Vì sao Lazada “lao dốc”?
Theo số liệu cập nhật từ “Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam”, do iPrice Insights thực hiện, Lazada tiếp tục lao dốc, tụt hạng liên tục và hiện đứng thứ 5 sau Shopee, Sen Đỏ, Thế giới Di động và Tiki.
Cụ thể, Shoppee hiện có lượng truy cập hơn 34,5 triệu lượt/tháng, Sen Đỏ 30,92 triệu lượt/tháng, Thế giới Di động 29,3 triệu lượt/tháng, Tiki 27,11 triệu lượt tháng, còn Ladaza có 24,36 triệu lượt/tháng. Như vậy, Lazada lại bị Shopee và Tiki vượt lên kể từ cuối năm 2018 và bị Sen Đỏ, Thế giới Di động vượt qua trong 2 quý gần đây.
Đây cũng là lần đầu tiên, website của Lazada Việt Nam rơi khỏi top 4 website toàn quốc khi lượng truy cập giảm đến 14%, xuống còn 24,3 triệu lượt/tháng. Hồi tháng 2/2017, khi Lazada ngự trên “ngôi vương” thì lượt truy cập trang Lazada đạt 41,1 triệu.
Năm 2016, Alibaba mua lại Lazada Đông Nam Á và từ đó đến nay đã rót 4 tỷ USD với tham vọng sẽ làm chủ cả thị trường quy mô 650 triệu dân. Nhưng có vẻ Lazada đã không đạt được mục tiêu như kỳ vọng.
Điểm yếu khiến người dùng mất niềm tin vào Lazada khi Alibaba đổ vốn vào là mở cửa ồ ạt để thương nhân Trung Quốc bán hàng trên web của mình. Tại nhiều nước, nhất là Việt Nam và Thái Lan, khách hàng nghi ngờ chất lượng hàng hóa giá rẻ được rao trên Lazada.
Về quản trị, Lazada có nhiều biến động nhân sự. Giữa năm 2018, Lazada đã thay ông Alexandre Dardy (người Pháp) bằng ông Zhang YiXing (Trung Quốc). Mới đây nhất, hồi đầu tháng 7/2019, Lazada Việt Nam tiếp tục biến động nhân sự khi ông James Dong lên thay ông Zhang YiXing, vị này vẫn kiêm nhiệm CEO Lazada Thái Lan. Việc “đổi tướng” thường xuyên và khá khó hiểu của Lazada, dưới góc độ nào đó, cho thấy Alibaba đang loay hoay tìm điểm đột phá tại thị trường khốc liệt như Việt Nam.
Các sàn khác lên ngôi
Trong khi Lazada đuối sức, thì các sàn thương mại điện tử khác đã có sự bứt phá khá ngoạn mục.
Trong đó, Thế giới Di động là cái tên gây bất ngờ nhất. Đây là kết quả hợp lý khi doanh nghiệp này chuyển đổi mô hình, đầu tư mạnh cho bán hàng online. Năm 2018, doanh thu online của Thế giới Di động đạt 12.350 tỷ đồng, tăng trưởng 116% so với năm 2017.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thế giới Di động cho biết, Thế giới Di động đã đưa ra nhiều ưu đãi dành cho khách hàng mua online như giảm giá sâu, giao hàng miễn phí, đổi trả hàng trong vòng một tháng… để đẩy mạnh mảng kinh doanh trực tuyến.
Dự kiến, năm 2019, thương mại điện tử Việt Nam đạt 38 tỷ USD, tăng 7 lần so với con số 5,5 tỷ USD năm 2015. Lĩnh vực này đang trên đà chạm mốc 150 tỷ USD vào năm 2025. Thương mại điện tử đã trở thành một trải nghiệm mua sắm thường nhật, trung bình có hơn 5 triệu đơn hàng mỗi ngày.
(Nguồn: Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á 2019 do Google công bố)
Cái tên thứ 2 gây bất ngờ là Sen Đỏ đã thực hiện cú bứt tốc ngoạn mục sau khi nhận được khoản đầu tư 51 triệu USD từ SBI Nhật Bản, SoftBank Ventures Korea, Daiwa PI Partners và SKS Ventures. Mới đây, lãnh đạo Sen Đỏ cho biết, sẽ mời gọi các nhà đầu tư bên ngoài tham gia cùng đầu tư hỗ trợ cho chiến lược dài hạn.
Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và là nhà sáng lập Công ty Sen Đỏ cho biết, khoản đầu tư mới sẽ giúp Sen Đỏ thực hiện được các dự định, cơ hội phát triển kinh doanh trong thương mại điện tử như mở rộng thêm mô hình C2C, cho ra mắt SenMall - nền tảng thương mại điện tử B2C mới và đưa ví điện tử Senpay trở thành nền tảng công nghệ tài chính hàng đầu Việt Nam. Sen Đỏ đang đặt mục tiêu vượt qua mốc 1 tỷ USD giao dịch vào năm 2020.
Với Tiki, sau khi nhận khoản đầu tư 44 triệu USD từ JD.com, cũng đã tăng tốc đầu tư phát triển vào hạ tầng kho bãi và tăng tốc độ giao hàng. Ông Trần Ngọc Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Tiki cho biết, Tiki sử dụng nguồn vốn để đầu tư vào hạ tầng, hệ thống vận hành, kho bãi. “Chiến lược dài hạn của chúng tôi là nhanh hơn và nhiều hơn”, ông Sơn nói.
Nguồn tin riêng của Báo Đầu tư cho hay, Tiki đang tiếp tục tìm kiếm những thoả thuận đầu tư mới, giá trị có thể lên tới trên 100 triệu USD. Trước đó, vào tháng 8/2019, Tiki công bố mua lại Ticketbox - nền tảng phân phối vé, quản lý sự kiện trực tuyến Việt Nam, với giá trị thương vụ được dự đoán không dưới 1,5 triệu USD.
Tất nhiên, Shopee cũng không chịu ngồi yên. Hồi tháng 3/2019, công ty mẹ Sea tại Singapore thông báo phát hành cổ phiểu để huy động vốn và đầu tư thêm 1,5 tỷ USD vào Shopee. Tuy nhiên, Shopee dù lấn lướt Lazada tại các nước Đông Nam Á, nhưng vẫn thông báo nền tảng này lỗ tới 860 triệu USD trong năm 2018, nguyên nhân là hãng tốn nhiều tiền đầu tư cho chiến dịch mở rộng thị trường, chi phí giao dịch ngân hàng và vận chuyển gia tăng.
Nhìn chung, thương mại điện tử vẫn là cuộc chơi đốt tiền khốc liệt. Các doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều vào quảng cáo, hạ tầng kho bãi, nguồn nhân lực… nhằm định vị tên tuổi của mình trên thị trường. Theo Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp thương mại điện tử vẫn lỗ, ngay cả 3 ông lớn thương mại điện tử cũng chính là những cái tên lỗ sâu nhất. Tổng giá trị lỗ lũy kế của Lazada, Shopee và Tiki trong giai đoạn 2015 - 2018 là 9.400 tỷ đồng. VNDirect ước tính, mỗi doanh nghiệp sẽ phải chịu khoản lỗ khoảng 142 tỷ đồng/năm nếu muốn giành được 1% thị phần từ các đối thủ hiện hữu ở Việt Nam.