Thị trường tài chính 24h: Niềm hứng khởi qua mau

Thị trường tài chính 24h: Niềm hứng khởi qua mau

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index thu hẹp đáng kể đà tăng; Dự báo sớm tình hình tín dụng 6 tháng cuối năm; Những ngành hưởng lợi từ sửa Nghị định 20/2017; Cổ phiếu nào sắp vào rổ VN30?; Băn khoăn bài toán tăng vốn tại nhiều doanh nghiệp; Chứng khoán châu Á gặp áp lực chốt lời; Chứng khoán Mỹ có Fed... chứng khoán Trung Quốc có truyền thông thúc đẩy...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô 

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 7/7 tăng 130.000 đồng/lượng chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã giảm trở lại 70.000 đồng/lượng, hiện niêm yết ở mức 49,70 – 50,17 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 10,7 USD lên 1.785,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hạ nhiệt nhanh và về gần 1.775 USD/ounce vào cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex New York giảm 8,9 USD xuống 1.784,6 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,30% lên 97,02 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 7/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.222 đồng, giảm 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.100 - 23.280 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,50 USD (-1,23%), xuống 40,13 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,42 USD (-0,97%), xuống 42,68 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

Nhà đầu tư mừng hụt khi VN-Index thu hẹp đáng kể đà tăng

Việc nhiều mã rơi về vùng giá thấp đã kích thích dòng tiền chảy mạnh trở lại, và kéo thị trường có thời điểm tăng gần 11 điểm lên 870 điểm.

Tuy nhiên, tại ngưỡng cản mạnh này, sức ép đã gia tăng khiến VN-Index thu hẹp đáng kể đà tăng khi đóng cửa, chỉ còn nhích nhẹ hơn 2 điểm. Tuy nhiên, điểm tích cực là thanh khoản đã tăng mạnh trở lại.

HPG giao dịch ấn tượng nhất +2,7%, khớp hơn 28 triệu đơn vị. Ngoài ra, SAB +2,5%, CTG +1,7%, VRE +,3%, FPT +1,4%, CTD +1,9%...

Nhóm cổ phiếu thị trường, đa phần giảm như FLC, HSG, HQC, HAG, HBC, ROS, DXG, ITA, AMD, HAI, DLG, LDG…

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 183.020 đơn vị. Tuy nhiên, tổng giá trị vẫn là mua ròng 50,23 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 7/7: VN-Index tăng 2,26 điểm (+0,26%) lên 863,42 điểm; HNX-Index tăng 0,64,15 điểm (+0,56%), lên 113,71 điểm; UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,22%), xuống 56,35 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Báo cáo của Viện quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cho biết, chỉ số ISM trong lịch vực dịch vụ của Mỹ trong tháng 6 tăng vọt lên mức 57,1 điểm, từ mức 45,4 của tháng 5 và là mức cao nhất kể từ tháng 2.

Ngoài ra, kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh hơn dự báo của kinh tế Trung Quốc, cùng với sự bùng nổ trước đó của chứng khoán nước này cũng giúp giới đầu tư phố Wall tự tin xuống tiền, đẩy các chỉ số chính của phố Wall tăng mạnh trong phiên đầu tuần mới, trong đó Nasdaq một lần nữa lên mức cao nhất mọi thời đại.

Kết thúc phiên 6/7, chỉ số Dow Jones tăng 459,67 điểm (+1,78%), lên 26.287,03 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 49,71 điểm (+1,59%), lên 3.179,72 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 226,02 điểm (+2,21%), lên 10.433,65 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đi xuống, do chịu sức ép từ dữ liệu chi tiêu hộ gia đình giảm, mặc dù vậy, đà giảm được hạn chế phần nào nhờ cổ phiếu lớn SoftBank Group khởi sắc.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,44% xuống 22.614,69 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,34% xuống 1.571,71 điểm.

