Thị trường tài chính tiền kỹ thuật số: Cuộc chiến CeFi và DeFi - (Bài 4) Miền Viễn Tây đầy cạm bẫy

0:00 / 0:00
0:00
Một thế giới tài chính mới đang được hình thành bên cạnh thế giới tài chính truyền thống. Thế giới này hấp dẫn và rủi ro như miền Viễn Tây của nước Mỹ với đầy mê hoặc và cạm bẫy.
Các công nghệ hiện đại đang hình thành một thế giới tài chính mới

Các công nghệ hiện đại đang hình thành một thế giới tài chính mới

Thị trường tài chính dựa trên thị trường tiền mã hóa (crypto currencies) - một phần của một hệ sinh thái đặc biệt đang dần hình thành, với đủ loại thành phần trên đó, từ các định chế tài chính tập trung (CeFi - centralized finance) cho đến định chế tài chính phi tập trung (DeFi - decentralized finance).

Thật ra, DeFi là gì và vì sao người ta muốn có một hệ thống tài chính phi tập trung? Trong khi DeFi đang trở thành một trào lưu mạnh mẽ trong nền kinh tế tiền mã hóa, tiền số của ngân hàng trung ương phát hành và do Facebook phát triển cũng dự kiến ra đời trong năm nay. Xu thế thị trường tài chính dựa trên tiền mã hóa nói riêng và tiền kỹ thuật số nói chung trong tương lai sẽ như thế nào?

Bài 4: Miền Viễn Tây đầy cạm bẫy

Một thế giới tài chính mới đang được hình thành bên cạnh thế giới tài chính truyền thống. Thế giới tài chính mới này hấp dẫn và rủi ro như miền Viễn Tây của nước Mỹ thuở nào với đầy mê hoặc và cạm bẫy.

Rủi ro sụp đổ qua đêm và sự gia tăng của các vụ đánh cắp, hack ở các sàn giao dịch tiền mã hóa

Cuối tháng 4/2021, chỉ trong vài ngày, hai sàn giao dịch tiền mã hóa ở Thổ Nhĩ Kỳ đã sụp đổ. Đáng chú ý là, trong đó có Vebitcoin - sàn giao dịch lớn thứ 4 tại Thổ Nhĩ Kỳ với khối lượng giao dịch lên đến gần 60 triệu USD/ngày. Với sàn giao dịch tiền mã hóa còn lại là Thodex, nhà sáng lập 27 tuổi... đã trốn ra nước ngoài. Theo ước tính, các nhà đầu tư sàn Thodex lúc đó tổn thất khoảng 2 tỷ USD.

Việc “sập”, “biến mất” của các sàn giao dịch tiền mã hóa đã là chuyện không lạ với người tham gia thị trường tài chính tiền mã hóa. Một tình trạng khác là sự phổ biến của các hoạt động tội phạm trên thị trường tiền mã hóa, bao gồm hack, đánh cắp và lừa đảo.

Các vụ đánh cắp, hack ở Yearn Finance, Meerkat Finance trong năm 2021 đã chứng kiến các hợp đồng thông minh bị tấn công và hacker lấy đi hàng chục triệu USD. Còn trong năm 2020, sự kiện đình đám là số tiền trị giá 80 triệu USD đã bị hacker đánh cắp từ EasyFi.

Ngoài ra, còn có vụ việc một số đối tượng ẩn danh trên mạng đã lừa những người có nhiều tiền mã hóa bỏ tiền vào một “quỹ” neo vào một hợp đồng thông minh, rồi người kiểm soát hợp đồng thông minh đó đột ngột rút toàn bộ tiền và “biến mất”. Dân trong thị trường gọi đây là “rug pull”, còn người bỏ tiền vào thì thường là các “yield farmers”, một dạng như người gửi tiền trên thị trường tiền mã hóa. Hiểu nôm na, đây là kiểu lừa người khác gửi tiền với lãi suất cao, rồi ôm tiền bỏ trốn. Các hợp đồng thông minh có thể được thiết kế ma giáo để lừa người gửi tiền. Một người bạn của tôi nói đùa các bạn “farmer” này cứ như những nông dân ôm lúa đi gửi vào kho với hy vọng lãi suất cao và được cam kết an toàn, rồi... mất hết.

