nhiều lần chào bán lô cổ phiếu này không thành công, năm nay, đã có 4 nhà đầu tư cá nhân đăng ký tham gia. Giá khởi điểm lô cổ phiếu trên là 37,7 tỷ đồng, tương đương 33.000 đồng/cổ phiếu.

Nhà đầu tư bỏ giá cao nhất sẽ được SCIC “sang tay” toàn bộ 1,14 triệu cổ phiếu, tương đương 45,72% vốn điều lệ của TIIDC.

Theo bản công bố thông tin, TIIDC đang quản lý và sử dụng nhiều khu đất có diện tích khoảng 800.000 m2 tại Thanh Hóa, tất cả là đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất.

SCIC dự kiến tới đây đấu giá toàn bộ 3,18 triệu cổ phiếu đang sở hữu, tương đương 97,03% vốn của Công ty cổ phần Bến xe Kon Tum. Theo báo cáo tài chính năm 2020 (đã kiểm toán), tổng tài sản của Bến xe Kon Tum tại ngày 31/12/2020 là 34,86 tỷ đồng, trong đó, có giá trị lớn nhất là khu đất 281 - Phan Đình Phùng (phường Quang Trung, TP. Kon Tum), được định giá 27,7 tỷ đồng. Mảnh đất này có diện tích 13.321 m2, được UBND tỉnh Kon Tum chuyển đổi hình thức từ giao đất sang cho thuê đất trả tiền hàng năm, thời hạn thuê 42 năm từ tháng 8/2010 đến tháng 8/2052.

Tại một cuộc trao đổi về M&A được tổ chức cho các doanh nghiệp có vốn của SCIC trước đây, ông Lê Thanh Tuấn, Trưởng ban Đầu tư 4, SCIC cho biết, khi thực hiện bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, những doanh nghiệp có quyền sử dụng đất thường được nhà đầu tư quan tâm và dễ dàng thoái vốn hơn so với các doanh nghiệp khác.

Tin bài liên quan