Dữ liệu cho thấy, chi tiêu hộ gia đình của Nhật Bản đã giảm 16,2% trong tháng 5 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến các gia đình cắt giảm lớn các khoản chi tiêu cho khách sạn, giao thông và ăn uống.

Điểm sáng phiên hôm nay là cổ phiếu của ông lớn SoftBank, tăng 4,6% lên lên 6.190 yên (58 USD)/cổ phiếu, sau khi bắt đầu đợt mua lại cổ phiếu gần đây và giảm sở hữu tại nhiều công ty con.

Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục tăng, khi thị trường tăng mạnh gần đây đã kích thích lòng tham từ các nhà đầu tư cá nhân, nhưng đà đi lên bị chặn lại khá nhiều do áp lực chốt lời.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,37% lên 3.345,34 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 6/2/2018.

Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,6% lên 4.698,13 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 25/6/2015.

Hoạt động giao dịch diễn ra điên cuồng, với khoảng 65,78 tỷ cổ phiếu được giao dịch, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 30 ngày gần nhất chỉ là 25,45 tỷ cổ phiếu mỗi ngày.

Thị trường đang hoạt động tốt vì có một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang cải thiện, nếu bạn nhìn vào số PMI, doanh số bán lẻ, lợi nhuận của ngành, ông Tai Tai Hui, chiến lược gia thị trường châu Á tại JP Morgan Asset Management nhận định.

Chứng khoán Hồng Kông đã giảm khi giới đầu tư quyết định chốt lời sau vài phiên tăng mạnh gần đây.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,38% xuống 25.975,66 điểm, sau khi tăng tới 1,68% trong phiên sáng. Chỉ số này tăng 8,39% trong 4 phiên trước đó.

Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,18% xuống 10.600,41 điểm.

Khối lượng giao dịch gần gấp đôi mức trung bình 30 ngày của thị trường, với khoảng 3,91 tỷ cổ phiếu được giao dịch.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng gặp áp lực chốt lời sau liên tiếp 3 phiên tăng và cảnh báo mới về Covid-19 tại Mỹ làm suy yếu tâm lý giới đầu tư.

Lo lắng về làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 trở lại, sau khi quan chức y tế Mỹ, ông Anthony Fauci cho biết tình trạng hiện tại của dịch bệnh đã thêm phần nghiêm trọng khi số ca tử vong vượt quá 130.000 ca.

Kết thúc phiên 7/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 99,75 điểm (-0,44%), xuống 22.614,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 12,46 điểm (+0,37%), lên 3.345,34 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 363,50 điểm (-1,38%), xuống 25.975,66 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 23,76 điểm (-1,09%), xuống 2.164,17 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Dự báo sớm tình hình tín dụng 6 tháng cuối năm

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 6/2020, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 3,26%, bằng nửa năm ngoái và còn rất xa mục tiêu 14% cả năm..>> Chi tiết

Những ngành hưởng lợi từ sửa Nghị định 20/2017

Ngày 24/06/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20/2017 với một số nội dung quan trọng..>> Chi tiết

Cổ phiếu nào sắp vào rổ VN30?

CTD, BVH có thể rời khỏi rổ VN30 vì không đáp ứng giá trị vốn hóa và tỷ lệ free-float trong khi KDH, GEX, TPB cạnh tranh suất thay thế..>> Chi tiết

Băn khoăn bài toán tăng vốn tại nhiều doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp đã và đang lên kế hoạch chào bán cổ phiếu tăng vốn trong năm nay. Phía sau không ít kế hoạch tăng vốn này là những băn khoăn của nhà đầu tư..>> Chi tiết

Chứng khoán Mỹ có Fed... chứng khoán Trung Quốc có truyền thông thúc đẩy

Giới chuyên gia cho biết, hai yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu tăng mạnh trong phiên 6/7: sự lạc quan về Trung Quốc cùng kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ hỗ trợ thị trường..>> Chi tiết

Tin bài liên quan