Về cơ bản, những vụ việc trên không khác gì với những cam kết trả lãi cao, chiếm dụng vốn, rồi biến mất ở Việt Nam gần đây, nên nó không phải đặc thù chỉ có ở lĩnh vực DeFi. Vẫn chiêu trò cam kết lãi suất cao, nhiều người sẽ tạo ra các hợp đồng thông minh đầy lỗ hổng và lừa người đầu tư bỏ tiền vào đó. Không phải ai tham gia thị trường tiền mã hóa cũng có thể có đủ kiến thức để nhận biết các dự án lừa đảo này là không đáng tin cậy.

Nếu như ở thị trường tài chính truyền thống bên ngoài còn bị lừa, thì ở thị trường DeFi, lừa đảo càng dễ hơn, nhất là khi chỉ vài người có tiếng trong lĩnh vực này giới thiệu một vài dự án đáng nghi ngờ với nhiều người theo dõi để họ bỏ tiền mã hóa vào đó. Sau khi mọi việc vỡ lở, những “người nổi tiếng” này cũng biến mất trên mạng xã hội. Thế giới trên mạng xã hội là ảo, chỉ mất tiền là thật.

Big Tech Finance: Ai kiểm soát những gã khổng lồ?

Khi các nền tảng khổng lồ như Amazon bắt đầu cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, người ta bắt đầu lo ngại về rủi ro quá lớn để phá sản trong lĩnh vực tài chính của các đại công ty công nghệ. Khi một hay hai công ty kiểm soát một lượng lớn giao dịch tài chính của các cá nhân trong nền kinh tế, thì khi nó sụp đổ sẽ ra sao? Barry Eichengreen, giáo sư kinh tế học tại Trường đại học California-Berkeley và từng là cố vấn chính sách cao cấp ở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nêu ra lo ngại này, khi mà một nền tảng như M-Pesa gần như kiểm soát toàn bộ thông tin cũng như giao dịch tài chính của một quốc gia như Kenya. Sự sụp đổ của công ty như vậy sẽ làm cả nền kinh tế sụp đổ.

Khi các siêu ứng dụng kiểm soát ngày càng nhiều thông tin của người dùng, từ thông tin giao dịch tài chính đến dữ liệu cá nhân, thì rủi ro với an toàn dữ liệu và lạm dụng dữ liệu là cực kỳ lớn.

Chưa hết, khi các siêu ứng dụng kiểm soát ngày càng nhiều thông tin của người dùng, từ thông tin giao dịch tài chính đến dữ liệu cá nhân, thì rủi ro với an toàn dữ liệu và lạm dụng dữ liệu là cực kỳ lớn. Lấy ví dụ, người ta có thể phân tích dữ liệu cá nhân trên mạng xã hội và giao dịch tài chính để dự đoán mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro của một cá nhân, bất chấp rủi ro đó có quá khả năng tài chính của họ không, rồi đưa ra những sản phẩm tận dụng những hành vi chấp nhận rủi ro quá khả năng đó. Chẳng hạn, cho vay tiêu dùng lãi suất cao quá mức hoặc đưa ra những hợp đồng hợp tác cho vay, mà người dùng sẽ bỏ một số tiền vào để cùng “hợp tác” với công ty công nghệ cho vay những thương vụ rất rủi ro để đổi lại lãi suất cao.

Thứ duy nhất ngăn cản các công ty công nghệ đưa ra các sản phẩm khai thác sự thiếu cẩn trọng trong hành vi đầu tư cá nhân là đạo đức, vốn là khái niệm màu xám với các mạng xã hội và đại công ty công nghệ xưa nay. Các đại công ty này vốn đã rất quyền lực với những chiếc điện thoại iPhone, mạng xã hội Facebook, các dịch vụ tìm kiếm của Google, nền tảng thương mại điện tử Amazon. Nay họ nắm bắt thêm thói quen đầu tư và tiết kiệm của người dân, thì họ sẽ quyền lực như thế nào. Quyền lực càng lớn, thì sẽ càng dễ tha hóa. Sự phát triển trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo càng là đòn bẩy khiến quyền lực này lớn hơn với lượng dữ liệu khổng lồ mà các công ty này sở hữu.

