Các nhà đầu tư trái phiếu chưa có công cụ phòng chống rủi ro về tỷ giá và lãi suất

Các nhà đầu tư trái phiếu chưa có công cụ phòng chống rủi ro về tỷ giá và lãi suất

Thị trường trái phiếu cần đa dạng hóa các nhà đầu tư

(ĐTCK) Sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2008, thị trường trái phiếu Việt Nam, đặc biệt là thị trường trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh (TPCP) đã có những bước phát triển tích cực, mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trong những năm gần đây.

Với giá trị vốn hóa của thị trường TPCP là khoảng 500 nghìn tỷ đồng ở thời điểm hiện nay, so với 160 nghìn tỷ đồng vào năm 2009, thị trường TPCP đã tăng trưởng hơn 300% về quy mô trong những năm vừa qua.

Thành quả này có được một phần từ những nỗ lực của các cơ quan nhà nước như NHNN, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong việc phát triển thị trường, điển hình là việc Bộ Tài chính đã ra các thông tư hướng dẫn bảo lãnh, đấu thầu và giao dịch TPCP, HNX nâng cấp hệ thống giao dịch TPCP chuyên biệt và phát triển đường cong lãi suất TPCP cho thị trường…

Trước đây, các thành viên tham gia giao dịch hoặc tham gia đấu thầu thường phải đặt lệnh qua công ty chứng khoán. Kể từ khi có thị trường giao dịch TPCP chuyên biệt tại HNX, các thành viên đã có thể tự đặt lệnh vào hệ thống giao dịch, đấu thầu, kết nối với hệ thống giao dịch, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí giao dịch, đồng thời tính bảo mật thông tin được đảm bảo hơn so với với việc fax lệnh qua các CTCK như trước kia.

Sự ra đời của đường cong lãi suất là một bước phát triển rất quan trọng cho thị trường trái phiếu Việt Nam, tạo sự liên kết giữa thị trường sơ cấp và thứ cấp, đồng thời giúp các thành viên có cơ sở để đánh giá các danh mục đầu tư của mình.

Thị trường trái phiếu cần đa dạng hóa các nhà đầu tư ảnh 1

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc kinh doanh ngoại hối và trái phiếu, HSBC Việt Nam 

Mặc dù thị trường trái phiếu Việt Nam phát triển khá tích cực trong những năm vừa qua nhờ vào sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế, như lạm phát được kiềm chế và ổn định ở mức thấp, tỷ giá ổn định, xu hướng lãi suất giảm dần trong những năm gần đây. Tuy nhiên thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn những khó khăn cần phải lưu ý:

Thứ nhất, thanh khoản thị trường đã được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp. Số mã trái phiếu đang lưu hành vẫn còn khá nhiều ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường.

Thứ hai, cơ cấu các nhà đầu tư trái phiếu chưa đa dạng. Phần lớn các nhà đầu tư trái phiếu trên thị trường Việt Nam là ngân hàng thương mại, trong đó chỉ có khoảng 10 - 15 ngân hàng tham gia khá tích cực trên thị trường, trong khi các ngân hàng còn lại chủ yếu mua để nắm giữ và cho mục đích đảm bảo các chỉ số thanh toán. Do cơ cấu nhà đầu tư chưa đa dạng và các nhà đầu tư có quan điểm khá giống nhau nên đôi lúc thị trường chuyển động theo cùng một xu hướng.

Thứ ba, chưa có công cụ phòng chống rủi ro về lãi suất và tỷ giá cho các nhà đầu tư trái phiếu, đặc biệt là trong môi trường lãi suất khá thấp như hiện nay và những biến động mạnh trên thị trường thế giới trong thời gian gần đây. Lãi suất tăng và biến động về tỷ giá có thể sẽ tạo ra khá nhiều rủi ro cho thị trường.

Thứ tư, mặc dù khối nhà đầu tư nước ngoài tham gia có tăng nhưng vẫn còn khá thấp so với thời kỳ 2006-2008.

Để thị trường trái phiếu phát triển ổn định, chúng ta cần phát triển cơ cấu nhà đầu tư đa dạng hơn, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các ngân hàng thương mại. Kho bạc Nhà nước và HNX tiếp tục giảm số lượng trái phiếu lưu hành, đồng thời tăng khối lượng phát hành lô lớn cho các mã trái phiếu mới. Cơ quan quản lý và các nhà điều hành nghiên cứu và phát triển những sản phẩm mới giúp phòng ngừa rủi ro cho thị trường trái phiếu như IRS, CCS, Bond Future… giúp thị trường trái phiếu hấp dẫn hơn.

Với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất USD và nền kinh tế của Trung Quốc phát triển chậm lại, thị trường tài chính thế giới sẽ có những biến động và nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào các thị trường mới nổi (EMs) sẽ giảm sút. Do đó, chúng ta phải tích cực giới thiệu quảng bá những thành tựu và sự ổn định kinh tế vĩ mô chúng ta đạt được trong những năm gần đây; chúng ta có thể nghiên cứu giảm thuế nhà thầu, chi phí giao dịch, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng những biện pháp phòng ngừa rủi ro về lãi suất và ngoại hối nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam nhiều hơn.

Tin bài liên quan