Ảnh minh họa: Corbis

Ảnh minh họa: Corbis

Thị trường vẫn tiềm ẩn nguy cơ giảm mạnh hơn

(ĐTCK-online) Theo các CTCK, thị trường vẫn tiềm ẩn nguy cơ giảm mạnh hơn, vì thế nhà đầu tư không nên vội vàng mua vào vì sẽ chứa đựng nhiều rủi ro.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 16/8.

 

Không nên vội vàng mua vào

(CTCK EuroCapital)

Dự báo lạc quan về diễn biến CPI chưa đủ kich thích nhà đầu tư tham gia thị trường trong phiên giao dịch ngày 15/8. Với mức thanh khoản hiện tại, thị trường rất khó thu hút dòng tiền đầu cơ và điều này có nghĩa những đợt sóng tăng trưởng mạnh là khó diễn ra. Trong khi đó, bên mua vẫn tập trung tại những mức giá thấp không tạo động lực tăng giá đối với thị trường.

Phân tích kỹ thuật chỉ ra sự kém nhiệt tình của hai phía cung cầu và đây là cơ sở hình thành trạng thái sideway của giá chứng khoán. Tuy vậy, với thanh khoản đã giảm xấp xỉ 50% so với tuần trước đó, dao động hẹp của thị trường có thể sẽ sớm kết thúc trong một vài phiên tới. Theo đó, xu hướng chính của thị trường trong ngắn hạn tiếp tục là xu hướng giảm giá và nhà đầu tư không nên vội vàng mua vào.

 

Thị trường vẫn trong một giai đoạn khá khó khăn

(CTCK ACB - ACBS)

Trước sự khởi sắc của chứng khoán châu Á và sự sụt giảm của giá vàng, chứng khoán Việt Nam đã một phiên giao dịch cầm chừng. Kết thúc phiên VN-Index chỉ tăng được 0,1% (0,4 điểm) lên mức 384,32 điểm, trong khi đó HNX-Index lại mất 0,32%, và giảm xuống mức 65,78 điểm.

Điểm đáng lưu ý trong phiên chính là thanh khoản của thị trường đã giảm xuống mức rất thấp. Trên HOSE, khối lượng giao dịch chỉ đạt 15,49 triệu đơn vị, tương ứng giá trị là 230 tỷ đồng, còn trên HNX con số này tương ứng là 15,39 triệu đơn vị và 147 tỷ đồng. Mức thanh khoản này đã giảm hơn 30% so với trung bình của tuần trước.

Hầu hết các cổ phiếu đều biến động trong biên độ rất hẹp và khối lượng giao dịch thấp. KLS và STB có khối lượng giao dịch lớn nhất trên 2 sàn nhưng giá trị khớp lệnh chỉ hơn 1 triệu đơn vị. Đối với các cổ phiếu vốn hóa lớn BVH, MSN tiếp tục giảm, trong khi đó VIC và VPL lại khởi sắc.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng gần như đứng ngoài thị trường, tổng giá trị mua bán của họ trên toàn thị trường cũng chỉ khoảng 50 tỷ đồng, trong đó mua ròng 1 tỷ đồng trên HOSE nhưng bán ròng 3,84 tỷ trên HNX. Đối với khối tự doanh của công ty chứng khoán giao dịch vẫn khá thận trọng. Chỉ tính riêng trong 2 phiên giao dịch cuối tuần trước họ đã bán ròng gần 20 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh không thuận lợi của doanh nghiệp cùng với những bất ổn vĩ mô trong nước đã khiến nhà đầu tư mất niềm tin. Những dự báo tích cực về việc lãi suất có thể giảm vẫn chưa hỗ trợ tốt cho thị trường. Ngược lại, việc tiền đồng đứng trước áp lực mất giá cũng và giá vàng biến động mạnh khiến cho giới đầu tư bất an.

Như vậy, xét về xu hướng thị trường vẫn trong một giai đoạn khá khó khăn. ACBS cho rằng xu hướng này chưa sớm chấm dứt. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác về mặt kỹ thuật nếu thị trường có thể trụ vững trong một số phiên nữa có thể hình thành nên một số tín hiệu tích cực.

