Thiếu lực cho chứng khoán

Thiếu lực cho chứng khoán

(ĐTCK) Nhiều quỹ đầu tư sắp đến thời hạn đóng quỹ, nên việc giải tỏa danh mục để trở về vị thế tiền mặt đang diễn ra khá mạnh mẽ.

Đối với đa số nhà đầu tư, không phải diễn biến chỉ số, mà chính thanh khoản thị trường mới là thước đo quan trọng. Nhưng có vẻ như động lực cải thiện thanh khoản thị trường đang thiếu và yếu, khi dòng tiền mới không có, còn dòng tiền cũ thì ngập ngừng, thậm chí suy giảm do các tín hiệu thiếu tích cực.

Trao đổi bên lề Ngày hội Chứng khoán (do Vinabull tổ chức, 21/9), ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM) nhận định, TTCK Việt Nam hiện khá hấp dẫn khi giá nhiều cổ phiếu đã xuống thấp và các hiện tượng tiêu cực, thiếu minh bạch trên TTCK đang được xử lý mạnh tay. Trong môi trường đó, lẽ ra nhà đầu tư phải có động lực để tham gia thị trường.

Nhưng tại sao chỉ số chứng khoán cứ giảm và thanh khoản TTCK luôn trong tình trạng suy kiệt? Theo thống kê, từ tháng 7 trở lại đây, những phiên giao dịch trên 1.000 tỷ đồng/phiên là rất hiếm thấy. Sàn TP. HCM nhiều phiên giao dịch có mức chuyển nhượng dưới 500 tỷ đồng (ngày 1/10, 26/9, 25/9, 24/9, 12/9, 11/9, 16/8, 13/8, 8/8 ,3/8, 2/8, 1/8, 31/7, 30/7, 26/7, 11/7, 10/7, 9/7, 5/7 , 4/7). Đó là chưa nói, nếu trừ các giao dịch thỏa thuận, thanh khoản thực tế còn thấp hơn nữa.

Tình trạng suy giảm thanh khoản đã kéo dài liên tục suốt 3 tháng nay. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là thực trạng không bình thường nếu so với quá khứ tháng 1/2012, sàn HOSE từng có một vài phiên thanh khoản dưới 500 tỷ đồng, nhưng chỉ sang tháng 2/2012, thanh khoản đã khởi sắc. Nghĩa là không đợi quá lâu, dòng tiền vào TTCK lại nhập cuộc. Vậy lần này thì sao?

Ngoài một vài quỹ ETF giao dịch theo cách “đánh nhanh rút gọn” với giá trị đầu tư không lớn, thì từ gần 2 năm nay, trên TTCK gần như không xuất hiện thêm các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp - những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính để bổ sung vào sức cầu quá yếu ớt trên thị trường. Trong khi đó, nhiều quỹ đầu tư đang hoạt động lại sắp đến thời hạn đóng quỹ, nên việc giải tỏa danh mục để trở về vị thế tiền mặt đang diễn ra khá mạnh mẽ. Thị trường không có thêm dòng tiền mới, lại phải chịu áp lực bán nhiều hơn là một nguyên nhân khiến giá cổ phiếu khó có thể cải thiện được.

Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng, lý do căn bản khiến TTCK chưa thể phục hồi là do thiếu những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô. TTCK được ví như phong vũ biểu của nền kinh tế, nên khi các yếu tố như lạm phát, lãi suất, tăng trưởng GDP… chưa có sự cải thiện đáng kể nào thì việc thị trường đi ngang và có xu hướng giảm là khó tránh khỏi. Mới đây, thông tin CPI tháng 9/2012 tăng đột biến đã khiến nỗi lo về khả năng khó kiểm soát được lạm phát như kỳ vọng và nguy cơ tăng lãi suất có thể sẽ tái diễn. Trao đổi với báo giới, TS. Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính Trường đại học Kinh tế TP. HCM cho rằng, nhiều khả năng kịch bản kinh tế bi quan sẽ còn kéo dài.

Bên cạnh đó, việc UBCK xử phạt nặng một số tổ chức, cá nhân do vi phạm các quy định về giao dịch (giao dịch của cổ đông lớn, vay chứng khoán để bán…) cũng khiến một lực lượng không nhỏ nhà đầu tư dè chừng với thị trường. Theo giới quan sát, sau nhiều thăng trầm, trên TTCK hiện nay, lực lượng giao dịch chính là những người đầu cơ, thích lướt sóng, những cá nhân/tổ chức trường vốn. Khi TTCK ở trạng thái giao dịch yếu quá lâu, giới đầu cơ mất dần “đất dụng võ”, dòng tiền của họ chảy sang các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. Đây là nguyên nhân khiến thanh khoản của TTCK nếu để suy kiệt kéo dài sẽ rất khó phục hồi.