Vài năm trở lại đây, tín dụng trên thị trường tiền mã hóa đang trở nên hot. Ảnh: shutterstock
Thị trường tài chính dựa trên thị trường tiền mã hóa (crypto currencies) - một phần của một hệ sinh thái đặc biệt đang dần hình thành, với đủ loại thành phần trên đó, từ các định chế tài chính tập trung (CeFi - centralized finance) cho đến định chế tài chính phi tập trung (DeFi - decentralized finance).
Thật ra, DeFi là gì và vì sao người ta muốn có một hệ thống tài chính phi tập trung? Trong khi DeFi đang trở thành một trào lưu mạnh mẽ trong nền kinh tế tiền mã hóa, tiền số của ngân hàng trung ương phát hành và do Facebook phát triển cũng dự kiến ra đời trong năm nay. Xu thế thị trường tài chính dựa trên tiền mã hóa nói riêng và tiền kỹ thuật số nói chung trong tương lai sẽ như thế nào?
Bài 1: CeFi, DeFi và những rủi ro tiềm ẩn
Nhu cầu về một hệ thống tài chính tiền mã hóa phát sinh vì nhiều nhu cầu, trong đó có nhu cầu thanh toán, vay mượn, đầu tư của những người nắm giữ nhiều tiền mã hóa như tài sản đầu tư chính.
Trong gần một năm trở lại đây, vài người bạn của tôi dần tham gia một thị trường tín dụng đặc biệt: thị trường tín dụng trên thị trường tiền mã hóa. Nó là một phần của một hệ sinh thái đặc biệt đang dần hình thành, với đủ loại thành phần như CeFi, DeFi. Trong đó, các định chế DeFi đang là từ khóa rất “hot”, không chỉ trong giới tiền mã hóa nói riêng, mà còn trong cả giới công nghệ tài chính (fintech).
Trong một bài phỏng vấn gần đây với Bloomberg, Spencer Bogart của Blockchain Capital đã mạnh dạn nói rằng, DeFi là thứ mà fintech luôn muốn hướng tới. Vậy vì sao người ta muốn có một hệ thống DeFi? Nó liên quan đến thị trường tiền mã hóa nói riêng và tiền kỹ thuật số nói chung (bao gồm tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, hay tiền kỹ thuật số mà những công ty công nghệ lớn như Facebook muốn phát hành) như thế nào?
Tiền mã hóa và thị trường tài chính của nền kinh tế tiền mã hóa
Chúng ta hãy bắt đầu bằng một vài câu chuyện ngoài đời thật mà tôi biết. Tôi có một người em từng học ở Anh, đang làm việc ở Mỹ cho một công ty công nghệ với mức thu nhập hàng năm trên 300.000 USD. Tài sản của bạn này, ngoài xe hơi và cái nhà nhỏ đang ở, thì không có gì, dù thu nhập rất cao và mức chi tiêu của bạn ở mức tối giản. Vậy tiền đi đâu hết?
Bạn cho biết, bạn chỉ bỏ tiền mua Bitcoin, vì không tin mấy cổ phiếu mà mình giới thiệu đầu tư, bảo đó toàn là các công ty làm ảo thuật với số liệu lợi nhuận (bạn đang làm cho một công ty công nghệ, nhưng vẫn nghĩ như vậy!). Bạn cũng không thích mua trái phiếu hay vàng như thế hệ ba mẹ mình. Bạn thích mua Bitcoin vì gần gũi với nó, vì niềm tin rằng, chính phủ không thể in Bitcoin vô tội vạ và tài trợ cho những khoản chi tiêu công mà bạn nghĩ là cực kỳ lãng phí.
Mà không chỉ bạn trẻ như bạn nghĩ vậy. Tôi có một chị bạn khá thân ở Bắc Mỹ, chồng làm kỹ sư công nghệ, vợ làm giảng viên đại học, nhà không có tài sản gì ngoài... tiền mã hóa. Họ không tin vào tiền do chính phủ phát hành vì thấy lạm phát cao, vì chính phủ in tiền quá nhiều. Họ không có nhiều thời gian nghiên cứu mua nhà, mua cổ phiếu. “Coin” gần gũi với ông chồng, với niềm tin vào một loại tài sản tích trữ mà không bị các chính phủ chi phối nhiều. Người vợ thì tin nó là sản phẩm đầu tư tốt chống lại lạm phát.
