Không NĐT nào mua, bán khối lượng lớn CK mà lớn tiếng nói  phải mua hoặc bán ngay bằng được - Ảnh: Đức Thanh

Không NĐT nào mua, bán khối lượng lớn CK mà lớn tiếng nói phải mua hoặc bán ngay bằng được - Ảnh: Đức Thanh

Thoái vốn của DNNN và trách nhiệm với thị trường

(ĐTCK-online) Trong lịch sử TTCK Việt Nam, không ít NĐT lớn buộc phải thoái vốn khỏi thị trường nhưng không đối tượng nào phải thoái vốn đồng loạt và có thời hạn gấp rút như các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay. Điều này đang gây sức ép lên TTCK.

>> Nhiều tập đoàn mắc kẹt với đầu tư tài chính

Thông tư 117/2010/TT-BTC ngày 5/8/2010 của Bộ Tài chính quy định, DNNN phải sử dụng tối thiểu 70% tổng nguồn vốn đầu tư vào ngành nghề kinh doanh chính. Tổng mức đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính không được vượt quá vốn điều lệ của công ty. Mỗi công ty chỉ được góp vốn vào 1 doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. DNNN nào có mức đầu tư ra ngoài ngành vi phạm các quy định trên phải thực hiện cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình theo Nghị định 09/NĐ-CP của Chính phủ, hạn chót là ngày 25/3/2011.

Trong khi nhiều DNNN vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chí hiện tại thì dự thảo thông tư mới của Bộ Tài chính lại giảm tỷ lệ đầu tư ngoài ngành của DNNN từ 30% xuống 15% tổng vốn đầu tư. Quy định này nếu được áp dụng sớm sẽ đặt ra sức ép rất lớn với TTCK và các DNNN vì phần lớn trong số vốn đầu tư ngoài ngành là đầu tư chứng khoán, bất động sản và ngân hàng.

Theo Sở Tài chính TP. HCM, đến cuối tháng 5/2011, có 8 tổng công ty trực thuộc TP. HCM vẫn chưa thực hiện xong tái cơ cấu danh mục đầu tư của mình theo quy định. Theo số liệu của 89 DNNN tại TP. HCM, thời điểm 31/5/2011, tổng vốn đầu tư chứng khoán là 9.295 tỷ đồng.

Ngày 29/3/2011, UBND TP. HCM gửi công văn đề nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện việc cơ cấu lại danh mục đầu tư nêu trên. Tuy nhiên, Bộ đề nghị Ủy ban tiếp tục chỉ đạo các tổng công ty, các doanh nghiệp thuộc Thành phố quản lý thực hiện đúng quy định của Chính phủ.

Đây rõ ràng chỉ là ý chí của cơ quan quản lý. TTCK và kinh tế vĩ mô còn khó khăn như hiện nay, thì việc thoái vốn đầu tư chứng khoán và đầu tư ngoài ngành (chủ yếu là bất động sản và ngân hàng) cực kỳ khó khăn. Kể cả muốn bán rẻ khoản đầu tư cũng chưa chắc đã có người mua. Chưa kể, nếu bán khoản đầu tư làm lỗ vốn thì lãnh đạo DNNN có nguy cơ phải chịu trách nhiệm cá nhân, kết quả kinh doanh lỗ thì lương thưởng của người lao động bị giảm. Còn nếu không thoái vốn, vi phạm quy định chung thì không có trách nhiệm cá nhân mà là trách nhiệm chung.

Năm 2009, Indochina Capital Vietnam Holdings Limited (ICV) quyết định thoái vốn tại thị trường Việt Nam, với danh mục trị giá 242,9 triệu USD, đã đặt ra thời hạn 12 đến 18 tháng nhưng vẫn khẳng định chính sách "chống lại việc bán ồ ạt danh mục đầu tư với giá thấp hơn giá thị trường".

Dragon Capital khi thoái vốn ở một vài doanh nghiệp lớn như Sacombank cũng đã tìm kiếm đối tác giao dịch thỏa thuận để hạn chế ảnh hưởng đến thị trường. Nhiều NĐT lớn trên thị trường muốn mua hay bán một khối lượng lớn cổ phiếu của một công ty cũng có những thủ thuật nhỏ như đăng ký vừa mua vừa bán để giá cổ phiếu không bị ảnh hưởng.

Không NĐT nào mua bán khối lượng lớn chứng khoán mà lớn tiếng nói tôi phải mua ngay bán ngay cho bằng được. Điều này làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và chính quyền lợi của bên muốn bán hay mua chứng khoán.

Trước đây, Chính phủ cũng từng đặt ra lộ trình cứng hoàn thành cổ phần hóa DNNN. Nhưng thực tế, vì quan điểm "không thể bán tài sản nhà nước bằng mọi giá" nên thời hạn đặt ra ban đầu không còn nhiều ý nghĩa. Khi TTCK bùng nổ, các doanh nghiệp lại tích cực xin được cổ phần hóa, giảm vốn nhà nước dưới 51% vì thấy được lợi ích chung và riêng từ cổ phần hóa.

Trở lại với việc thoái vốn đầu tư chứng khoán và đầu tư ngoài ngành của DNNN hiện nay, dựa trên tổng vốn đầu tư chứng khoán và đầu tư ngoài ngành ở thời điểm này so với quy mô thị trường và tình hình kinh tế vĩ mô, cơ quan quản lý cần đưa ra lộ trình thoái vốn thích hợp hơn, để không đặt sức ép quá lớn lên TTCK. Đặc biệt, Bộ Tài chính cần kiểm tra tiến trình thoái vốn, theo đó các DNNN phải xây dựng kế hoạch thoái vốn trong đó liệt kê các khoản mục đầu tư, giá vốn và giá thoái vốn tối thiểu có thể chấp nhận dựa trên phương pháp định giá cơ bản, các giải pháp để thoái vốn thành công.

Việc thực hiện chỉ tiêu thoái vốn đầu tư ngoài ngành phải gắn với thực hiện khen thưởng của doanh nghiệp và người lao động. Sâu sát hơn cần có cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp thoái vốn như tìm người mua phù hợp ở trong nước và nước ngoài. Bởi trong bối cảnh hiện nay muốn bán các khoản đầu tư tài chính dù tốt cũng không phải dễ dàng.

Mục tiêu giảm tỷ lệ đầu tư chứng khoán và ngoài ngành ở DNNN là đúng nhưng cách làm cần sát thực hơn để đảm bảo tính khả thi.