Một nguyên nhân lớn khiến các CTCP quyết tâm lên sàn là do cam kết với cổ đông

Một nguyên nhân lớn khiến các CTCP quyết tâm lên sàn là do cam kết với cổ đông

Thị trường trầm lắng, nhiều DN vẫn lên sàn

(ĐTCK-online) Trong khi nhiều công ty rút hồ sơ niêm yết vì thị trường chưa thuận lợi thì một số công ty vẫn tiếp tục nộp hồ sơ đăng ký và gấp rút thực kiện kế hoạch niêm yết trong năm nay.

Lướt qua thông tin 2 sàn công bố, có thể thấy, nhiều công ty được chấp thuận niêm yết về nguyên tắc đã xin rút hồ sơ. Nhiều công ty khác, dù ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch niêm yết trong năm 2011, ban lãnh đạo công ty vẫn xin lùi thời điểm niêm yết vì thị trường hiện quá khó khăn.

 

Tuy nhiên, cũng có nhiều công ty quyết tâm lên sàn. Tính đến hết tháng 10/2011, Sở GDCK Hà Nội đã nhận được 49 hồ sơ đăng ký niêm yết và có thêm 28 mã niêm yết mới. Từ đầu năm đến nay, Sở GDCK TP. HCM đã chấp thuận niêm yết cho 15 công ty và có 20 công ty nộp hồ sơ niêm yết. Hiện nay, vẫn có công ty đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để có thể chào sàn trước khi năm 2012 bắt đầu.

 

Trong tháng 11, dự kiến CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Lafchemco) sẽ lên sàn HNX. Với vốn điều lệ 540 tỷ đồng, Lafchemco đăng ký niêm yết 54,05 triệu CP trên HNX. Được biết, Lafchemco đã được chấp thuận niêm yết về nguyên tắc và đang thúc giục đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ. Với ngành sản xuất chính là cung cấp các sản phẩm phân bón, hóa chất, năm nay, Lafchemco đặt kế hoạch doanh thu 3.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 225 tỷ đồng, dự kiến trả cổ tức 15%. Trong 9 tháng đầu năm, Lafchemco đã sản xuất được 213.597 tấn axit sunfuaric và tiêu thụ 7.948 tấn, sản xuất 1.183.869 tấn và tiêu thụ 942.181 tấn phân bón. Tuy chưa công bố BCTC quý III, song một nguồn tin cho biết, lợi nhuận sau thuế luỹ kế đến hết quý III của Lafchemco đã vượt ngưỡng 200 tỷ đồng.

 

Giải thích về quyết tâm lên sàn, đại diện của Lafchemco cho biết, nguyên nhân chính là ĐHCĐ đã thông qua chủ trương niêm yết. Bởi vậy, Ban lãnh đạo Công ty phấn đầu hoàn thành mục tiêu này. Năm 2011 dù có nhiều khó khăn và khi xem xét lại tổng thể, Lafchemco đã quyết định chuyển hồ sơ đăng ký niêm yết từ sàn HOSE sang sàn HNX. Trong ngành phân bón hóa chất, Lafchemco được đánh giá là ngọn cờ đầu và kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm cũng vượt trội so với năm ngoái. "Thị trường gần đây có khởi sắc và Lafchemco cho rằng, đây là cơ hội tốt để niêm yết" - đại diện Lafchemco nói.

Mới đây nhất, ngày 31/10, Sở GDCK Hà Nội đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết của CTCP Đầu tư và Xây dựng Dầu khí Phú Đạt (PDP JSC). Đây là công ty cung cấp dịch vụ tư vấn bất động sản, đấu giá bất động sản, xây dựng nhà... Với vốn điều lệ 430 tỷ đồng, PDP sẽ niêm yết 43 triệu CP.

 

Ngày 1/11, Sàn HOSE chính thức đón cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội lên niêm yết và ngày 3/11 tới đây, sàn này cũng sẽ đón tân binh HU1 (CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD1) với 10 triệu CP, giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên là 12.000 đồng/CP. Năm 2010, HU1 đạt doanh thu 729 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 16,8 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2011, HU1 có doanh thu đạt 402,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 16,2 tỷ đồng.

 

Có thể thấy, một nguyên nhân lớn khiến các CTCP quyết tâm lên sàn là do cam kết với cổ đông. Việc lên sàn sẽ giúp CP của công ty thanh khoản tốt hơn, bởi vậy, khi nghị quyết ĐHCĐ đã thông qua việc niêm yết thì cổ đông sẽ tạo sức ép, buộc ban lãnh đạo công ty phải hoàn thành kế hoạch lên sàn. Ngoài ra, dù kinh tế khó khăn, nhiều công ty có vốn lớn, tài chính lành mạnh vẫn có hiệu quả kinh doanh tốt, họ tin vào sức hấp dẫn của CP và thực hiện kế hoạch niêm yết. Nhiều dự báo cho rằng, tình hình kinh tế năm 2012 vẫn còn khó khăn song một số công ty khi xem xét vị thế, hoạt động của doanh nghiệp mình trong ngành vẫn cho rằng, bức tranh năm 2012 sẽ có gam màu sáng hơn. Việc niêm yết thông thường mất 6 - 9 tháng để làm hồ sơ, thủ tục, nên những công ty này tích cực hoàn thành kế hoạch niêm yết trong năm nay để đón đầu cơ hội.

 

Ông Hoàng Thanh Tuấn, Giám đốc khối ngân hàng đầu tư CTCK Sao Việt cho rằng, thêm nhiều công ty niêm yết đem lại lợi ích chung cho thị trường. Trong khi nguồn vốn trong nước ngày càng thắt chặt, việc tăng quy mô vốn hóa sẽ khiến thị trường hấp dẫn hơn với nguồn vốn ngoại.