Thị trường vẫn ngại rủi ro

Thị trường vẫn ngại rủi ro

(ĐTCK) Thông tin về kế hoạch kinh doanh 2016 dần hé lộ trước thềm ĐHCĐ hay kế hoạch nới room đang lan tỏa trong các công ty niêm yết là các thông tin khá tích cực hỗ trợ cho xu hướng tăng điểm của thị trường chứng khoán. 

Dù vậy, tâm lý NĐT vẫn rất thận trọng trước những diễn biến khó lường từ thị trường thế giới.

Mặc dù giới phân tích kỹ thuật dự báo giá dầu đã thiết lập đồ thị 2 đáy nên xu thế sắp tới là tăng,  song những thông tin về nguồn cung-cầu vẫn chưa rõ ràng và cũng chưa có cơ sở để khẳng định việc tăng vững của giá dầu. Trong khi ở trong nước, nhiều người có xu hướng tích lũy vàng thay vì đô-la, mặc dù đây không phải là xu hướng đầu cơ lớn.

Nhìn vào diễn biến giá cổ phiếu bất động sản (BĐS) trên thị trường, mặc dù nhiều công ty BĐS có kết quả kinh doanh 2015 tốt và đưa ra kế hoạch 2016 khả quan, các môi giới cũng khuyến nghị mua vào, song NĐT lại không mấy hưởng ứng bởi lo ngại về việc siết tín dụng BĐS theo Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước, cũng như nguồn cung căn hộ có dấu hiệu dư thừa.

Trong báo cáo mới đây, CBRE đã cảnh bảo về mức tiêu thụ căn hộ năm tới sẽ chậm và có xu hướng giảm do ảnh hưởng nguồn cung lớn, các chủ đầu tư phải thận trọng khi tăng giá bán, cũng như áp lực tạo ra sự khác biệt của dự án để thu hút khách hàng. Thị trường căn hộ dự kiến sẽ lại bước vào giai đoạn cạnh tranh khó khăn với mức độ tăng dần từ thời điểm này.

Đáng chú ý, để chuẩn bị cho động thái siết tín dụng BĐS, một số công ty BĐS sẽ lên phương án huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu trong kỳ ĐHCĐ tới và rủi ro là cổ phiếu sẽ bị pha loãng khá nhiều nếu lợi nhuận năm 2017 sụt giảm.

Nhìn vào trụ cột của thị trường là khối doanh nghiệp sản xuất, tiềm năng của nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng là khá khả quan, trong khi nhóm vật liệu xây dựng không chỉ bị ảnh hưởng bởi thị trường BĐS chững lại, mà còn  phải cạnh tranh với lượng hàng giá rẻ từ thị trường Trung Quốc. Nhóm cổ phiếu thủy sản khá bấp bênh do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng ít có khả năng bứt phá để đưa thị trường đi lên.

Theo đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn bị chi phối mạnh bởi dòng vốn nước ngoài, nên khi thị trường thế giới còn bất ổn và xu thế bán ròng vẫn là chủ đạo thì thị trường khó tăng mạnh, nhất là trong bối cảnh các quỹ hiện hữu tiếp tục thoái vốn theo lộ trình đóng quỹ.

Việc thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh đã gây áp lực lớn cho phiên điều chỉnh của thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 25/2 là dẫn chứng cho thấy, các thông tin bất ổn ở các thị trường tài chính lớn trên thế giới sẽ chi phối khá mạnh tâm lý thị trường Việt Nam, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, dự báo sẽ có ảnh hưởng ngày càng rõ ràng đối với thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Việc kiểm soát rủi ro trong vòng 6 tháng tới đối với NĐT là rất khó khăn, vì vậy, chiến thuật đầu tư lúc này là thận trọng, không giải ngân hết tiền, cũng không mua đuổi giá cao mà sớm chốt lời được nhiều NĐT áp dụng. Chính chiến thuật này vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của việc thị trường khó tăng điểm mạnh trong tuần vừa qua và sắp tới. 

Tin bài liên quan