Quy trình khởi sự kinh doanh giảm từ 8 thủ tục với 16 ngày xuống chỉ còn 3 thủ tục với 6 ngày. Ảnh: Dũng Minh.

Quy trình khởi sự kinh doanh giảm từ 8 thủ tục với 16 ngày xuống chỉ còn 3 thủ tục với 6 ngày. Ảnh: Dũng Minh.

Thị trường vốn 2021, chờ lực đẩy từ Luật Doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thuận lợi hóa việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp cũng như gia tăng bảo vệ nhà đầu tư và cổ đông, thúc đẩy quản trị tốt để tăng cơ hội huy động vốn cho doanh nghiệp là những tác động lớn nhất đang được kỳ vọng mạnh mẽ từ Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ 1/1/2021, qua đó tạo lực đẩy cho thị trường vốn phát triển.

Số hóa thủ tục đăng ký kinh doanh

Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đã cụ thể hoá những cải cách, đổi mới của Luật, đồng thời khắc phục các bất cập, xử lý các vướng mắc trong thời gian qua.

Cụ thể, Nghị định quy định rõ ràng hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đơn giản hoá, cắt giảm thành phần hồ sơ, giảm tải các thông tin phải kê khai nhờ tận dụng tối đa các thông tin sẵn có trong Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và các hệ thống thông tin đã kết nối; bãi bỏ một số thủ tục hành chính không cần thiết như công bố con dấu, thông báo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp, chào bán cổ phần riêng lẻ…

Đối với thủ tục đăng ký doanh nghiệp, các ứng dụng chuyển đối số được đưa vào ứng dụng trong phần lớn thủ tục quy trình đăng ký để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thông qua việc nâng cấp, hoàn thiện các quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, thực hiện cung cấp hầu hết dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 giúp giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp, đồng thời tạo ra một hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch, hạn chế tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người.

Hệ thống thông tin công khai hoá các thông tin cơ bản về doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin chính thống, có giá trị pháp lý về doanh nghiệp, tăng khả năng giám sát của cộng đồng đối với hoạt động của doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả công tác “hậu kiểm”, minh bạch hóa môi trường kinh doanh.

Theo ông Tuấn, nghị định hướng dẫn cũng đã hoàn thiện các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đặc biệt là xử lý triệt để hành vi kê khai không trung thực, không chính xác, giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, xử lý các doanh nghiệp “bỏ trốn, mất tích” nhằm tăng tính răn đe, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, an toàn.

Đáng chú ý, Nghị định bổ sung một cộng đồng doanh nghiệp mới thực hiện đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh là các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài và chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2019.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án cải cách toàn diện các quy định về khởi sự kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường thông qua các giải pháp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, giảm khối lượng thông tin cần kê khai, giảm số lượng cơ quan nhà nước cần tiếp xúc.

Theo đó, Nghị định 122/2020/NĐ-CP quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp đã tích hợp 4 quy trình gồm đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký bảo hiểm xã hội, khai trình lao động và đăng ký sử dụng hóa đơn vào 1 quy trình.

Doanh nghiệp sẽ chỉ phải chuẩn bị 1 bộ hồ sơ, kê khai 1 biểu mẫu, thực hiện thủ tục tại 1 cơ quan là cơ quan đăng ký kinh doanh và nhận 1 kết quả duy nhất. Các cơ quan nhà nước sẽ chia sẻ thông tin với nhau thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai ở nhiều nơi như trước đây. Toàn bộ quy trình trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được thực hiện qua mạng điện tử.

“Sau khi triển khai những cải cách này, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam sẽ giảm từ 8 thủ tục với 16 ngày xuống chỉ còn 3 thủ tục với 6 ngày, giúp tạo nên bước tiến lớn trong khởi sự kinh doanh ở Việt Nam”, ông Tuấn nói.

Bảo vệ quyền của cổ đông, nhà đầu tư

Mới đây, một số doanh nghiệp có văn bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng liên quan đến quy định về ưu tiên mua cổ phần đối với các cổ đông hiện hữu tại Luật Doanh nghiệp 2020, cho rằng việc quy định ưu tiên mua cổ phần đối với cổ đông hiện hữu có thể dẫn tới những bất cập cho doanh nghiệp và các cổ đông lớn.

Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, các ý kiến trái chiều là điều bình thường, bởi từ trước tới nay, việc phát hành cổ phiếu, bán cổ phần nhìn chung có tình trạng tùy tiện, tập trung quyền lực cho cổ đông lớn mà không đảm bảo quyền lợi của các cổ đông đại chúng, cổ đông nhỏ lẻ.

“Trước đây, khi một công ty bán cổ phần, họ bán cổ phần mới cho một ai đó rất tùy tiện, có nghĩa là một cổ đông lớn chi phối có thể bán cổ phần cho một cá nhân hoặc nhóm người nào đó mà họ gọi là cổ đông chiến lược, không phụ thuộc của quyết định của cổ đông nhỏ, dẫn tới sự thiệt hại cho cổ đông nhỏ. Điều này thuận tiện cho điều hành của cổ đông lớn, nhưng thực tế là rất tùy tiện nếu như so với thông lệ quốc tế”, ông Hiếu nói.

Luật Doanh nghiệp mới ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp bán cổ phần riêng lẻ cho người thân quen của cổ đông lớn bằng cách quy định tất cả các cổ đông có quyền mua thêm cổ phần và có quyền chuyển nhượng quyền mua cho người khác.

Lãnh đạo CIEM lấy ví dụ, trước đây, khi doanh nghiệp phát hành thêm cổ phần cho gia đình của cổ đông lớn, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông nhỏ sẽ giảm do không được mua (tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn cũng giảm, nhưng chỉ giảm trên danh nghĩa).

Nhưng theo quy định của Luật Doanh nghiệp mới, tất cả các cổ đông đương nhiên có quyền mua thêm cổ phần và có quyền chuyển nhượng quyền mua cho người khác.

“Đây chính là tác động rất thiết thực của Luật, giúp gia tăng bảo vệ quyền cổ đông, đồng thời phá bỏ nếp điều hành một cách tùy tiện, không tuân thủ chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Từ đó, tăng niềm tin của cổ đông và nhà đầu tư để họ yên tâm bỏ vốn đầu tư, tạo nền tảng cho văn hóa tôn trọng và bảo vệ cổ đông, tăng khả năng huy động vốn của doanh nghiệp”, ông Hiếu lý giải.

Tương tự, câu chuyện tách bạch chức danh tổng giám đốc và chủ tịch hội đồng quản trị dù vẫn đang có những ý kiến trái chiều, song theo ông Hiếu, đây là cơ hội lớn để thúc đẩy cải thiện quản trị doanh nghiệp theo thông lệ tốt khi Luật Doanh nghiệp được thực thi đầy đủ.

Thực tế cho thấy, hiện nay phổ biến tình trạng trong một công ty một cổ đông lớn, đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc, cổ đông nhỏ hoàn toàn dễ bị lạm dụng, chèn ép và bị tước đoạt quyền.

Tách bạch chức danh người đứng đầu và minh bạch hóa thông tin, cải thiện quản trị, việc thực thi Luật Doanh nghiệp mới sẽ giúp bảo vệ các cổ đông nhỏ.

Đại diện CIEM cho rằng, việc có các phản ứng trái chiều, thậm chí cho là rào cản khi đưa việc tuân thủ trở thành nguyên tắc thực thi của Luật là điều dễ hiểu.

Do đó, dư địa tác động tới đây của Luật Doanh nghiệp là rất lớn, song cũng là thách thức không nhỏ khi động đến thay đổi văn hóa quản trị tùy tiện vốn đã tồn tại từ nhiều thế hệ doanh nghiệp còn sơ khai của Việt Nam.

“Vấn đề là dù muốn hay không thì việc cổ đông được bảo vệ tốt hơn sẽ là cơ hội để phát triển thị trường vốn. Khi cổ đông được tăng mức bảo vệ an toàn thì sẽ gia tăng cơ hội cho các doanh nghiệp nếu muốn huy động nguồn lực ngoài ngân hàng. Cơ hội chỉ dành cho các doanh nghiệp thực sự nhận thức được điểm ưu việt của Luật Doanh nghiệp mới và thực thi vượt trên sự tuân thủ”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tin bài liên quan