Thoái vốn dưới mệnh giá, đèn xanh “một nửa”!

Thoái vốn dưới mệnh giá, đèn xanh “một nửa”!

(ĐTCK) Sau rất nhiều đợt thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thất bại, Bộ Tài chính vừa dự thảo một cơ chế linh hoạt hơn nhằm đẩy nhanh tiến trình này. Tuy nhiên, để thị trường có thể hấp thụ được khoảng 21.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành, một sự nới lỏng trên giấy là chưa đủ…

Thoái vốn dưới mệnh giá, đèn xanh “một nửa”! ảnh 1Việc thoái vốn tại ABBank của Tập đoàn Điện lực là khá khó khăn

Nhiều lựa chọn

Theo thống kê của Ban Đổi mới DN Trung ương, tính đến đầu năm 2013, giá gốc các khoản đầu tư ngoài ngành của khối DN 100% vốn nhà nước được xác định là 21.000 tỷ đồng, trong đó tập trung ở một số lĩnh vực từng có sự phát triển nóng như tài chính, bất động sản, chứng khoán… Theo yêu cầu của Chính phủ, muộn nhất đến năm 2015, các DN này phải hoàn tất việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành, DNNN phải bảo toàn vốn, đồng nghĩa với việc không được bán lỗ các khoản đã đầu tư; trong trường hợp vốn góp là cổ phần, thường không được bán dưới mệnh giá. Quy định trói chặt như trên khiến hầu hết các đợt thoái vốn như tại ABBank của Tập đoàn Điện lực, tại MaritimeBank của Tập đoàn Bưu chính -Viễn thông; tại OceanBank của Tập đoàn Dầu khí… đã và tiếp tục có nguy cơ thất bại do giá cổ phiếu tại những ngân hàng là đối tượng đầu tư trên đều đang có thị giá dưới mệnh giá.

Tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ vừa được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều phương án linh hoạt hơn đối với các trường hợp trên. Cụ thể, đối với CTCP đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch UPCoM thì việc chuyển nhượng vốn (chuyển nhượng cổ phiếu) thực hiện theo phương thức giao dịch (khớp lệnh, thỏa thuận). Trường hợp chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận thì giá thỏa thuận không thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán.

Đối với CTCP chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch UPCoM, khi chuyển nhượng vốn sẽ thực hiện theo hình thức: bán đấu giá công khai qua Sở GDCK, tại các tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc DN bán đấu giá tài sản; bán thỏa thuận trực tiếp giữa chủ sở hữu (hoặc cơ quan chức năng được chủ sở hữu ủy quyền hoặc giao nhiệm vụ bằng văn bản) với nhà đầu tư trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua, hoặc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép bán chỉ định bằng văn bản.

Để tránh thất thoát vốn nhà nước, cơ quan quản lý yêu cầu việc chuyển nhượng các khoản vốn đầu tư ra ngoài DN phải đảm bảo sát với giá thị trường tại thời điểm bán. Trường hợp giá chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài ngành nghề chính của DNNN dự kiến thu được sát với giá thị trường, nhưng vẫn thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán, nếu DN đã thực hiện trích lập dự phòng và khoản trích lập dự phòng bằng hoặc lớn hơn chênh lệch giữa giá bán dự kiến thu được so với giá trị ghi trên sổ sách kế toán (DN đã bảo toàn được vốn đầu tư thông qua trích lập dự phòng) thì hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty quyết định chuyển nhượng để thu hút vốn đầu tư. Nếu khoản trích lập dự phòng của DN vẫn thấp hơn chênh lệch giữa giá trị khoản đầu tư ghi trên sổ kế toán với giá trị chuyển nhượng dự kiến thu được sát với giá thị trường thì hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty phải báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định trước khi thực hiện chuyển nhượng.

Việc xác định giá khởi điểm đối với giá trị phần vốn nhà nước đầu tư tại DN khác khi thực hiện bán đấu giá công khai hoặc bán thỏa thuận trực tiếp sẽ thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá.

 

Không dễ chịu!

Như vậy, cơ quan quản lý đã bật đèn xanh cho những trường hợp bán các khoản đầu tư ra ngoài ngành là cổ phiếu dưới mệnh giá và trao quyền rất lớn cho lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quyết định việc thoái vốn. Tuy nhiên, trong Dự thảo Thông tư cũng “thòng” thêm điều khoản khiến cho việc ra quyết định có thể rất khó khăn.

Theo đó, tiền thu về từ chuyển nhượng các khoản đầu tư ra ngoài DN sau khi trừ giá trị vốn đầu tư (chi phí vốn đầu tư), chi phí chuyển nhượng và tiền thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định, số còn lại DN được hạch toán vào kết quả kinh doanh. Trường hợp DN thua lỗ (không bảo toàn được vốn), hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty phải có báo cáo gửi chủ sở hữu và Bộ Tài chính về nguyên nhân thua lỗ không bảo toàn được vốn và phải giảm trừ tiền lương của viên chức quản lý DN.

Trong trường hợp DN thoái vốn lỗ song tỷ trọng giá trị những khoản đầu tư ngoài ngành kia nhỏ so với doanh thu, lợi nhuận của DN, việc hạch toán vào kết quả kinh doanh hợp nhất sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, lãnh đạo DN có thể quyết định dễ dàng. Tuy nhiên, với những khoản đầu tư lớn, giá trị tới cả nghìn tỷ đồng như đầu tư vào các ngân hàng, công ty tài chính..., liệu lãnh đạo DN có sẵn sàng chấp nhận trừ lương sau khi thoái vốn? Đó là chưa kể quyết định bỏ vốn đầu tư thường do lãnh đạo tiền nhiệm ban hành, nay dàn lãnh đạo mới có dám quyết tâm gạt bỏ một phần lợi ích để cắt bỏ những khoản đầu tư ngoài ngành?    