Đây là hai ví dụ cho thấy vì sao nhiều người đang mua và giữ Bitcoin. Loại ra một bộ phận đám đông chạy theo tiền mã hóa chỉ vì lóa mắt với việc chúng lên giá nhiều, có một bộ phận ngày một nhiều những người có thu nhập trung bình cho đến cao đang mua và giữ tiền mã hóa như một loại tài sản tích trữ vì niềm tin. Và nhiều người trong số này là những người làm giàu lên từ công nghệ, hoặc đang làm việc trong thị trường tài chính, hoặc công việc liên quan đến công nghệ. Họ nhìn thấy xung quanh mình đang có một guồng máy chuyển động nhanh liên quan đến nó.
Một người bạn tôi làm cố vấn tài chính cho những triệu phú đô-la trẻ, những người đang làm thuê cho các công ty công nghệ của Mỹ giải thích rằng, các bạn trẻ nhạy bén với công nghệ này nhìn chung tin vào tiền mã hóa cũng như người già tin vào nhà đất, trái phiếu, hay vàng vậy. Một số chuyên trang tài chính đã gọi Bitcoin là vàng số của tương lai và Cathie Wood, CEO của Quỹ Ark Investment, tổ chức đang quản lý trên 50 tỷ USD của nhà đầu tư, là một đại diện tiêu biểu.
Vấn đề là khi càng nhiều người nắm giữ tiền mã hóa như một loại tài sản tích trữ thay vì vàng, nhà đất hay chứng khoán, thì tất yếu xuất hiện một nền kinh tế tiền mã hóa (crypto economy). Và ở trung tâm của hệ sinh thái tiền mã hóa chính là một hệ thống tài chính tiền mã hóa (crypto finance).
Hệ thống tài chính tiền mã hóa: từ CeFi đến DeFi
Nhu cầu về một hệ thống tài chính tiền mã hóa phát sinh vì nhiều nhu cầu, trong đó có nhu cầu thanh toán, vay mượn, đầu tư của những người nắm giữ nhiều tiền mã hóa như là tài sản đầu tư chính của họ.
Sự phát triển ban đầu của hệ thống tài chính này bắt đầu từ các sàn giao dịch tiền mã hóa. Để đa dạng hóa nguồn thu, một số sàn giao dịch này cung cấp thêm dịch vụ tài chính tiền mã hóa tập trung (CeFi), như cho vay.
Ví dụ, hiện tại, bạn có thể vay 1.000 đồng USDT với lãi suất cố định 15-18%/năm trên sàn giao dịch Huobi và tài sản thế chấp là một lượng đồng Bitcoin nhất định (ở thời điểm viết bài này, thì mức cần thế chấp là khoảng 0,05 Bitcoin). Tất nhiên, cho vay trên thị trường này có những rủi ro nhất định như: nếu Huobi biến mất thì sao, ai sẽ thực thi hợp đồng cho vay này cho bạn; nếu người vay không trả tiền, Huobi sẽ làm sao bảo đảm lợi ích người cho vay?
Từ giữa năm 2020, một xu thế mới đã lấn át dịch vụ CeFi và giải quyết một phần trở ngại đó, gọi là DeFi. Theo định nghĩa của Chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại St Louis, DeFi là thuật ngữ dùng để chỉ các hạ tầng tài chính thay thế (alternative financial infrastructure) được xây dựng trên cơ sở công nghệ chuỗi khối (blockchain). Hệ thống này sử dụng các hợp đồng thông minh (smart contract) tạo ra các giao thức tương tự các dịch vụ tài chính hiện có, nhưng mở, minh bạch và ít cần sự can thiệp của con người hơn. Một trong những ví dụ ứng dụng đang mọc lên như nấm sau mưa là các ứng dụng hợp đồng thông minh trong các lĩnh vực thanh toán, tín dụng, đầu tư và hợp đồng bảo hiểm.