Ví dụ, các ứng dụng của các công ty này có thể từ chối cho vay một doanh nghiệp vay chỉ vì sáng lập viên là người da đen. Ai có thể biết được liệu các mô hình trí tuệ nhân tạo của Amazon có phân biệt đối xử kiểu như vậy hay không? Khi mọi thứ có thể được đổ lỗi cho một hộp đen trí tuệ nhân tạo và kết quả của mô hình dự đoán trả ra có khi cũng là một điều bí ẩn với cả những người lập trình ra nó, thì không thể dễ dàng kết luận được có sự phân biệt đối xử hay thủ thuật kiếm lợi phi đạo đức nào được các mô hình toán đó tạo ra hay không.

Ngay cả người tạo ra các mô hình đó có thể cũng không lường hết được sau khi các dữ liệu được “đào bới” và kết hợp lại với nhau qua những mạng thần kinh dự đoán sâu (deep neural network), thì máy tính sẽ sử dụng thông tin gì để ra quyết định. Máy tính chỉ quan tâm một số hiệu quả cuối cùng, mà nhiều khả năng là lợi nhuận, bất chấp nó đạt đến kết quả đó bằng con đường nào. Các nhà quản lý thị trường trước nay vẫn đi sau những sáng tạo của giới tài chính. Nay, khi tài chính kết hợp với công nghệ, thì họ càng tụt lại phía sau.

Một trong những lo ngại khác là về vấn đề độc quyền. Nhiều công ty Fintech cạnh tranh dịch vụ tài chính qua công nghệ với Amazon lại đang dùng... dịch vụ đám mây của Amazon hay Google. Liệu Amazon hay Google có áp dụng một chính sách giá có lợi cho mảng tài chính của mình, khiến các đối thủ không thể cạnh tranh nổi về mặt chi phí và dần bị thôn tính?

Mặt khác, chỉ cần Amazon và Google độc quyền lượng dữ liệu khổng lồ và hiểu biết của họ về khách hàng, là họ đã đi trước biết bao nhiêu đối thủ cạnh tranh rồi. Và họ cũng có lượng tiền mặt khổng lồ hơn nữa. Vừa nhiều tiền, vừa nhiều dữ liệu, ai sẽ cạnh tranh bình đẳng được với họ? Người ta nói về Fintech như thể là các công ty nhỏ giúp người tiêu dùng tránh được sự độc quyền nhóm của các nhà băng lớn. Nhưng dường như nó đang tạo ra một con khủng long độc quyền nhóm càng lớn hơn trong lĩnh vực tài chính.

Big Tech Finance, vì vậy, cũng kế thừa đặc tính của Big Tech: độc quyền nhóm và sự bành trướng quyền lực ngày càng lớn của các đại công ty công nghệ. Và khi có khủng hoảng tài chính trong lĩnh vực Big Tech, ai sẽ dám để những con khủng long này bị tuyệt chủng? Nó có thể kéo theo sự sụp đổ của cả hệ thống rộng lớn hơn hệ thống tài chính với những cuộc khủng hoảng tài chính truyền thống.

Lời kết

Sự phát triển của những hệ thống tài chính mới trên các nền tảng công nghệ, dù là DeFi hay Big Tech Finance, tạo ra những cơ hội làm mới lại hệ thống tài chính cũ kỹ và buồn chán của thế giới. Nhiều người làm việc trên Wall Street đang đầu quân cho các dự án DeFi và công ty Big Tech, trong đó có các chuyên gia vận động hành lang với nhiều mối quan hệ mật thiết với các cơ quan quản lý. Một thế giới tài chính mới đang được hình thành bên cạnh thế giới tài chính truyền thống. Thế giới mới này hấp dẫn và đầy rủi ro như một miền Viễn Tây đầy mê hoặc và cạm bẫy. Người ta sẽ đổ đi đào vàng ở đó. Và nhiều người không thể trở về.

Tin bài liên quan