 

Thị trường cần thêm những phiên sụt giảm mạnh

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Phiên giao dịch đầu tuần, thị trường diễn biến giằng co trong biên độ hẹp với tính thanh khoản sụt giảm xuống mức thấp. Tâm lý nhà đầu tư dường như đang trong trạng thái chờ đợi những tín hiệu rõ nét hơn từ TTCK Thế giới sau những phiên biến động mạnh vừa qua.

Trong suốt giai đoạn sụt giảm kéo dài hơn 2 tháng gần đây, cổ phiếu bluechips là nhóm chịu áp lực bán mạnh và đóng vai trò dẫn dắt xu hướng giảm của VN-Index. Nhóm cổ phiếu đầu cơ của sàn Hà Nội lại tỏ ra cân bằng hơn giữa áp lực bán và mua khi không “chịu giảm” mạnh. Có 2 nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này. Một là áp lực giải chấp của nhịp sụt giảm này hầu như không có, khác với những nhịp sụt giảm trước khi nhóm cổ phiếu đầu cơ bị bán mạnh. Hai là lực cầu “mua trả” cổ phiếu của các lượng “bán khống” ở trên cũng tập trung đa phần vào nhóm cổ phiếu thanh khoản tốt trên sàn HNX và xuất hiện khá nhiều ở các vùng giá thấp. Hiện tượng này khiến thị trường rơi vào trạng thái lình xình và có thể kéo dài thêm giai đoạn điều chỉnh về mặt thời gian.

BVSC tiếp tục bảo lưu quan điểm, thị trường cần thêm những phiên sụt giảm mạnh để có thể có những đợt hồi phục bền vững hơn.

 

Thị trường khả năng sẽ biến động nhẹ với thanh khoản thấp

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Các tin tức kinh tế trong và ngoài nước trái chiều khiến TTCK Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 15/8  diễn biến giằng co. VN-Index tích cực về điểm số song thanh khoản giảm mạnh cho thấy NĐT vẫn tiếp tục duy trì tâm lý thận trọng. Mức độ tham gia thị trường của NĐT nước ngoài giảm mạnh so với các phiên giao dịch trong tuần trước.

Giá xăng chưa được điều chỉnh giảm có thể là nguyên nhân tác động thị trường vào đầu phiên giao dịch ngày 15/8. Nguyên nhân lý giải chưa giảm giá bán lẻ xăng dầu là do giá xăng dầu thành phẩm thế giới thực tế chưa giảm mạnh tương xứng với sự sụt giảm của giá dầu thô. Tuy nhiên, với sự sụt giảm của đầu vào xuống dưới 90 USD/thùng và nếu duy trì ổn định trong biên độ này, giá xăng dầu thành phẩm kỳ vọng sẽ giảm trở lại. Và giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh giảm sau đó.

Thông tin thứ hai khiến NĐT phải thận trọng trong phiên giao dịch sáng nay đến từ Bản tin nợ nước ngoài được công bố vào cuối tuần qua. Theo đó, nợ nước ngoài của Việt Nam đến năm 2010 đã đạt 32,5 tỷ USD (42,2% GDP), trong đó nợ Chính phủ là 27,86 tỷ USD (31,1% GDP).  Mặc dù theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ trọng này vẫn ở mức an toàn. Song với bối cảnh bất ổn vĩ mô, lạm phát tăng cao, đặc biệt khi dự trữ ngoại hối chưa thực sự ở mức an toàn thì việc nợ nước ngoài tăng lên có thể sẽ khiến chính sách tiền tệ nhằm ổn định ngoại hối gặp nhiều khó khăn hơn.

Với bối cảnh hiện tại của thế giới và trong nước, thị trường khả năng sẽ biến động nhẹ với thanh khoản tiếp tục thấp trong tuần này. Hiện tại chỉ phù hợp cho NĐT giá trị giải ngân khi cổ phiếu ưa thích đã về đến vùng giá mục tiêu.

 

Thị trường chưa thể có chuyển biến tích cực

(CTCK Vietcombank - VCBS)

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khởi động tuần mới bằng những gam màu đan xen, trong khi VN-Index thành công cắt đứt chuỗi giảm đỏ liên tiếp của mình bằng một phiên tăng yếu thì HNX-Index lại quay đầu giảm nhẹ. Tuy khác biệt về màu sắc nhưng bầu không khí trên cả hai sàn khá giống nhau, đó là sự ảm đạm, buồn tẻ và lình xình. Cung, cầu liên tục giằng co mạnh trong sự thận trọng và dè dặt đến hờ hững của các nhà đầu tư, khá nhiều nhà đầu tư nghiêng về động thái chờ đợi và đứng ngoài quan sát, thăm dò thị trường. Cũng vì thế mà tính thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, hiện đang trong tình trạng cạn kiệt đáng báo động.

