Thoái vốn ngân hàng: nhà đầu tư nội bắt đầu mở hầu bao

(ĐTCK) Geleximco mua lại 25 triệu cổ phần ABBank của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có lẽ là động thái đầu tiên trong việc các nhà đầu tư lớn trong nước tham gia vào các đợt thoái vốn ngân hàng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ nay đến 2015.
Thoái vốn ngân hàng: nhà đầu tư nội bắt đầu mở hầu bao

Ế ẩm

Năm 2013, cả 2 đợt đấu giá bán cổ phần thoái vốn đầu tư 25,2 triệu cổ phần vào ngân hàng ABBank và 24,033 triệu cổ phần Techcombank (TCB) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) trong tháng 8, tháng 9 đều thất bại do mỗi đợt chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia.

Lo ngại về tình trạng ế ẩm cũng là lý do được lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đưa ra để giải thích cho việc họ chần chừ thoái vốn khỏi OceanBank. Tương tự là sự dè dặt của VNPT trong việc thoái vốn khỏi MaritimeBank và Ngân hàng Liên Việt…

Trong khi đó, để tổ chức một đợt thoái vốn ngân hàng, thủ tục không hề đơn giản. Đơn cử, để thực hiện đấu giá cổ phần TCB, VNA từ cuối tháng 6/2012 đã triển khai các thủ tục để thoái vốn khỏi TCB trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau hơn 1 năm mới có thể đưa cổ phần ra chào bán rộng rãi. Tốn kém và phiền hà như vậy, song cổ phiếu ngân hàng, trong đó có những ngân hàng vốn được đánh giá hoạt động khá hiệu quả như TCB, lại rơi vào cảnh ế ẩm.

Theo nhận xét của giới đầu tư tài chính, giá khởi điểm của các đợt chào bán quá cao so với thị giá cổ phiếu ngân hàng, đồng thời, các chỉ số tài chính như tỷ suất sinh lời trên vốn, cổ tức… của ngân hàng cũng như hoạt động của các ngân hàng Việt Nam có nhiều điểm chưa minh bạch là những lý do chính khiến cổ phiếu ngân hàng không phải là món “khoái khẩu” của giới đầu tư tài chính chuyên nghiệp.

Trên thực tế, nếu chỉ đầu tư tài chính đơn thuần, cơ hội bỏ vốn vào ngân hàng thực sự không hấp dẫn. Năm 2012, OceanBank có lợi nhuận sau thuế 243 tỷ đồng, giảm 50% so với năm 2011; Techcombank, một trong những ngân hàng tư nhân được đánh giá có hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam có lợi nhuận sau thuế 765 tỷ đồng, giảm mạnh so với 3.153 tỷ đồng năm 2011. Năm 2013, kết quả kinh doanh chưa được nhiều ngân hàng công bố, song được dự báo còn giảm so với năm 2012.

Nhà đầu tư lớn vào cuộc

ABBank hiện có vốn điều lệ 4.200 tỷ đồng. Trước khi thoái bớt vốn khỏi ngân hàng này, EVN sở hữu xấp xỉ 22% cổ phần ABBank. Sau đợt chào bán thất bại hồi tháng 8/2013, EVN đã đàm phán bán lại 25 triệu cổ phần cho Geleximco, 1 cổ đông lớn khác của ABBank.

Đáng chú ý, giá bán của EVN cho Geleximco bằng mệnh giá, trong khi thị giá cổ phiếu này trên thị trường chỉ bằng 2/3 mệnh giá. Chấp nhận bỏ ra 250 tỷ đồng mua cổ phiếu từ EVN với giá cao, nhà đầu tư Geleximco nhiều khả năng tính đến những bài toán lợi ích khác.

Đó có thể là những lợi thế từ việc tiếp tục tạo dựng mối quan hệ tốt với EVN và ngành điện để giúp ngân hàng cung cấp nhiều dịch vụ gia tăng khác, hoặc cũng có thể là sự tham gia của Geleximco vào lĩnh vực đầu tư điện năng khi tập đoàn này đang có trong tay một vài dự án nhà máy nhiệt điện quy mô lớn.

 SCIC sẽ chi tiền để trở thành cổ đông lớn?

Theo thông tin ĐTCK có được, rất có thể trong các đợt thoái vốn ngân hàng tới đây, sẽ có sự tham gia của nhà đầu tư chính phủ, SCIC.

Theo thống kê, vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty vào các ngân hàng hiện vào khoảng 11.000 tỷ đồng. Theo một lãnh đạo của SCIC, Tổng công ty có thể xem xét lựa chọn các cơ hội để tham gia đầu tư, mua lại phần vốn góp của các tập đoàn, tổng công ty vào các ngân hàng. Tất nhiên, nếu tham gia, SCIC sẽ mua theo giá thị trường.

Trước đây, khi đề cập đến câu chuyện thoái vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước, giới chuyên gia kinh tế như các ông Nguyễn Đình Cung, Nguyễn Đức Kiên... đã đưa ra ý tưởng: gói toàn bộ những khoản đầu tư này lại và chuyển giao về SCIC để tổng công ty này xử lý, giải phóng cho các tập đoàn, tổng công ty khác chuyên tâm tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.

Tuy nhiên, trên thực tế, quan điểm trên không dễ được SCIC chấp nhận, tổng công ty này sẽ phải rất thận trọng, nhất là khi những khoản đầu tư vào ngân hàng, nếu tính theo giá thị trường hiện nay, chủ yếu là lỗ, thậm chí lỗ nặng. Đơn cử như khoản đầu tư của Tập đoàn Dầu khí vào Pvcombank, nếu tính giá cổ phiếu PVF vào những phiên giao dịch cuối cùng trên HOSE trước khi PVF hủy niêm yết, PVN đã lỗ khoảng 70% khoản vốn đầu tư.

Khung pháp lý hiện nay vẫn bó buộc các tập đoàn, tổng công ty phải thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành sao cho không bị lỗ. Vậy làm sao để họ bán cổ phiếu theo giá thị trường?

Về phần mình, liệu SCIC có chấp nhận mua cổ phiếu ngân hàng giá cao như trường hợp Geleximco đã làm? Nếu mua với giá tương tự như vậy, bài toán lợi ích họ đổi lại là gì?

Nếu nhìn vào cơ cấu cổ đông, có thể thấy ở hầu hết các ngân hàng cổ phần có vốn đầu tư của tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều có các cổ đông lớn khác là những tập đoàn, nhà đầu tư tư nhân. Đơn cử, trên trang web của mình, Massan đánh giá rất cao TCB và khoản đầu tư vào ngân hàng này. Liệu năm 2014, sau đợt chào bán cổ phần thất bại của Vietnam Airlines, cổ đông lớn Massan có mua lại 24 triệu cổ phiếu TCB để tăng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng? Giới quan sát cho rằng, điều này hoàn toàn có thể xảy ra, nếu các điều kiện chào bán cho phép cổ đông Massan thu được lợi.

Tương tự, OGC có thể mua thêm cổ phần OceanBank từ PVN. Tập đoàn này cũng từng bỏ ra vài trăm tỷ đồng để mua cổ phần PVR từ Tổng công ty Xây lắp dầu khí với giá cao gấp đôi thị giá. 

Tin bài liên quan