 

“Bán lỗ bị trừ lương, ai dám bán?”

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Cần phải mở thoáng hơn quy định về việc thoái vốn nhà nước. Trong trường hợp nhà đầu tư muốn mua ở mức giá thấp hơn giá phổ biến trên thị trường, quy định đó đã hạn chế giao dịch. Trong khi đó, giá thị trường luôn biến động, giá ngày mai đã có thể khác giá hôm nay.

Giá bán vốn, theo quan điểm của tôi, cần bán theo giá thỏa thuận giữa hai bên. Bản thân việc bán vốn theo giá thỏa thuận giữa người mua và người bán cũng đã chính là bán theo giá thị trường. Quy định người đại diện quản lý vốn nhà nước sẽ bị trừ lương, thưởng nếu bán lỗ phần vốn nên được hủy bỏ. Hoạt động kinh doanh luôn có rủi ro thị trường, nếu muốn đặt trách nhiệm lên người quản lý phần vốn thì cơ quan quản lý cần đưa ra những quy định về việc quản trị, chứ không phải là những quy định áp theo thị trường như vậy.

Với quy định này, ai sẽ dám bán phần vốn nếu mức giá đã rơi xuống thấp hơn mức đầu tư ban đầu? Như vậy, việc thoái vốn nhà nước vừa được mở ra nhờ quy định được phép bán theo giá thị trường lại bị đóng lại vì quy định trừ lương, thưởng người đại diện nếu bán lỗ.

 

“Mới cởi bỏ một phần nỗi lo trách nhiệm”

Giám đốc tư vấn một CTCK lớn

Thực ra, điểm khúc mắc chủ yếu trong việc bán vốn nhà nước vẫn là nỗi lo trách nhiệm làm thất thoát vốn nhà nước của người đại diện. Cho dù quy định mới cho phép bán vốn nhà nước theo giá thị trường, nhưng nếu giá thị trường của phần vốn rơi xuống dưới mức giá đã mua ban đầu thì việc bán vốn theo giá thị trường vẫn bị coi là làm thất thoát vốn nhà nước.

Thời gian gần đây, các cuộc bán vốn nhà nước được thực hiện theo cơ chế đấu giá hướng theo giá thị trường nên đã diễn ra suôn sẻ hơn. Với phần vốn đầu tư tại công ty đã niêm yết thì giá khởi điểm xác định theo giá trên sàn, phần vốn tại công ty trách nhiệm hữu hạn thì được bán cho người trả giá cao nhất.

Trong những cuộc bán vốn như thế, có nhiều trường hợp giá bán thấp hơn giá mua vào, nhưng nếu chứng minh được các yếu tố dẫn đến việc bán lỗ hợp lý thì sẽ vẫn được thực hiện suôn sẻ. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp người đại diện thận trọng nên  không muốn thực hiện thoái vốn nếu giá bán lỗ. Khi đó, vấn đề chủ yếu đối với đơn vị tư vấn như chúng tôi là thuyết phục được người đại diện đồng ý bán theo giá thị trường.

Nhìn chung, tôi cho rằng, Dự thảo Thông tư đưa quy định thoái vốn nhà nước theo giá thị trường đã tháo gỡ một phần cho hoạt động bán vốn nhà nước tại các đơn vị cần thoái vốn.

 

“Khó xác định giá thị trường”

Bà Đặng Phạm Minh Loan; Phó giám đốc điều hành VinaCapital

Việc thoái vốn nhà nước theo theo giá thị trường sẽ giúp tối đa hóa giá trị thu về của Nhà nước, theo đó có lợi cho người dân nên cá nhân tôi hết sức ủng hộ quy định này.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định giá thị trường đôi khi gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với một số tài sản không được giao dịch rộng rãi. Có một số tài sản chỉ có một hay hai nhà đầu tư có nhu cầu mua và hoàn toàn không có giá giao dịch tham chiếu. Trong trường hợp này, thị giá chủ yếu phụ thuộc vào các định giá của người mua dựa trên lợi ích tương lai họ nhận được từ việc khai thác và sử dụng tài sản, kết hợp với kỳ vọng của người bán để hai mức giá đưa ra gặp được nhau. Các nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư thường rất dễ dàng trong việc định giá tài sản họ có thể mua dựa trên những tiêu chí riêng và một số tiêu chí định giá phổ biến trên TTCK, thị trường vốn cũng như linh động áp dụng vào từng mục tiêu cụ thể. Trong các trường hợp không có sẵn giá giao dịch trên thị trường, để khách quan, có thể thuê các tổ chức tư vấn định giá với các tiêu chí được phần lớn nhà đầu tư chấp nhận để định giá trị tài sản một cách phù hợp thay cho giá thị trường.

Chúng tôi chưa gặp trường hợp nào “mua rẻ” lại phần vốn của Nhà nước, nghĩa là mua với giá Nhà nước bán lỗ. Nhưng cũng có thể với quy định mới cho phép bán phần vốn của Nhà nước theo giá thị trường với những quy định cụ thể và áp dụng linh động trong từng trường hợp, dù là giá thị trường có thể thấp hơn giá trị sổ sách, có thể làm cho nhu cầu mua các tài sản này tăng lên, đồng thời Nhà nước có thể thu hồi vốn nhanh hơn từ các tài sản đó để có điều kiện tái đầu tư tốt hơn vào các mục tiêu ưu tiên hơn.