Tuy nhiên, thị trường đã có câu trả lời chính thức vào ngày 30/10, khi FED tuyên bố dừng gói QE3, đồng thời vẫn giữ nguyên lãi suất thấp kỷ lục. Các chỉ số chứng khoán đã tăng mạnh và lấy lại toàn bộ những gì mất mát trong nửa đầu tháng 10.
Nhìn lại những lần tăng lãi suất trong lịch sử của FED, có thể thấy, TTCK vẫn tăng trưởng tốt cho dù có chút biến động. TTCK là nơi phản ánh kỳ vọng vào nền kinh tế, đặt trong bối cảnh hiện tại, GDP của Mỹ đã có mức tăng trưởng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, sau khi tăng 4,6% trong quý II, ghi nhận 6 tháng tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 10 năm qua và cao hơn dự báo 3%.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9 chỉ còn ở mức 5,9% so với 6,1% trong tháng 8 và đây là con số thấp nhất kể từ tháng 7/2008. Như vậy, nhiều khả năng, TTCK Mỹ vẫn sẽ tăng dù FED nâng lãi suất như từng diễn ra trong lịch sử. Điều này hẳn nhiên sẽ tác động rất lớn đến dòng tiền của khối ngoại đến TTCK Viêt Nam.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, lo ngại trước việc người dân thắt chặt chi tiêu, khi chỉ số lạm phát thấp hơn rất nhiều mục tiêu 2%, Chính phủ nước này đang xem xét lại kế hoạch tăng thuế tiêu thụ lần 2 từ mức 8% lên 10%, trong khi đó Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã chính thức thông báo sẽ tăng cung tiền từ mức 70.000 tỷ yên lên 80.000 tỷ (tương đương 724 tỷ USD). Quỹ Đầu tư hưu trí của Chính phủ Nhật (GPIF) cũng thông báo sẽ nâng mức đầu tư vào cổ phiếu Nhật cũng như cổ phiếu nước ngoài lên gấp đôi so với mức trước đó. Chỉ số Nikkei 225 có một phiên tăng mạnh chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây, với mức tăng gần 5% trước thông tin bất ngờ này. Trên TTCK trong nước tuần qua, khối ngoại bắt đầu quay trở lại và mua ròng khá mạnh. So với con số bán ròng hơn 52 tỷ đồng tuần trước nữa thì rõ ràng, con số mua ròng hơn 375 tỷ đồng trên HOSE là tín hiệu đáng kể.
Theo thống kê, tháng 11 luôn là tháng NĐT nước ngoài mua ròng, nhưng mua mạnh có lẽ phải từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Điều này sẽ giúp thị trường bền vững hơn.
VN-Index: Thị trường bước sang tháng 11 với khởi đầu tốt đẹp khi VN-Index chốt phiên giao dịch cuối cùng tháng 10, với con số ấn tượng, 600,84 điểm. Như vậy, chỉ số đã bứt xa khỏi ngưỡng hỗ trợ 580 điểm và bứt xa khỏi đường dài hạn MA200. Niềm tin dường như đã quay trở lại và điều đó giúp cho thị trường sẽ trở nên tốt hơn, bền vững hơn tại vùng giá mới. Tuy nhiên, để kỳ vọng vào một sóng tăng mạnh vào tháng 11 là khó khả thi. Với sự hậu thuẫn của khối ngoại, có lẽ điều mà NĐT làm sẽ là quay trở lại với những cổ phiếu bluechips, bởi nhóm này đã giảm khá mạnh so với mức giá cao nhất được thiết lập hồi tháng 9 lên đến 10 - 20%. Câu chuyện tuần đầu của tháng 11 có lẽ sẽ vẫn mang tên những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, có tính đột biến hay có thông tin chia thưởng, cổ tức cao: SSI, VHC, REE, HAG, HVG...
Những thông tin bên lề kỳ họp Quốc hội cho thấy, nhiều khả năng sẽ có những chính sách mạnh mẽ được ban hành, nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề nợ xấu. Có lẽ những nhà kinh tế, nhà quản lý bắt đầu cảm thấy sốt ruột trước sự ổn định hiện thời của nền kinh tế, bởi rất có thể, những khó khăn mới, thách thức mới sẽ xuất hiện nếu như không nhanh chóng bứt tốc. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là kỳ vọng và nếu có thì những chính sách này chỉ được ban hành vào tháng 12 hoặc ngày đầu tháng 1/2015. Và vì thế, TTCK tháng 11 sẽ được gắn với câu chuyện quay về với giá trị thực, có nghĩa NĐT sẽ tìm kiếm những cổ phiếu dưới giá trị và có tiềm năng lớn trong năm 2015. Chúng tôi tin rằng, tháng 11, niềm tin của NĐT sẽ được cải thiện. Thị trường đang giai đoạn chạy đà, để chuẩn bị tăng tốc, bứt phá vào cuối năm nay, đầu năm sau.