Thị trường tài chính 24h: Quan chức Fed báo tin vui cho thị trường tài chính

Thị trường tài chính 24h: Quan chức Fed báo tin vui cho thị trường tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng thêm gần 9 điểm; Vàng lấp lánh trong "tâm bão"; Chợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Giảm nhà đầu tư cá nhân để tránh hậu họa; “Đãi chứng trường” tìm cổ phiếu mạnh; Quan chức Fed: Thời điểm cân nhắc điều chỉnh lãi suất đã đến… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 19/8 không đổi so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 78,00 – 80,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng mạnh 51,6 USD lên 2.508,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và đi ngang gần ngưỡng 2.500 USD/ounce cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,17 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 19/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.261 đồng/USD, tăng 7 đồng so với ngày cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.820 – 25.160 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ từ 59.700 lên 59.800 USD, thì sang ngày hôm nay đã đi ngang trước khi có nhịp giảm khá mạnh về 58.100 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,73 USD (-0,95%), xuống 75,92 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,65 USD (-0,82%), xuống 79,03 USD/thùng.

VN-Index tăng lên trên 1.260 điểm

Thị trường tiếp tục tăng điểm từ sớm, dù vẫn còn khá thận trọng khi áp lực rung lắc diễn ra và thanh khoản chững lại.

Sau giờ nghỉ trưa, các bluechip vẫn là động lực tiếp sức chính cho thị trường duy trì đà khởi sắc, tuy nhiên, áp lực bán ở mức giá cao luôn thường trực đã khiến VN-Index khó tăng tốc và khép lại phiên ghi nhận mức tăng hơn 9 điểm lên trên mốc 1.260 điểm.

Mặc dù vậy, thị trường cũng phát đi một số tín hiệu đáng lo lắng như áp lực bán đang khiến số mã giảm điểm gia tăng mạnh, trong đó nhóm chứng khoán đảo chiều và thanh khoản chung sụt giảm mạnh và nhà đầu tư ngoại trở lại bán ròng hàng trăm tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 19/8: VN-Index tăng 9,39 điểm (+0,75%), lên 1.261,62 điểm; HNX-Index tăng 0,86 điểm (+0,37%), lên 236,01 điểm; UPCoM-Index tăng 0,28 điểm (+0,3%), lên 93,72 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Sáu (16/8) và ghi nhận tuần tốt nhất kể từ đầu năm nhờ kỳ vọng cao vào khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong tháng tới.

Trong tuần, Dow Jones tăng 2,9%, S&P 500 tăng 3,9%, tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2023, còn Nasdaq Composite vọt 5,2%,

Cổ phiếu Nvidia nằm trong số những cổ phiếu công nghệ tăng mạnh nhất trong tuần này với mức tăng hơn 18%. Cổ phiếu Apple và Microsoft lần lượt tăng 4% và 3% trong tuần.

Kết thúc phiên 16/8: Chỉ số Dow Jones tăng 96,70 điểm (+0,24%), lên 40.659,76 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,03 điểm (+0,20%), lên 5.554,25 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 37,22 điểm (+0,21%), lên 17.631,72 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh, sau chuỗi năm mạnh năm phiên liên tiếp trước đó.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,77% xuống 37.388,62 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,4% xuống 2.641,14 điểm.

Chỉ số Nikkei 225 đã tăng 8,7% trong tuần trước, đánh dấu mức tăng một tuần lớn nhất kể từ tháng 4/2020.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, trong ngày xuất hiện động thái đáng chú ý của cơ quan chức năng về dòng vốn ngoại.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,49% lên 2.893,67 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,34% lên 3.356,97 điểm.

Các sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc đã bất ngờ dừng cung cấp dữ liệu thời gian thực về dòng vốn nước ngoài, tước đi thước đo tâm lý của các nhà đầu tư trong nước. Một động thái được cho là tìm cách giảm nhẹ ảnh hưởng của các nhà đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh dòng vốn chảy ra liên tục.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, khi giới đầu tư nhận thấy sự lạc quan ở nhiều thị trường châu Á về triển vọng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,71% lên 17.554,17 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,95% lên 6.220,55 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi giới đầu tư có phần thận trọng trước một loạt các sự kiện chính sách tiền tệ sẽ diễn ra trong tuần này.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 22,87 điểm, tương đương 0,85% xuống 2.674,36 điểm.

Các sự kiện được chú ý nhất trong tuần này là việc Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ mới nhất và Chủ tịch Jerome Powell dự kiến sẽ có bài phát biểu thường niên tại Jackson Hole.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ có họp bàn về lãi suất vào thứ, sau khi đã giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 15 năm là 3,5% vào tháng 7.

Kết thúc phiên 19/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 674,05 điểm (-1,77%), xuống 37.388,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,24 điểm (+0,49%), lên 2.893,67 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 131,49 điểm (+0,75%), lên 17.561,65 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 22,87 điểm (-0,85%), xuống 2.674,36 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Vàng lấp lánh trong "tâm bão"

Giá vàng hiện có mức tăng mạnh so với đầu năm nay, nhưng với những bất ổn liên quan tới căng thẳng địa chính trị và nguy cơ suy thoái kinh tế trên thế giới, nhu cầu “trú ẩn” vào vàng được nhận định sẽ gia tăng, giúp giá kim loại quý này tiếp tục đi lên..>> Chi tiết

- Chợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Giảm nhà đầu tư cá nhân để tránh hậu họa

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, nên giảm dần tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, nếu không sẽ gây hậu quả lớn..>> Chi tiết

- “Đãi chứng trường” tìm cổ phiếu mạnh

Các thông tin tiêu cực được cho rằng đã phản ánh vào giá cổ phiếu nhưng nhiều môi giới kỳ cựu, chuyên gia phân tích đều nhìn nhận dòng tiền yếu nên chỉ số VN-Index chưa thể phục hồi nhanh được..>> Chi tiết

- Quan chức Fed: Thời điểm cân nhắc điều chỉnh lãi suất đã đến

Bà Mary Daly, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh San Francisco, cho rằng cơ quan này cần từ từ hạ lãi suất. Phát biểu của bà Daly diễn ra giữa bối cảnh các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương toàn cầu chuẩn bị cho cuộc họp thường niên ở Wyoming, Mỹ trong tuần này..>> Chi tiết

Tin bài liên quan