Ông nhận định thế nào về tiềm năng của kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay, thưa ông?
Trái phiếu doanh nghiệp được nhìn nhận là kênh phát hành có tiềm năng rất lớn. Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam xác định, thị trường này sẽ tăng trưởng 30-40% mỗi năm. Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là khoản đầu tư tạo ra lợi nhuận ổn định dài hạn.
Tuy nhiên, tiềm năng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa được khai phá hết, bởi thực tế làm trái phiếu doanh nghiệp rất khó. Trái phiếu doanh nghiệp là một trong những loại hình tài sản khá lâu đời trên thế giới, nhưng lại mới ở Việt Nam. Đặc biệt, khách hàng cá nhân rất ít người sử dụng trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Trần Nhật Nam
Hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với Hiệp hội trái phiếu Việt Nam xem xét sửa đổi một số nội dung trong Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp. Hy vọng trong thời gian tới, việc sửa đổi sẽ tạo đà cho sự phát triển của thị trường này.
Thực tế là thị trường vốn Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung vào thị trường cổ phiếu, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như để ngỏ? Đâu là yếu tố chi phối thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
Thị trường vốn tại Việt Nam đang trên đà phát triển tốt, đặc biệt là thị trường chứng khoán niêm yết. Tuy nhiên, cổ phiếu niêm yết mới chỉ là “một chân” của thị trường vốn, còn có trái phiếu là “chân thứ hai”.
Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đang dựa vào ngân hàng như là kênh huy động vốn chính, trong khi ở các thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu, trái phiếu doanh nghiệp chính là kênh huy động vốn rất lớn cho doanh nghiệp cần vốn để phát triển.
Bên cạnh đó, minh bạch cũng là yếu tố rất quan trọng. Như câu chuyện Việt Nam có tham gia vào MSCI, hay hội nhập thị trường tài chính hay không thì minh bạch là yếu tố không thể bỏ qua. Minh bạch đến từ đạo đức nghề nghiệp của những người làm nghề, của tổ chức phát hành, cũng như nhà đầu tư. Loại bỏ các yếu tố như đội lái, làm giá…, thị trường sẽ phát triển tốt hơn.
Ông nhận định thế nào về xu hướng phát triển của thị trường chứng khoán trong thời gian tới? Thị trường này còn nhiều dư địa để tăng trưởng hay không?
Thị trường vốn Việt Nam đang ở mức sơ khởi và còn nhiều dư địa phát triển, đó là thị trường phái sinh, thị trường của các sản phẩm mới… Hiện nay, nhiều công cụ khác của thị trường chứng khoán phổ biến trên thế giới, nhưng tại Việt Nam chưa tiếp cận được.
Thị trường chứng khoán luôn có tính chu kỳ. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 2 chu kỳ như giai đoạn 2002-2003 có chu kỳ lên rất cao và sau đó xuống mạnh, tương tự là giai đoạn 2009-2010. Tính chu kỳ ấy luôn đi kèm với chu kỳ của nền kinh tế.
Hiện nay nền kinh tế Việt Nam đã bình ổn trở lại sau thời gian khó khăn, sản xuất được khôi phục và phát triển tốt hơn; vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam tăng trưởng mạnh, tạo đà cho sự khởi sắc của nền kinh tế và tạo động lực cho thị trường tài chính, thị trường chứng khoán phát triển.