Ông Nguyễn Đình Tùng

Ông Nguyễn Đình Tùng

Thị trường vàng vẫn thiếu điều kiện cần và đủ

(ĐTCK) “Đối với thị trường vàng, giữ kinh tế ổn định giúp khôi phục niềm tin của người dân là điều kiện cần, tạo kênh dẫn xuất tốt để huy động vàng trong dân là điều kiện đủ, nhưng cả hai đều còn thiếu”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) nhận định.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang cấp phép kinh doanh vàng miếng cho các đơn vị đủ điều kiện, thu hẹp số điểm kinh doanh hợp pháp trên cả nước. Ông nghĩ sao về việc này?

Còn khoảng 8.000 điểm kinh doanh cũng đã là giảm bớt một cách tự nhiên so với mức trên 12.000 điểm trước đây. Tôi cho rằng, năm qua, thị trường vàng đã biến động rất khó lường, bên cạnh việc người dân đã thận trọng hơn khi chọn mua vàng miếng, khiến hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh vàng miếng gặp khó khăn. Nhiều cơ sở đã tự đóng cửa. Vì vậy, việc còn khoảng 2.500 điểm kinh doanh vàng miếng hợp pháp, theo tôi, là phù hợp với tình hình.

Việc NHNN cấp phép chỉ là một bước trong quá trình triển khai quản lý thị trường vàng theo mô hình mới. Như chúng ta đã thấy, không có tình trạng người dân ùn ùn kéo đến ngân hàng để mua bán vàng trong những ngày đầu triển khai, mà các hoạt động vẫn diễn ra bình thường tại 22 tổ chức tín dụng được phép kinh doanh vàng miếng. Đặc biệt, giá vàng cũng không có gì bất thường, thậm chí còn giảm đều đặn, thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới, trong khi tỷ giá thì vẫn

ổn định.

 

Giá vàng giảm, giao dịch vàng ổn định, thể hiện nhu cầu vàng trong dân không tăng lên, nhưng làm thế nào để huy động được lượng vàng người dân đang nắm giữ nếu chỉ có các điểm mua và bán vàng?

Chúng ta phải trả lời câu hỏi tại sao người dân giữ vàng thì mới giải được bài toán làm thế nào để đưa được vàng trong dân thành vốn vào nền kinh tế. Người dân giữ vàng bởi: thứ nhất, đó là một kênh đầu tư, nghĩa là kỳ vọng giá sẽ tăng. Thực tế, giá vàng đã tăng rất nhiều trong những năm gần đây. Trong khi đó, các NHTM thời gian trước có hoạt động huy động vàng, nên người dân qua đó có thể vừa giữ được vàng an toàn, vừa có cơ hội kiếm lời từ cả lãi huy động lẫn chênh lệch giá; thứ hai, giữ vàng vốn là một biện pháp phòng thủ trước những biến động về kinh tế; thứ ba, trong cơ cấu tài sản nắm giữ, thông thường, vàng cũng sẽ được người dân chọn lựa một cách tự nhiên, ít nhất cũng để đa dạng hóa danh mục.

Nếu giữ ổn định được kinh tế, tạo được niềm tin đối với đồng nội tệ…, nhu cầu nắm giữ vàng của người dân sẽ ít đi. Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải có một kênh dẫn xuất tốt với các dịch vụ thuận tiện, an toàn, chính sách hấp dẫn… mới có thể giúp huy động được lượng vốn bằng vàng này phục vụ cho phát triển kinh tế.

 

Số lượng đơn vị được phép kinh doanh vàng là có hạn, đó có thực sự là cơ hội kiếm tiền của các đơn vị này?

Kinh doanh gì cũng có rủi ro về quy trình, nghiệp vụ, con người… Đơn vị nào không chuyên, chỉ nhìn thấy lợi nhuận cao rồi vội “nhảy” vào thì chắc chắn sẽ gặp rủi ro. Nhưng tôi tin rằng, các ngân hàng đã xác định rõ mục đích trước khi quyết định tham gia thị trường này. Thực tế, cách kiểm soát của các ngân hàng sẽ chặt chẽ hơn so với các doanh nghiệp khác do có sự kế thừa từ hoạt động kiểm soát chung của ngân hàng. Nếu ngân hàng đã có hệ thống và kinh nghiệm, chắc chắn hoạt động này của ngân hàng sẽ tốt hơn các doanh nghiệp chỉ kinh doanh vàng. Tất nhiên, không nên ngộ nhận việc kiểm soát tiền tốt đồng nghĩa với kiểm soát vàng hiệu quả ngay, vì kinh doanh vàng có những đặc thù nhất định.

 

OCB nhìn nhận cơ hội này thế nào, thưa ông?

Đối với OCB, kinh doanh vàng là một hoạt động truyền thống ngay từ ngày thành lập, nên con người, quy trình, thủ tục, định hướng, cấu trúc kinh doanh luôn sẵn sàng. Đó cũng là một trong những lý do OCB được cấp phép kinh doanh vàng ngay trong đợt đầu tiên, mặc dù quy mô ngân hàng so với một số ngân hàng khác trong đợt cấp phép đầu còn khiêm tốn. OCB có 93 điểm kinh doanh vàng và tất cả đều được chuẩn bị kỹ cho nhiều tình huống, đặc biệt là ở giai đoạn này.