Thị trường vàng, chứng khoán và tiền tệ xuất hiện “sóng thần”

Thị trường vàng, chứng khoán và tiền tệ xuất hiện “sóng thần”

(ĐTCK) Việc Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ bất ngờ thả nổi đồng CHF đã khiến thị trường chứng khoán, tài chính, vàng nổi cơn “sóng thần” trong phiên giao dịch ngày thứ Năm.

Trong khi chứng khoán Á, Âu khởi sắc với kỳ vọng vào khả năng tung ra các gói kích thích kinh tế của các Ngân hàng Trung ương, thì chứng khoán Mỹ tiếp tục có phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp. Sau giá dầu, bây giờ giới đầu tư phố Wall còn lo lắng với giá đồng và dữ liệu bán lẻ thất vọng.

Bộ Lao động Mỹ cho biết hôm thứ Năm, chỉ số giá sản xuất cho nhu cầu cuối cùng giảm 0,3%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2011, sau khi giảm 0,2% trong tháng 11.

Trong tháng 12, giá bán tại cổng nhà máy của Mỹ tăng 1,1% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 11/2013, sau khi tăng 1,4% trong tháng 11.

"Điều đó làm cho công việc của FED khó khăn hơn", Gus Faucher, nhà kinh tế cấp cao tại Tập đoàn dịch vụ tài chính PNC ở Pittsburgh cho biết. "Chúng tôi hy vọng, lạm phát chậm lại... sẽ khiến FED cần phải thận trọng hơn về tăng lãi suất".

Giá bán buôn năng lượng giảm xuống mức kỷ lục 6,6% trong tháng 12, giảm trong tháng thứ 6 liên tiếp, phản ánh giá dầu thô giảm trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu và sản xuất đá phiến ở Hoa Kỳ gia tăng.

Việc giá các loại hàng hóa giảm mạnh, cùng với dữ liệu bán lẻ tháng 12 thất vọng khiến phố Wall có thể đối mặt với mùa báo cáo kết quả kinh doanh không khả quan và đó là lý do giới đầu tư phố Wall bán mạnh.

Kết thúc phiên 15/1, chỉ số Dow Jones giảm 106,38 điểm (-0,61%), xuống 17.320,71 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 18,60 điểm (-0,92%), xuống 1.992,67 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 68,50 điểm (-1,48%), xuống 4.570,82 điểm.

Trên thị trường châu Âu, chứng khoán Thụy Sĩ đã trải qua cơn “sóng thần” sau động thái của Ngân hàng Trung ương nước này (SNB).

Theo đó, SNB đã bỏ qua lời cam kết duy trì đồng francs Thụy Sĩ (CHF) ở mức 1,20 EUR. Sau động thái này, đồng CHF đã tăng vọt 20% so với đồng EUR. Đồng tiền chung châu Âu có phiên giảm mạnh nhất lịch sử so với đồng CHF. SNB đã đưa ra cái chốt neo tỷ giá đồng CHF so với đồng EUR vào năm 2011 khi đồng CHF tăng mạnh, đe dọa đến nền kinh tế của nước này.

Việc đồng CHF tăng mạnh đã khiến chứng khoán Thụy Sĩ giảm tới 9%, mức giảm lớn nhất trong ngày của thị trường này trong ít nhất là 25 năm qua. Vốn hóa thị trường của chứng khoán Thụy Sĩ mất 105 tỷ CHF trong phiên được gọi là “sóng thần” này.

Động thái trên của SNB cũng được đánh giá sẽ làm tổn hại cho nền kinh tế Thụy Sĩ và sẽ làm thiết hại xuất khẩu khoảng 5 tỷ CHF.

Tuy nhiên, trái ngược với chứng khoán Thụy Sĩ và chứng khoán Mỹ, các thị trường chứng khoán châu Âu khách lại đồng loạt tăng mạnh khi giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ đưa ra chương trình kích thích kinh tế trong cuộc họp vào thứ Năm tuần tới.

Kết thúc phiên 15/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 110,32 điểm (+1,73%), lên 6.498,78 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 215,53 (+2,20%), lên 10.032,61 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 99,96 điểm (+2,37%), lên 4.323,20 điểm.

Chứng khoán Nhật Bản có phiên hồi phục mạnh với mức tăng trong ngày lớn nhất 4 tuần khi giá dầu thô tăng trở lại, giảm bớt lo ngại về kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông hồi phục mạnh trở lại khi giới đầu tư kỳ vọng vào khả năng Trung Quốc đại lục sẽ có chính sách kích thích kinh tế. Dĩ nhiên, kỳ vọng này đã giúp chứng khoán Trung Quốc tăng vọt hơn 3,5% trong phiên 15/1.

Kết thúc phiên 15/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 312,74 điểm (+1,86%), lên 17.108,7  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 238,31 điểm (+0,99%), lên 24.350,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 114,02 điểm (+3,54%), lên 3.336,45 điểm.

Quyết định bất ngờ của SNB trong ngày thứ Năm về việc thả nổi đồng CHF sau 2 năm kìm cương đã khiến cho giới đầu tư vốn đang chịu nhiều nỗi lo, càng thêm lo lắng và do đó, họ tìm đến nhu cầu trú ẩn an toàn. Giới đầu tư cuống cuồng tìm đến USD và vàng để tìm kiếm kênh đầu tư an toàn, giúp giá vàng tăng vọt lên mức cao nhất 4 tháng rưỡi, bất chấp việc đồng USD cũng tăng mạnh.

Kết thúc phiên 15/1, giá vàng giao ngay tăng 33,5 USD (+2,73%), lên 1.262,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 tăng 30,3 USD (+2,45%), lên 1.264,8 USD/ounce.

Đúng như nhận định trước đó của giới phân tích, phiên tăng vọt ngày 14/1 chỉ là tạm thời của giá dầu, không phải ánh đúng quan hệ cung cầu của loại nhiên liệu này. Ngay sau phiên tăng vọt 14/1, giá dầu thô đã nhanh chóng giảm mạnh trở lại trong phiên 15/1 và trả lại gần hết những gì đã có trong phiên trước đó.

Kết thúc phiên 15/1, giá dầu thô Mỹ giảm 2,23 USD/thùng (-4,82%), xuống 46,25 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,02 USD (-2,14%), xuống 47,67 USD/thùng.

Tin bài liên quan