Theo số liệu của The Graph và Glassnode, giá trị thị trường cho vay DeFi đã tăng mạnh từ khoảng 9 tỷ USD vào đầu năm 2021, lên đến 31 tỷ USD vào cuối tháng 4. Tuy số tuyệt đối là khiêm tốn, nhưng mức tăng trưởng của thị trường tín dụng này là niềm mơ ước của các định chế tài chính phi ngân hàng.
Nếu bạn lên một trang giao dịch DeFi như Aave, bạn có thể thấy niêm yết rõ ràng lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay, lãi suất cho vay thả nổi, cho vay cố định. Và đặc biệt, thủ tục vay, cầm cố vô cùng nhanh gọn, có thể hoàn tất trong chỉ 30 phút (chỉ cần kết nối ví tiền mã hóa vào để xác định lượng tài sản cầm cố). Các hợp đồng thông minh sẽ góp phần đảm bảo các thủ tục trả lãi, bán tài sản cầm cố nếu chậm trả nợ, tính lãi phạt của việc chậm trả nợ… diễn ra tự động. Nhiều khoản cho vay này liên quan đến các đồng tiền mã hóa ổn định (stable coin), được neo vào USD, do đó người đi vay cũng không lo sợ “biến động tỷ giá”.
Điều này đồng nghĩa là khoản vay được thực hiện mà không có sự tham gia của các nhân viên tín dụng, môi giới (ví như, trong cho vay mua nhà ở Anh và Mỹ, sẽ có nhân viên môi giới và tư vấn tín dụng cho vay mua nhà). Đây là một sự tiết kiệm rất nhiều yếu tố trung gian, cũng như tiết kiệm chi phí cho các tổ chức đứng ra kết nối người vay với người gửi tiền.
Thị trường này hoạt động 24/24 để đáp ứng mọi nhu cầu tài chính, không có sự kỳ thị chủng tộc, giới tính, tuổi tác… trong chuyện cho vay. Bạn có tài sản cầm cố, bạn có thể vay. Thủ tục nhanh gọn, không có nhân viên trung gian, cắt giảm rất nhiều chi phí không cần thiết. Người vay, người cho vay và ngay cả tổ chức lập sàn giao dịch kết nối để hưởng lợi (vì họ chỉ tốn chừng đó chi phí dù cho vay 300 hay 300 triệu khoản vay, không cần trả lương cho mấy trăm nhân viên chăm sóc khách hàng, mà còn giảm thiểu rủi ro do sai sót của con người như chuyện chuyển nhầm mấy chục triệu USD tiền trả lãi như Citibank gần đây).
Spencer Bogart của Blockchain Capital đã nói hơi khoa trương rằng, DeFi là một hệ thống mà tất cả đều thắng. Một phần trong đó là có lý (ít nhất là đến lúc này). Và các cơ quan quản lý của Mỹ đã ngầm thừa nhận điều đó qua việc xem các giấy phép hoạt động của các định chế tài chính liên quan đến tiền mã hóa là dạng định chế tài chính phi ngân hàng, hay thường gọi là “ngân hàng ngầm” (shadow banking), nghĩa là xếp chung nó với các tổ chức chính thống như công ty tài chính, quỹ đầu tư có hoạt động cho vay.
Thế nhưng, liệu tất cả đều là màu hồng? DeFi vẫn có những rủi ro tiềm ẩn của nó. DeFi không đại diện cho cả thế giới tài chính dựa trên nền tảng blockchain. Vẫn còn đó một thế lực tiềm ẩn đáng sợ hơn nhiều, nhưng không nổi bật trên truyền thông. Đó là dịch vụ tài chính do các công ty công nghệ lớn như Amazon, Facebook hay Google cung cấp dựa trên những đồng tiền ổn định (stablecoin) mà họ phát hành. Người ta gọi đó là các dịch vụ tài chính của đại công ty công nghệ (Big Tech Finance). Và tất nhiên, còn cả dịch vụ tài chính liên quan đến các đồng tiền kỹ thuật số của các chính phủ dự kiến sẽ phát hành thử nghiệm trong năm nay nữa. Thời kỳ chiến quốc của thị trường tài chính tiền số đã bắt đầu.
(Còn tiếp)