Ép bán vì… cuối năm
Theo anh P, trong năm 2017, công ty chứng khoán nói trên đã mời anh về mở tài khoản giao dịch, với lời hứa thu xếp cho vay giao dịch ký quỹ hàng chục tỷ đồng trên danh mục đầu tư. Khoản cho vay này bằng hơn 30% giá trị tài sản của danh mục và theo hạn mức đã cam kết, anh được vay đến gần giữa năm 2018.
Thế nhưng, cách đây 1 tháng, công ty trao đổi lại, yêu cầu anh phải thanh lý khoản vay, hoặc chuyển tài khoản sang công ty khác. Lý do được ban lãnh đạo công ty chứng khoán đưa ra là sắp đến cuối năm, công ty… căng nguồn. Một nguồn tin từ công ty thì chia sẻ, do anh ít giao dịch nên công ty muốn thu hồi vốn về để… tài trợ cho nhà đầu tư khác giao dịch nhiều hơn!
Bất ngờ bị đưa vào tình huống phải tìm nguồn vay thay thế, hoặc chấp nhận để công ty chứng khoán bán cổ phiếu trong bối cảnh giá cổ phiếu có diễn biến đi ngang, khiến anh P bức xúc. Điều tệ hơn, trong lúc chưa có quyết định cuối cùng về phương án margin, một nhân viên của công ty chứng khoán còn đăng thông tin trên nhiều diễn đàn mạng về việc cổ phiếu này bị giảm tỷ lệ cho vay, nên chắc là… có vấn đề.
“Nếu sắp đến hạn mà nhà đầu tư không trả được thì đó là câu chuyện khác. Bây giờ hứa làm một đằng, thực hiện một nẻo, áp đặt nhà đầu tư vào tình huống khó xử, thì ban lãnh đạo công ty chẳng khác gì con nít chơi trò trẻ con, mất uy tín”, nhà đầu tư nói.
Thị trường lên thì mở margin, xuống thì khóa
H, nhà đầu tư có giá trị tài sản ròng của tài khoản đầu tư gần 100 tỷ đồng chia sẻ, do quy mô đầu tư lớn nên anh được một công ty chứng khoán cũng trong Top 10 chào đón và chăm sóc khá kỹ. Sức mua được cấp dựa trên tài khoản đầu tư của H ở mức gần 30 tỷ đồng. Thế nhưng, suốt một tuần qua, mỗi khi thị trường giảm giá mạnh thì tài khoản giao dịch ký quỹ của anh bị… “treo”.
“Lúc đầu, tôi không hiểu vì sao không đặt lệnh mua được, đến lần thứ ba thì phát hiện ra rằng, thị trường xuống là bị khóa margin, thị trường lên là tự động mở lại. Công ty chứng khoán không có thông báo nào về việc này, khiến tôi bị lỡ các cơ hội mua gom cổ phiếu”, anh H nói.
Tương tự, nhà đầu tư K cho biết, số dư tiền trong tài khoản margin còn nhiều, nhưng trong phiên giao dịch 12/12/2017, khi thị trường giảm mạnh, công ty chứng khoán tự động khóa tài khoản margin, khiến anh bị lỡ cơ hội mua vào.
“Tôi sẽ chuyển tài khoản sang công ty khác ngay trong tuần này”, anh K nói.
Quản trị nghiệp vụ margin: công nghệ và nghệ thuật cần được nâng cấp
Đối với giao dịch margin, công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng để quản trị rủi ro hiệu quả. Khi quy mô giao dịch lớn, việc quản trị rủi ro sẽ không thể thực hiện bằng con người đơn thuần, mà cần sự hỗ trợ của công nghệ. Tuy nhiên, công nghệ và nghệ thuật quản trị margin tại các công ty chứng khoán khá khác nhau.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, tại công ty chứng khoán mà nhà đầu tư P mở tài khoản, thông tin hạ tỷ lệ cho vay và thu hồi 70 tỷ đồng giá trị cho vay với một cổ phiếu được công ty này thông báo ra thị trường, dẫn đến tình trạng giá cổ phiếu bị ảnh hưởng không nhỏ.
Trong khi đó, tại một công ty chứng khoán khác, lãnh đạo công ty có cách ứng xử khá tế nhị. Không có thông báo rộng rãi, không ép bán để thu hồi nợ, nhưng ngay khi nhà đầu tư bán cổ phiếu, khoản cho vay với cổ phiếu đó lập tức bị chặn lại. Việc bị chặn lại này kết thúc khi tổng giá trị cho vay mới giảm về mức mục tiêu mà công ty chứng khoán mong muốn.
Thực tế cho thấy, nhà đầu tư khi thực hiện giao dịch ký quỹ phải chịu rủi ro thua lỗ do yếu tố thị trường lớn hơn giao dịch bằng tài khoản thông thường. Nếu câu chuyện về ứng xử thông tin ra bên ngoài và công nghệ không tốt, thì rủi ro của nhà đầu tư sử dụng margin có thể sẽ đến từ chính các công ty chứng khoán. Cuộc đua về dịch vụ margin có thể sẽ sang trang mới nếu chất lượng công nghệ không đáp ứng được diễn biến khó lường của thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư.