Những cơ quan báo chí nghiêm túc luôn chọn cách ứng xử có trách nhiệm, nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, đa chiều.

Những cơ quan báo chí nghiêm túc luôn chọn cách ứng xử có trách nhiệm, nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, đa chiều.

Thích ứng với sự thay đổi

(ĐTCK) Công nghệ buộc các doanh nghiệp phải thay đổi. Trong đó, báo chí - nhìn nhận một cách thẳng thắn cũng là một loại hình doanh nghiệp buộc phải thay đổi, bằng không sẽ tự đào thải chính mình.

Một cuộc tranh luận khá thẳng thắn giữa doanh nghiệp, báo chí và các cơ quan quản lý báo chí, giới chuyên gia diễn ra bên lề Hội báo Xuân toàn quốc 2019 đã cho thấy tâm tư của nhiều người trong cuộc.

Ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, hiện cả nước có khoảng 257 nghìn doanh nghiệp, trong đó 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hàng vạn hộ kinh doanh đang muốn chuyển đổi sang doanh nghiệp. Không phải họ không muốn chuyển đổi, không mong muốn lớn lên, nhưng có khá nhiều rào cản và chi phí. Hộ kinh doanh cũng e ngại khi “lên đời” thành doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có cả thách thức từ truyền thông. Bởi thế họ mong đợi một sự “đi cùng” của cơ quan quản lý, của các địa phương và cả báo chí.

“Chúng tôi mong các cơ quan báo chí tạo hệ sinh thái kết nối Chính phủ và doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, tạo ra những cách tiếp cận để cùng cải thiện môi trường kinh doanh, cùng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt là trong thời điểm công nghệ đang phát triển như vũ bão”, ông Mạc Quốc Anh nói.

Ngoài các thông tin thông thường, theo lời vị tổng thư ký, doanh nghiệp mong đợi thông qua các kênh truyền thông có thông tin chuyên sâu về nhiều lĩnh vực, nhiều ngành như  nông sản, dệt may, chăn nuôi... để nắm bắt được xu hướng cạnh tranh, thích ứng với những thay đổi trên thị trường và có thể gia nhập được chuỗi giá trị toàn cầu, thay đổi quản trị, làm quen với chuỗi dịch vụ chất lượng cao, cải thiện chất lượng hàng hóa...

“Doanh nghiệp nhỏ có thông tin có thể liên kết, hợp lực. Không liên kết hợp lực thì dễ dàng bị thâu tóm”, ông Quốc Anh nói.

Ông Vũ Văn Hiền, lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình cũng nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp rất cần thông tin để “biết người, biết ta” và để chớp cơ hội kinh doanh. Với các hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp càng cần có thông tin để biết được điểm mạnh, điểm yếu cần bổ sung, để đón đầu hoặc tận dụng được cơ hội. Các doanh nghiệp trong Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam như Hòa Bình vươn ra các thị trường nước ngoài càng cần tham chiếu bản thân với các đối thủ, đối tác quốc tế.

Doanh nghiệp phải thích ứng với những thay đổi thời công nghệ và báo chí không là ngoại lệ. Phương thức làm báo, tiếp cận thông tin, truyền tin, thể hiện thông tin... của các nhà báo đã thay đổi. Nói như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, nếu ông là nhà báo thì chỉ cần chiếc điện thoại di động, chụp ảnh và các dòng tin ngắn đăng lên thật nhanh.

Không chỉ là cách làm tin nhanh gọn như vị chủ tịch FPT chia sẻ, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 làm xuất hiện nhiều sản phẩm báo chí mới, thay đổi cách sáng tạo về nội dung, làm biến đổi nhiều loại hình sản phẩm báo chí và cả những yêu cầu đặc biệt từ báo chí.

Sự thay đổi của môi trường hoạt động đang đặt các cơ quan báo chí đứng trước những thách thức về chạy đua thông tin, cạnh tranh thông tin để đáp ứng nhu cầu đang thay đổi của bạn đọc.

