Thị trường lao dốc
Mở cửa phiên giao dịch ngày 9/3, có thời điểm giá dầu thô Brent lao dốc xuống mức 31,02 USD/thùng, giảm 31,5% so với giá đóng của phiên trước đó. Dầu thô WTI cũng giảm mạnh xuống mức 27,72 USD/thùng.
Theo Bloomberg, việc việc giá dầu giảm hơn 30% là mức giảm mạnh chỉ sau mức giảm lịch sử khi thị trường sụp đổ vào năm 1991, thời điểm diễn ra Chiến tranh Vùng Vịnh.
Thị trường tài chính châu Á ngay lập tức cũng đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Kết thúc phiên 9/3, chỉ số Nikkei giảm 5,07% xuống 19698,76 điểm, phá mốc tâm lý quan trọng 20.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 1 năm ngoái. Chỉ số TOPIX cũng giảm 5,61% xuống còn 1388,97 điểm.
Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông bốc hơi 3,9%, tương đương hơn 1.000 điểm. Diễn biến tiêu cực cũng diễn ra trên các sàn giao dịch chứng khoán tại Trung Quốc đại lục, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và Thái Lan.
Theo giới phân tích, sự sụp đổ của giá dầu dẫn tới việc bán tháo trên các thị trường chứng khoán hôm nay. Tại Hồng Kông, cổ phiếu của gã khổng lồ dầu khí trung Quốc Petrochina lao dốc gần 10%, cổ phiếu của Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) cũng giảm bạnh 17%.
Trên thị trường chúng khoán Nhật Bản, cổ phiếu của Japan Petroleum Exploration giảm 12,69%. Trong khi đó, cổ phiếu của Saudi Aramco đã giảm 10%, xuống còn khoảng 7,2 USD/cổ phiếu, lần đầu rơi xuống mệnh giá kể từ khi cổ phiếu của tập đoàn này bắt đầu giao dịch kể từ tháng 12/2019.
Trên thị trường ngoại hối, đồng RUB của Nga mất giá mạnh, lần đầu tiên sau 4 năm giao dịch ở mức 75 RUB đổi 1 USD và 85 USD đổi 1 EUR.
Thỏa thuận của OPEC+ vô nghĩa đối với Nga
Trước đó, trong cuộc họp vào ngày 6/3, các quốc gia OPEC+ không thể đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm thêm sản lượng dầu mỏ hoặc gia hạn thêm thỏa thuận đang thực hiện hiện tại. Do đó, từ ngày 1/4, các hạn chế về sản lượng dầu sẽ hết hạn.
OPEC đã đề xuất giảm thêm 1,5 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm 2020. Tuy nhiên, Nga và Kazakhstan đã phản đối đề xuất này.
Rosneft, tập đoàn dầu khí thuộc sở hữu của chính phủ Nga, cho biết, thỏa thuận do OPEC đề ra không phục vụ cho lợi ích của Nga, vì sản lượng cắt giảm được thay thế bởi những “người chơi” ngoài thỏa thuận, còn những các nước tham gia thỏa thuận thì mất cơ hội phát triển trong ngành công nghiệp năng lượng.
“Trong giai đoạn đầu, thỏa thuận này đóng vai trò tích cực như một yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, thực tế là sau những lần thỏa thuân của OPEC+ được gia hạn, tất cả sản lượng dầu bị cắt giảm được thay thế hoàn toàn và nhanh chóng trên thị trường thế giới bởi khối lượng dầu đá phiến của Mỹ”, ông Mikhail Leontyev, đại diện Tập đoàn Rosneft, cho biết.
“Mỹ và các quốc gia khác ngoài phạm vi của thỏa thuận OPEC + luôn sẵn sàng tăng sản lượng. Do đó, từ quan điểm về lợi ích của Nga, thỏa thuận này đơn giản là vô nghĩa", ông Leontyev nói thêm.
Ả Rập Xê-út khai chiến
Trong bối cảnh thỏa thuận với OPEC bất thành, Ả Rập Xê-út đã đưa ra kế hoạch tăng sản lượng lên 10 triệu thùng mỗi ngày và nếu cần thiết sẽ đạt mức kỷ lục 12 triệu, theo Bloomberg.
Wall Street Journal trích dẫn các nguồn tin trong nội bộ OPEC và một số nhà chức trách Ả Rập Xê-út giấu tên cho biết, động thái của Saudi Aramco nhằm mục đích làm suy yếu vị thế của Nga trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Theo Wall Street Journal, Saudi Aramco đang thực hiện một kế hoạch nhằm giành lấy phân khúc thị trường của Nga. Ngoài động thái tăng sản lượng thì vào hôm 7/3, lãnh đạo của Saudi Aramco đã thông báo, bắt đầu từ tháng 4 sẽ giảm phí vận chuyển dầu cho Mỹ 7 USD/thùng, cho các nước Bắc Âu 8 USD/thùng, và cho các nước Đông Á và Đông Nam Á 6 USD/thùng.
Các quan chức Saudi nói với Wall Street Journal rằng, việc giảm giá nhằm trực tiếp làm suy yếu các vị thế của Nga và đồng thời nhấn mạnh, động thái được đưa ra sau thất bại trong các cuộc đàm phán về việc giảm thêm sản lượng dầu của các nước OPEC+.
Đà giảm vẫn chưa kết thúc
Alan Lee, nhà phân tích người Hồng Kông tại Atta Capital, cho rằng, thị trường đang “sốc” trước kế hoạch gia tăng sản lượng của Ả Rập Xê-út và việc giá dầu lao dốc đã gây ra áp lực bán tháo lên các thị trường tài sản khác.
Tai Hui, nhà phân tích thị trường châu Á hàng đầu của JPMorgan Asset Management, dự báo, thị trường sẽ biến động mạnh mẽ trong thời gian tới. "Rủi ro dầu tiếp tục giảm giá sẽ ảnh hưởng đến cổ phiếu của các công ty năng lượng. Trước đó thì hầu hết trong số này cũng đã lao dốc do lo ngại nhu cầu dầu giảm trên thị trường", ông Tai cho biết.
Trong khi đó, Ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ Goldman Sachs dự báo, giá dầu có thể giảm xuống 20 USD/thùng trong bối cảnh tình hình bất ổn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu hiện nay.