Hiện các doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu huy động vốn từ kênh phát hành cổ phiếu và tín dụng ngân hàng, huy động vốn từ phát hành trái phiếu vẫn còn rất khiêm tốn

Hiện các doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu huy động vốn từ kênh phát hành cổ phiếu và tín dụng ngân hàng, huy động vốn từ phát hành trái phiếu vẫn còn rất khiêm tốn

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chờ cú huých cơ chế

(ĐTCK) “Điều quan trọng là cơ quan quản lý cần sớm ban hành cơ chế mới có tính đột phá, để tạo cú huých thực sự thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển…”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) chia sẻ quan điểm với Báo Đầu tư Chứng khoán. 

Ông đánh giá thế nào về quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, nhất là trong mối tương quan với các thị trường trong khu vực?

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện vẫn ở mức khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Dư nợ thị trường năm 2016 chỉ ở mức 5,27% GDP. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành hàng năm trung bình quanh mức 30.000 - 40.000 tỷ đồng/năm.

Trong 5 năm gần đây (2012 - 2017), chúng ta có thể thấy sự phát triển và tăng trưởng vượt bậc của thị trường này với tốc độ tăng trưởng bình quân phát hành đạt 38%, cao hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng bình quân là khoảng 14%/năm. Điều này cho thấy những dấu hiệu khả quan cũng như tiềm năng phát triển và dịch chuyển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tại nhiều thị trường trong khu vực, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành kênh huy động vốn hiệu quả. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Malaysia, Singapore đạt từ 30 - 40% GDP, thậm chí tại Hàn Quốc lên tới 70% GDP.

Trên thị trường thứ cấp, quy mô giao dịch tại các thị trường phát triển lớn hơn nhiều so với thị trường Việt Nam. Năm 2016, quy mô giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp tại Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc đạt khoảng 6 tỷ USD, gấp 12 lần quy mô giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Nhà đầu tư chính trên thị trường trái phiếu chính phủ hiện chủ yếu là các ngân hàng thương mại, còn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì sao, thưa ông?

Đối tượng phát hành chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn và các ngân hàng thương mại với tỷ trọng ước tính chiếm khoảng 65% giá trị thị trường.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam gần như chưa thể tiếp cận thị trường trái phiếu do đòi hỏi về kỳ hạn quá dài so với nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, tại Malaysia, 30% trái phiếu doanh nghiệp phát hành để tài trợ cho các dự án hạ tầng, vốn có kỳ hạn dài 12 - 25 năm.

Về đối tượng nhà đầu tư chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước, hiện vẫn là các ngân hàng thương mại. Mặc dù trong 1 - 2 năm trở lại đây, các công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm cũng tham gia tích cực hơn vào thị trường, nhưng tương quan với các thị trường khác trong khu vực thì mức độ tham gia của các khối nhà đầu tư phi ngân hàng thương mại còn khá khiêm tốn (chiếm khoảng gần 20% giá trị đầu tư).

Tại các thị trường như Singapore, Phillipines, Thái Lan, đối tượng nhà đầu tư phi ngân hàng thương mại chiếm 30 - 50% thị phần đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Về kỳ hạn phát hành, tại thị trường Việt Nam do nhà đầu tư chính trên thị trường vẫn là các ngân hàng thương mại, nên kỳ hạn chủ yếu tập trung từ 3 - 5 năm. Các loại trái phiếu doanh nghiệp kỳ hạn dài trên 5 năm còn khá khiêm tốn (ước tính chiếm khoảng 10 - 15% giá trị phát hành) và chủ yếu là trái phiếu của tổ chức tín dụng, hoặc trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh thanh toán của các tổ chức quốc tế.

Trong khi đó tại các thị trường khác chẳng hạn như Singapore, Malaysia…, với sự tham gia đa dạng của công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí, tỷ trọng các kỳ hạn dài 5 - 15 năm ước tính có thể chiếm trên 40% giá trị phát hành, thậm chí kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp của Singapore, Malaysia có thể lên tới trên 25 năm.

Có ý kiến cho rằng sản phẩm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn đơn điệu, nên chưa tạo ra sức hấp dẫn với nhà đầu tư, ông nghĩ sao?

Các sản phẩm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện còn khá đơn giản, chủ yếu là các trái phiếu không chuyển đổi, phát hành riêng lẻ, trái phiếu phát hành ra công chúng còn rất ít.

Thị trường Việt Nam chưa phát triển các sản phẩm vốn đã được phổ biến khá lâu tại các thị trường phát triển trong khu vực như sản phẩm chứng khoán hóa (chứng khoán có bảo đảm bằng các khoản vay thế chấp), sản phẩm cấu trúc (trái phiếu liên kết rủi ro tín dụng), các công cụ phái sinh phòng ngừa rủi ro, các sản phẩm trái phiếu dự án, trái phiếu xanh…

Theo ông, đâu là những vướng mắc đang cản trở thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển?

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chờ cú huých cơ chế ảnh 1

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh 

Tuy thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực trong thời gian qua, nhưng quy mô và tốc độ phát triển của thị trường chưa đạt như kỳ vọng.

