TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường vốn Việt Nam cần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp
Nhu cầu vốn rất lớn
Tại một hội thảo về giải pháp huy động nguồn vốn cho doanh nghiệp diễn ra cuối tuần qua, ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC) cho rằng, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài (cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp thông qua thị trường chứng khoán).
Ngoài ra, Covid-19 đang tạo nên làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất, cung ứng sang các nước đang phát triển như Việt Nam, nên các doanh nghiệp rất cần chuẩn bị nguồn vốn để đón đầu cơ hội đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn.
Tuy nhiên, do cơ cấu vốn của doanh nghiệp còn bất hợp lý, nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng 20-30%, còn lại là vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, tính đến hết quý I/2021, hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng chiếm tới 64,5% tổng tài sản hệ thống tài chính và kênh chứng khoán mới chỉ chiếm 28,1%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Để đảm bảo nguồn vốn, các ngân hàng Việt Nam phải đi vay nguồn vốn ngắn hạn chủ yếu từ dân cư để cho vay trung và dài hạn. Điều này chứa đựng nguy cơ rất lớn cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế. “Đặc biệt, do đại dịch, sự suy giảm giá trị tài sản tiếp tục làm giảm khả năng cho vay của các ngân hàng đối với các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng”, TS. Lê Anh Tú, Cố vấn cấp cao PwC Việt Nam nhận định.
Cần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao tính minh bạch
Đề xuất một số giải pháp huy động nguồn vốn cho doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, doanh nghiệp cần tập trung minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính, thiện chí hợp tác, phối hợp với định chế tài chính trong cung cấp thông tin, tái cấu trúc vốn tối ưu và đa dạng hóa nguồn vốn. Nếu doanh nghiệp chỉ sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để bảo đảm an toàn, sẽ dẫn đến mất cơ hội đầu tư mở rộng sản xuất, không tận dụng được lợi thế từ “lá chắn thuế” là chi phí lãi vay.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc huấn luyện và hỗ trợ kinh doanh, Công ty cổ phần Chứng khoán HSC, niêm yết cổ phiếu và huy động tài chính từ thị trường chứng khoán vẫn là kênh huy động hiệu quả. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tìm kiếm nguồn vốn từ các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm…
Ông Đặng Đức Thành cho rằng, tính đến hết quý I/2021, số lượng doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch trên cả 3 sàn là trên 1.800 doanh nghiệp, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 7,25 triệu tỷ đồng. Các con số này khá nhỏ bé, khiêm tốn so với nhu cầu huy động vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
“Giải pháp cơ bản để tái cấu trúc vốn là huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán. Giải pháp này giúp doanh nghiệp kiện toàn quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, mang lại hiệu quả rất to lớn, bền vững, lâu dài cho doanh nghiệp”, ông Thành nói.
Góp ý về mặt chính sách, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường vốn Việt Nam cần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, hạn chế về hạ tầng dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh, ảnh hưởng đến thanh khoản, niềm tin vào thị trường, rủi ro bong bóng trên thị trường do lượng vốn từ các nhà đầu tư mới (F0) cũng là vấn đề cần lưu ý.
“Tuy nhiên, với khung pháp lý ngày càng hoàn thiện, nền tảng kinh tế vĩ mô khá vững chắc, quy mô thị trường, lượng giao dịch ngày càng lớn cùng với chỉ số P/E ở mức hấp dẫn so với các thị trường khu vực cho thấy thị trường vốn Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển”, ông Lực khẳng định.