Trong cuộc đua này, đã có những tờ báo thích ứng nhanh với xu hướng mới, làm chủ công nghệ, tạo ra các sản phẩm thú vị, có giá trị, chất lượng. Tuy nhiên, cũng có những tờ báo đã không còn giữ được chức năng căn bản vốn có của báo chí, đưa tin thiếu khách quan, một chiều, thiếu sự kiểm chứng...

Đây chính là tác nhân của không ít cuộc khủng hoảng truyền thông ở doanh nghiệp. Theo thống kê của tờ New York Times, mỗi ngày chúng ta dành tới hơn 50 phút để cập nhật và chia sẻ thông tin, trò chuyện, đăng ảnh, bình luận trên mạng xã hội. Bởi thế sự liên thông về thông tin báo chí và thông tin mạng xã hội là vô cùng nhanh chóng.

Một doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từng gặp tai nạn đáng tiếc. Bất đồng trong đền bù giải phóng mặt bằng với chính quyền sở tại từ lâu, người dân muốn gây sức ép với chính quyền bằng cách gắn các vấn đề tiêu cực như gây ô nhiễm môi trường, đối xử bất bình đẳng với lao động... vào các doanh nghiệp thuê đất trong khu công nghiệp. Những thông tin này được gửi đến vài tờ báo lớn.

Trên thực tế, hệ thống sản xuất của doanh nghiệp đảm bảo, không hề gây ô nhiễm môi trường. Chỉ có vài lỗi nhỏ có thể khắc phục dễ dàng, nhưng doanh nghiệp lại thờ ơ và phản ứng chậm. Khi “đám cháy” thông tin lan rộng trên mặt báo và lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, nhiều đoàn kiểm tra yêu cầu doanh nghiệp giải trình thì lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp mới cuống cuồng yêu cầu các bộ phận phải nhanh chóng “dập lửa”. Sau gần tháng trời vất vả dàn xếp, thiệt hại của doanh nghiệp lên tới hàng tỷ đồng, ảnh hưởng tới cả các đơn hàng nước ngoài vì các đối tác ngoại coi trọng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Vài câu chuyện trên để thấy, dù thay đổi và biến động thế nào, thông tin và giá trị của thông tin báo chí vẫn có tầm quan trọng đặc biệt.

Đối với báo chí nói chung và báo chí kinh tế nói riêng, hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân luôn là mảng đề tài phong phú, đa dạng, từ việc thực thi pháp luật về đầu tư, kinh doanh đến cạnh tranh, năng suất, chất lượng, hiệu quả, lợi nhuận, vốn, công nghệ, lao động, việc làm, thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ…

Nhưng như đã đề cập, trong guồng quay chạy đua thông tin, áp lực của giá trị tin tức và cả áp lực của kinh tế báo chí khi hiện nay phần lớn các cơ quan báo chí đều phải thực hiện tự chủ về tài chính, để mối quan hệ báo chí - doanh nghiệp thực sự là đồng lợi, lại không hề dễ dàng. Cùng một sự việc, một hành động, nhiều tờ báo, cơ quan báo chí nhìn nhận khác nhau, phản ánh với thái độ và tâm thế khác nhau.

Những cơ quan báo chí nghiêm túc và là người bạn đồng hành chân chính của doanh nghiệp luôn chọn cách ứng xử có trách nhiệm, nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, đa chiều, toàn diện để đảm bảo cân đối thông tin.

Những tờ báo nghiêm túc luôn đề cao những tấm gương điển hình về doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, có hiệu quả, đóng góp nhiều cho xã hội, đồng thời phát hiện, góp tiếng nói cảnh báo để chấn chỉnh cái sai, đóng góp ý kiến xây dựng để doanh nghiệp sửa sai và thay đổi. Nhưng trên hết là cách thức truyền thông “có tâm”, không triệt tiêu sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Trong không gian thông tin đầy ắp, những bài báo đáp ứng giá trị cốt lõi của báo chí, bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái xấu, vun đắp niềm tin cho xã hội vẫn luôn giữ được giá trị khó có thể đong đếm.

Tin bài liên quan