Ông Đỗ Ngọc Quỳnh.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh.

Thị trường tài chính phải đi bằng… ba chân

(ĐTCK-online) Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng, thị trường tài chính (TTTC) đang hoạt động "khập khiễng": trong khi thị trường tín dụng và TTCK đã tương đối phát triển, thì thị trường nợ, mà cốt yếu là thị trường trái phiếu (TTTP) vẫn chưa có chính sách phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó, TTTC được ví như "mạch máu" của nền kinh tế, cần được chọn là ưu tiên cải cách số một trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế chuyển dịch tăng trưởng theo chiều sâu.

Thưa ông, vì sao việc tái cấu trúc TTTC nên được coi là ưu tiên số một trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế?

Do điều kiện lịch sử nên Việt Nam đã không thể chú trọng phát triển sớm TTCK và thị trường nợ. Do đó, TTTC trong một thời gian dài chủ yếu dựa vào hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM). Điều này dẫn đến hầu hết nhu cầu vốn đầu tư để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như của DN phải trông chờ quá nhiều vào hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, ở mỗi giai đoạn và phương án kinh doanh khác nhau, DN luôn có nhu cầu sử dụng vốn với tính chất và đặc điểm rất khác nhau, mà nếu phải phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, thì cả DN lẫn ngân hàng, rộng hơn là nền kinh tế luôn phải chịu những rủi ro như: căng thẳng thanh khoản của các ngân hàng, DN khó tiếp cận nguồn vốn thích hợp, chi phí vốn cao… Việc phát triển đồng bộ các cấu phần của TTTC sẽ tạo thế chân kiềng, hình thành cấu trúc cân bằng hợp lý cho TTTC, qua đó giảm chi phí huy động vốn cho nền kinh tế, đồng thời tăng khả năng chống chọi với khủng hoảng.

 

Theo ông, những ưu tiên nào cần thực thi để thúc đẩy TTTP phát triển mạnh mẽ hơn?

Cần tạo được sự thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của việc tái cấu trúc TTTC theo hướng đảm bảo sự phát triển đồng bộ của ba thị trường: tín dụng, TTCK và TTTP. Chiến lược tái cấu trúc TTTP cần được cụ thể hoá trong nghị quyết hành động của Chính phủ, trong đó phải đưa ra được những mục tiêu cơ bản mà thị trường này phải đạt được trong thời gian bao lâu. Nếu chỉ dừng lại ở những định hướng chung chung, không có một cơ quan nào chịu trách nhiệm đến cùng trong điều hành phát triển TTTP, thì thị trường sẽ khó được cải thiện. Nhìn vào trách nhiệm điều hành TTTP hiện tại, có vẻ như đang tồn tại tình trạng mỗi cơ quan chịu trách nhiệm một phần, mà chưa rõ ai là đầu mối chịu trách nhiệm chính và đến cùng cho sự phát triển toàn diện của thị trường. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính về hoạt động của TTTP sơ cấp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo dõi hoạt động giao dịch repo trái phiếu trên thị trường thứ cấp giữa NHNN với các NHTM và giữa các NHTM với nhau, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) hay cụ thể là Sở GDCK Hà Nội theo dõi hoạt động giao dịch mua, bán trái phiếu niêm yết trên sàn giao dịch trái phiếu chuyên biệt. Thực tế này đang dẫn đến việc khó tập hợp được nguồn lực, cũng như khó thống nhất mục tiêu trong công tác điều hành, để tạo động lực cho TTTP phát triển hiệu quả. Muốn cải thiện tình trạng này, việc hình thành một cơ quan, có thể là một uỷ ban hoặc nhóm công tác liên bộ của Chính phủ về phát triển TTTP, với đại diện gồm Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN, UBCK, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam là hết sức cần thiết. Đứng đầu uỷ ban hay nhóm công tác này ít nhất nên là một thứ trưởng, hoặc là một bộ trưởng càng tốt, để có điều kiện chỉ đạo, chịu trách nhiệm đến cùng việc điều hành sự phát triển của TTTP.

 

Ngoài các biện pháp vừa nêu, theo ông, nên ưu tiên triển khai các giải pháp kỹ thuật nào để cải thiện tính thanh khoản cho TTTP?

Chính phủ nên ưu tiên thực hiện 2 giải pháp chính. Thứ nhất, tập trung tái cấu trúc các trái phiếu đang lưu hành trên thị trường để chuẩn hóa, nâng cao chất lượng hàng hóa cho TTTP. Thứ hai, trên thị trường thứ cấp, Chính phủ mà cụ thể là NHNN, nên ưu tiên xem xét thực hiện giải pháp nâng cao uy tín và đảm bảo thanh khoản cho trái phiếu chính phủ (TPCP) đã được phát hành thông qua hoạt động repo TPCP giữa NHNN với NHTM. Nếu các NHTM nắm giữ TPCP, thì sẽ luôn được NHNN đảm bảo khả năng chuyển đổi từ trái phiếu ra tiền tối thiểu ở kỳ hạn qua đêm thông qua nghiệp vụ thị trường mở, mà không giới hạn số lượng. TPCP được phát hành bằng đồng nội tệ, theo thông lệ quốc tế phải được xếp hạng rủi ro bằng không, vì là tài sản do Chính phủ phát hành, có mức tín nhiệm quốc gia.

 

Tính khả thi của những ý tưởng trên đến đâu, theo ông?

Theo tôi, các giải pháp trên là khả thi. Với những chính sách điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, tình hình kinh tế vĩ mô đang trong đà phát triển ổn định, môi trường đầu tư có tính cạnh tranh…, là tiền đề để duy trì và thu hút sự quan tâm của các NĐT trái phiếu. TTTP Việt Nam còn non trẻ và có quy mô nhỏ so với nền kinh tế (tổng số dư trái phiếu đang lưu hành trên TTTP chỉ chiếm khoảng 15% GDP so với mức trên 30% GDP của các nước đang phát triển) nên thuận lợi trong triển khai cải cách. Năm ngoái, Quốc hội thông qua Luật Quản lý nợ công, tiếp đó là thành lập Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính, là những bước đi phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho phát triển TTTP. Việc hình thành cơ quan này đảm bảo ghi nhận minh bạch các khoản nợ của Chính phủ, qua đó giúp NĐT lường được kế hoạch phát hành trái phiếu để chủ động đưa ra chiến lược kinh doanh.