Chúng tôi cho rằng, tình trạng thiếu tích cực kể trên còn có thể kéo dài thêm nữa, đặc biệt là khi thời điểm công bố mức tăng CPI của tháng 8 đang tới gần và hơn nữa là vào cuối tháng 8 này NHNN có thể sẽ đưa ra một số biện pháp kinh tế cụ thể, theo như bài phát biểu trước đây của Thống đốc. Như vậy, trong phiên giao dịch ngày 16/8, xu hướng giằng co đi ngang với biên độ hẹp hoặc giảm điểm nhiều khả năng sẽ tái diễn.

 

Thị trường vẫn tiềm ẩn nguy cơ giảm mạnh hơn

(CTCK VNDirect - VND)

Chúng tôi đã đề cập đến trong các bản tin trước, sau khi HNX-Index vỡ đáy lịch sử và VN-Index phá đáy tháng 6, sự điều chỉnh mang tính kỹ thuật có thể xảy ra, vì vậy các cổ phiếu tăng điểm trong phiên 15/8 không gây bất ngờ. Điều đáng nói là tốc độ tăng phiên này rất chậm chạp, lượng cung vẫn lớn cho thấy thị trường đang rất yếu và rất ít khả năng có thể bứt lên xu hướng giảm điểm. Hầu hết các cổ phiếu lớn đều có nguy cơ sẽ vỡ đáy trước giống như index.

Thị trường vẫn tiềm ẩn nguy cơ giảm mạnh hơn. Nhà đầu tư tiếp tục thận trọng, hạn chế giải ngân.

 

Hoạt động bắt đáy sẽ chứa đựng nhiều rủi ro

(CTCK FPT - FPTS)

Mặc dù VN-Index đã có phiên phục hồi đầu tiên sau 5 phiên giảm điểm liên tiếp nhưng giao dịch trên thị trường lại sụt giảm nghiêm trọng. Thanh khoản lùi về mức thấp kỷ lục. Các lệnh mua - bán trên thị trường đều ở trạng thái rời rạc và cầm chừng. Chênh lệch mua thấp - bán cao khiến giao dịch diễn ra khá tẻ nhạt và chậm chạp.

Nhìn chung, thị trường vẫn đang diễn biến theo chiều hướng tiêu cực với xu hướng chủa đạo là giảm điểm. Mặc dù các chỉ số VN-Index và HNX-Index đang liên tiếp tạo lập các mức thấp kỷ lục nhưng vẫn không thu hút được nhà đầu tư quay trở lại thị trường. Thanh khoản cạn kiệt khiến cho khả năng phục hồi trở nên khá mờ nhạt.

Bên cạnh đó, sau những cam kết từ cơ quan quản lý được công bố trong thời gian qua hiện vẫn chưa có tín hiệu cụ thể nào cho thấy tình hình lạm phát, lãi suất có thể sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới. Hoạt động bắt đáy vẫn sẽ chứa đựng nhiều rủi ro đối với các nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn. Do đó, FPTS tiếp tục bảo lưu quan điểm thận trọng, quyết định đầu tư chỉ nên được thực hiện khi có tín hiệu rõ ràng cho khả năng phục hồi trở lại của thị trường.

 

Nhà đầu tư nên đứng ngoài

(CTCK Dầu khí - PSI)

Thị trường đang tiếp tục dao động theo chiều hướng giảm dần. Dòng tiền đứng ngoài thị trường sẽ khiến thị trường khó có thể phục hồi mặc dù mặt bằng giá đã ở mức khá thấp. Nhà đầu tư nên đứng ngoài và quan sát, ưu tiên tỷ lệ tiền mặt cao hơn.

Trong các phiên sắp tới, nếu giá giảm và KLGD yếu thì đó là tín hiệu cho thấy dòng tiền tiếp tục thoát khỏi thị trường. Chỉ nên tham gia vào thị trường khi xuất hiện dòng tiền tích cực (KLGD tăng).