Tình trạng này chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân: Tính minh bạch thông tin trên thị trường chưa cao, chưa tạo điều kiện để nhà đầu tư có thể tiếp cận được thông tin về các đợt phát hành, cũng như thông tin về tổ chức phát hành; nhà đầu tư thiếu đa dạng, nhà đầu tư chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện vẫn chủ yếu là các ngân hàng thương mại, thị trường chưa thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư lớn khác như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí…

Để khắc phục những bất cập của cơ chế hiện tại, Bộ Tài chính đang xúc tiến sửa đổi Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ông có những góp ý gì cho phương án sửa đổi văn bản này để mở ra hành lang pháp lý mới thông thoáng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển?

Dự thảo sửa đổi Nghị định 90/2011 nhìn chung có khá nhiều điểm mới, điều này thể hiện mong muốn của Bộ Tài chính trong kiến tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho thị trường phát triển có chất lượng, tính chuyên nghiệp cao hơn.

Tuy nhiên, do đây là Nghị định rất quan trọng và có nhiều điểm mới có thể tác động mạnh đến thị trường, nên trên cơ sở tiếp nhận ý kiến của các hội viên, VBMA vẫn đang trong quá trình làm việc, thảo luận kỹ lưỡng và đóng góp ý kiến trực tiếp, cụ thể với Bộ Tài chính về nội dung này.

Mong muốn của chúng tôi khi góp ý vào dự thảo Nghị định sửa đổi là làm rõ các mục tiêu của chính sách quản lý nói chung, Nghị định 90/2011 nói riêng trong giai đoạn phát triển hiện nay của thị trường để lựa chọn sửa đổi các nội dung chính sách thực sự phù hợp.

Nghị định mới cần đưa ra được các giải pháp rõ ràng, có tính đột phá để tạo cú huých thực sự thúc đẩy thị trường phát triển, hướng tới để thị trường tự quyết định và cạnh tranh công bằng trên cơ sở yêu cầu đảm bảo sự minh bạch, làm rõ quyền lợi, trách nhiệm cũng như các chế tài xử lý đối với các chủ thể tham gia thị trường.

Đồng thời, tạo khung pháp lý rõ ràng để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp đồng bộ, nhất quán, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý trong quản lý hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hình thành các cơ sở hạ tầng cần thiết và có chất lượng cho thị trường phát triển như công ty định hạng tín nhiệm, đại lý định giá trái phiếu, hệ thống thông tin thị trường trái phiếu doanh nghiệp tập trung, cũng như tạo thuận lợi cho hình thành văn hóa, chuẩn mực kinh doanh chuyên nghiệp. 

Theo ông, cần triển khai thêm những giải pháp nào để hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bài bản, minh bạch?

Tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu nâng tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp/GDP của Việt Nam từ mức 5% năm 2016 lên 7% vào 2020 và 20% vào năm 2030.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, là kênh dẫn và lưu chuyển vốn trung và dài hạn chính của nền kinh tế, đồng thời cũng mở ra kênh đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư bên cạnh các kênh đầu tư truyền thống. Thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần lưu ý một số giải quan trọng sau:

Thứ nhất, sớm hoàn thiện và ban hành Nghị định thay thế Nghị định 90/2011.

Thứ hai, thị trường đang có nhu cầu đối với sự ra đời và hoạt động của một công ty định mức tín nhiệm, tổ chức đại lý định giá trái phiếu doanh nghiệp có chuyên môn và hiểu biết sâu sắc về thị trường. Cần có các cơ chế hỗ trợ từ cơ quan quản lý cho sự ra đời của các công ty và tổ chức này.

Thứ ba, với định hướng trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 90/2011, việc xây dựng Trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp tại sở giao dịch chứng khoán cần được xúc tiến ngay với các đề xuất cụ thể về cơ chế vận hành trung tâm này, để đảm bảo các thành viên thị trường có thể tiếp cận các phân tầng thông tin cụ thể.

Thứ tư, đề nghị Ngân hàng Nhà nước đưa ra lộ trình cụ thể trong việc triển khai các công cụ phái sinh phòng ngừa rủi ro, đặc biệt là rủi ro tỷ giá, cũng như các cơ chế ưu đãi đầu tư (thuế, phí, thủ tục hành chính…) nhằm thu hút các đối tượng nhà phát hành có chất lượng cũng như các đối tượng nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường. 

Tại công văn góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 90/2011 gửi Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, trên cơ sở tập hợp kiến nghị của các doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo quy định tương đối chi tiết về thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận phương án phát hành trái phiếu thuộc về đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, chủ tịch công ty.

Quy định này đã can thiệp vào quyền tổ chức nội bộ của doanh nghiệp, không những không có tác dụng bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, mà có thể đặt nhà đầu tư mua trái phiếu vào thế rủi ro.

Giả sử, một doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà không đúng trình tự, thẩm quyền quy định tại dự thảo này thì được xem là hợp đồng vô hiệu do không đúng thẩm quyền.

Theo pháp luật dân sự, khi đó, các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận, nhà đầu tư trả lại trái phiếu, còn doanh nghiệp trả lại tiền (chỉ là tiền gốc, không có lãi) cho nhà đầu tư.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh theo hướng bỏ các quy định mang tính xác định trình tự thủ tục, thẩm quyền trong nội bộ doanh nghiệp; duy trì các quy định về việc doanh nghiệp phải xin ý kiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền theo pháp luật chứng khoán..

Tin bài liên quan