Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) lỗ gần 100 tỷ đồng, do đâu?

Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) lỗ gần 100 tỷ đồng, do đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Huy Tuấn, tân Chủ tịch HĐQT CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC - sàn HOSE) cho biết, cả năm 2020, con số lỗ của JVC có thể lên tới khoảng 100 tỷ đồng.

Đây là kết quả kinh doanh “bết bát” nhất của JVC trong những năm gần đây. Theo kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 thông qua trước đó, chỉ tiêu doanh thu đặt ra cho cả năm là 520 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 5 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính mới cập nhật, lũy kế 3 quý đầu niên độ tài chính 2020 (giai đoạn từ ngày 1/4/2020 đến ngày 31/12/2020), doanh thu chỉ đạt khoảng 310 tỷ đồng, tương đương 60% kế hoạch năm và sụt giảm 26% so với cùng kỳ năm trước; lỗ khoảng 50 tỷ đồng.

Ước tính doanh thu cả năm tài chính 2020 (từ 1/4/2020 đến 31/3/2021), JVC cũng chỉ đạt khoảng 390 tỷ đồng, tương đương 76% kế hoạch và giảm 17% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận ước xấp xỉ âm 100 tỷ đồng.

Trong hoạt động quản trị điều hành, JVC vừa thay đổi toàn bộ Hội đồng quản trị, dẫn đến không ít xáo trộn.

Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2020, HĐQT JVC đã bầu ông Nguyễn Huy Tuấn giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty kể từ 15/12/2020. Ngay sau khi tiếp quản, ban lãnh đạo điều hành quản trị Công ty đã nỗ lực thúc đẩy hoạt động kinh doanh, bắt tay ngay vào việc rà soát hoạt động của JVC, làm sạch báo cáo tài chính, hướng tới giá trị thật, bền vững theo đúng tôn chỉ “Chất lượng Nhật - Giá trị thật”.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến JVC lỗ nặng ngay sau khi tiếp quản, ông Nguyễn Huy Tuấn cho biết, có cả lý do chủ quan lẫn khách quan.

Khách quan là năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến các bệnh viện và cơ sở y tế giảm dùng vật tư tiêu hao do một số bệnh viện bị phong toả và người dân cũng hạn chế tới bệnh viện, công tác bán hàng bị gián đoạn khoảng 2 tháng. Đồng thời, nguồn vốn đầu tư trang thiết bị y tế sẽ được chuyển mục đích ưu tiên mua sắm các trang thiết bị, vật tư bảo hộ phòng chống dịch như máy thở, máy xét nghiệm, khẩu trang, nước rửa tay.

“Đáng nói, sau một số vụ lùm xùm liên quan đến mua sắm thiết bị y tế gần đây, mảng kinh doanh thiết bị y tế của Công ty bị chững lại”, tân Chủ tịch JVC nói.

Về chủ quan, ông Tuấn cho biết: "Sau khi tiếp quản JVC, chúng tôi đã tiến hành rà soát và nhận thấy có nhiều chi phí chưa được hạch toán đầy đủ theo các nghĩa vụ đã phát sinh. Đồng thời, Công ty cũng phải tăng trích lập dự phòng đối với phải thu, hàng tồn kho để đảm bảo phản ánh đúng giá trị có thể thu hồi trong tương lai”.

Mặc dù kết quả kinh doanh không theo kỳ vọng của cổ đông, ban lãnh đạo Công ty, nhưng ghi nhận từ JVC cũng cho thấy những triển vọng phát triển dài hạn là lớn.

Y tế lâu nay là lĩnh vực cần đầu tư dài hạn, tạo ra giá trị cho xã hội và hiệu quả đầu tư sẽ đến từ những giá trị đóng góp được xã hội ghi nhận. Nhóm cổ đông mới là những người có tâm huyết và hiểu biết sâu sắc ngành y tế, với mong muốn phát triển JVC để góp một phần nhỏ trong việc xây dựng hạ tầng y tế Việt Nam đáp ứng với nhu cầu.

“JVC có nền tảng hệ thống cơ bản, có mối quan hệ nhà phân phối tốt, sẽ phát huy tối đa lợi thế sẵn có của mình và nghiên cứu mở rộng các mảng kinh doanh mới liên quan đến y tế do tiềm năng nhu cầu của người dân rất cao", ông Tuấn nói.

Về định hướng phát triển sắp tới, ông Nguyễn Huy Tuấn cho biết, JVC sẽ chuyển mình từ công ty thương mại thành công ty cung ứng các giải pháp toàn diện về y tế. Qua đó, góp phần phát triển hạ tầng y tế cho người dân Việt Nam, với tiêu chuẩn Nhật và mức giá hợp lý, giúp người dân Việt Nam dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ y tế chất lượng cao.

Trong bối cảnh ngành y tế đang chịu nhiều áp lực về tính pháp lý của hoạt động liên kết, lãnh đạo Công ty đã nhấn mạnh rằng đây sẽ là cơ hội để những công ty có nền tảng như JVC cạnh tranh bằng năng lực, uy tín, chất lượng, giá cả và góp phần làm giảm chi phí khám chữa bệnh của người dân Việt Nam.

20 năm qua, JVC luôn kiên định mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phân phối thiết bị y tế, phân phối vật tư tiêu hao, đầu tư liên kết, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ IT và phòng khám đa khoa. Hiện, Công ty có quan hệ đối tác bền vững với các nhà cung cấp lớn như Hitachi, Fujifilm, Konica…

JVC đặt mục tiêu đưa trang thiết bị y tế hiện đại về đến nhiều trung tâm y tế, phòng khám, bệnh viện, để người dân ở đây có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao, từng bước thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân mà Chính phủ đã đề ra. Hiện có đến 637 khách hàng ở 64 tỉnh thành đang hợp tác chặt chẽ cùng JVC.

Tin bài liên quan