Thị trường vàng cuối năm, càng xa thế giới

Thị trường vàng cuối năm, càng xa thế giới

(ĐTCK) Trong khi giá vàng thế giới đang có xu hướng điều chỉnh giảm nhẹ trước áp lực chốt lời của nhà đầu tư, đồng USD chững lại và sự đi xuống của giá dầu, thì mặt hàng kim loại quý này vẫn đắt đỏ ở thị trường nội địa. Điều đáng nói là vàng SJC giá bán ra cao hơn đến 4 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, mà nguyên nhân chính là nguồn cung đưa ra thị trường khan hiếm, bởi sự độc quyền dập vàng miếng của CTCP Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

Thị trường vàng cuối năm, càng xa thế giới ảnh 1SJC mới dập được 160.000 lượng vàng trong tổng số 350.000 lượng vàng mà NHNN yêu cầu SJC dập kể từ ngày 19/9

 

Sacombank - SBJ cho biết, lực mua bán thời gian gần đây của thị trường vàng trong nước khá yếu. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới 3,5 - 4 triệu đồng/lượng, do nguồn cung khan hiếm. Hiện giá vàng thế giới đang xoay quanh mức 1.728 USD/ounce.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ cho hay, hiện lực mua trên thị trường không có đột biến. Tuy nhiên, do nguồn cung vàng miếng nhãn hiệu SJC khan hiếm nên đã đẩy giá vàng thương hiệu này cao hơn so với giá vàng thế giới xấp xỉ 4 triệu đồng/lượng. Còn thực chất, loại vàng miếng chất lượng bốn số 9 (9999) hiện có giá bán ra trên thị trường ngang bằng với giá vàng thế giới, thậm chí còn thấp hơn. Song hầu hết người tiêu dùng muốn chọn mua vàng SJC, vì tâm lý do ngại trong thời gian tới, thị trường chỉ còn lưu hành mỗi nhãn vàng SJC.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự độc quyền về vàng miếng SJC đang khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi. Trong khi đó, cầu vàng miếng của người dân luôn có, đặc biệt là thời điểm cuối năm, nhiều người muốn mua vàng tích trữ, cũng như làm của để dành.

Dù không còn cảnh người dân đứng xếp hàng để mua vàng, nhưng do chênh lệch cung cầu ngày càng cao, giá vàng trong nước dần được đẩy xa giá vàng thế giới. Theo giới kinh doanh vàng, thị trường vẫn kỳ vọng trong ngắn hạn bài toán cung vàng sẽ được giải quyết. Một khi lượng cung đủ và ổn định, lấn át nhu cầu cao hiện nay, thì giá vàng trong nước mới có khả năng thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới như mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra trước đây. Dự báo, giá vàng trong nước trong ngắn hạn sẽ tiếp tục có khoảng cách lớn so với giá vàng thế giới, nếu như không nhận được sự hỗ trợ nguồn cung từ phía NHNN.

Chuyên gia trong lĩnh vực vàng, ông Huỳnh Trung Khánh cũng cho rằng, sở dĩ giá vàng trong nước rời khá xa so với giá vàng thế giới là do cung không đáp ứng được cầu, nhất là khi lực cầu đến từ các ngân hàng thương mại để cân đối trạng thái vàng. Vì thế, muốn thu hẹp được khoảng chênh lệch về giá này, cần bổ sung nguồn cung vàng cho thị trường nội địa, đồng thời xóa độc quyền vàng miếng SJC trên thị trường như hiện nay.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, đến thời điểm này, SJC (đơn vị gia công độc quyền vàng miếng SJC) cũng chỉ mới dập được 160.000 lượng vàng miếng trong tổng số 350.000 lượng vàng (tương đương 13 tấn vàng) mà NHNN yêu cầu SJC dập kể từ ngày 19/9.

Tuy nhiên, do tiến độ dập từ vàng SJC móp méo và vàng phi SJC sang vàng SJC hiện nay khá chậm, nên lượng cung đưa ra thị trường khó có thể đáp ứng được nhu cầu, nhất là khi lực cầu vẫn đến từ các NHTM để cân đối trạng thái và đảm bảo thanh khoản.

Trong khi đó, SJC lý giải, do thời gian kiểm định chất lượng vàng phi SJC trước khi dập sang vàng SJC mất rất nhiều thời gian. Theo SJC, đến nay, số lượng vàng chuyển đổi sang vàng SJC chuẩn là gần 168.000 lượng. Trong quá trình kiểm định, số lượng vàng phi SJC bình quân không đủ tuổi chiếm khoảng 10%.