Thị trường tài chính 24h: Lãi vay không dễ giảm

Thị trường tài chính 24h: Lãi vay không dễ giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng hơn 14 điểm; Ngân hàng lãi to, nhưng không dễ giảm lãi vay; Mở đường cho thoái vốn, cổ phần hóa; Chứng khoán giảm mạnh, nhà đầu tư mới có nên tham gia thị trường?; Chứng khoán châu Á phân hóa; Chủ tịch Fed: Chưa sớm thay đổi chính sách và kỳ vọng lạm phát sẽ ở mức vừa phải... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 15/7 tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,85 – 57,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 20 USD lên 1.827,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá tiếp tục tăng, nhưng khi lên gần 1.835 USD/ounce đã đổ đèo và về dưới 1.825 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,04% xuống 92,38 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.203 đồng, giảm 1 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.920 - 23.120 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,83 USD (-1,13%), xuống 72,30 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,69 USD (-0,92%), xuống 74,07 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua nhích lên gần 33.000 USD thì sang phiên hôm nay giao dịch chủ yếu giằng co, nhưng bất ngờ có nhịp sụt giảm mạnh về cuối ngày xuống gần 32.000 USD/BTC.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tăng hơn 14 điểm

Ngày hôm nay là đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 7, nên diễn biến phiên ATC dự báo có đột biến, tuy nhiên mức biến động đã diễn ra không quá lớn. VN-Index chỉ giảm vài điểm ở phiên đóng cửa, về dưới 1.295 điểm, giúp thị trường có phiên tăng điểm khá tốt.

Điểm đáng chú ý nhất là thanh khoản. Trong phiên sáng, giao dịch rất cầm chừng và lực cầu chỉ xuất hiện ở giá đỏ do lo ngại lượng hàng T+3 về tài khoản.

Chỉ sang phiên chiều khi lực bán ra yếu thì lực cầu giá xanh mới xuất hiện kéo chỉ số lên. Do mất cả phiên sáng cầm chừng nên dù phiên chiều sôi động vẫn tạo ra một phiên điểm tăng nhưng thanh khoản sụt rất mạnh.

Đa phần các bluechip đã nới đà tăng, và nổi bật nhất là SBT, khi được kéo lên mức giá trần +6,9%. Tăng mạnh còn ở SSI +5,3% lên 53.700 đồng, HPG +3,3% lên 46.500 đồng.

Dòng bank đa số tăng mạnh với SSB +5,5%, STB +5,1%, OCB +4,6%, VPB +4,1%, CTG +3,9%, ACB +3,1%, MSB +2,7%, TCB +2,2%, LPB +2,2%, TPB +2,1%.

Cổ phiếu DXS kết thúc ngày đầu tiên giao dịch trên HNX bằng một phiên giảm sâu, mất 9,4% xuống 29.000 đồng, khớp hơn 5,22 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 21,57 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 744 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 15/7: VN-Index tăng 14,01 điểm (+1,09%), lên 1.293,92 điểm; HNX-Index 9,45 điểm (+3,18%), lên 306,3 điểm; UpCoM-Index tăng 0,42 điểm (+0,49%), lên 84,98 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall lấy lại đà tăng vào thứ Tư (14/7) nhờ những bình luận trấn an từ Chủ tịch Fed - Jerome Powell.

Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Mỹ hôm thứ Tư, ông Jerome Powell cho biết, chính sách tiền tệ sẽ là yếu tố “hỗ trợ mạnh mẽ” nền kinh tế Mỹ “cho đến khi đạt được sự phục hồi hoàn toàn”, đồng thời ông khẳng định, đà tăng gần đây của lạm phát chỉ là tạm thời và Fed cần tập trung vào việc kéo thêm nhiều người trở lại làm việc.

Mặt khác, thị trường cũng đón nhận báo cáo kết quả kinh doanh vượt trội trong quý II của các ngân hàng lớn theo cách khác nhau trong phiên đêm qua. Bank of America giảm 2,5%, Wells Fargo tăng 4% trong khi Citigroup giảm 0,3%.

Kết thúc phiên 14/7, chỉ số Dow Jones tăng 44,44 điểm (+0,13%), lên 34.933,23 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,09 điểm (+0,12%), lên 4.374,30 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 32,70 điểm (-0,22%), xuống 14.644,95 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, do sự thận trọng trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh và sự gia tăng các trường hợp nhiễm mới Covid-19, trong bổi cảnh chỉ còn một tuần nữa sẽ diễn ra Thế vận hội Tokyo.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,15% xuống 28.279,09 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,2% xuống 1.939,61 điểm.

Tokyo đã báo cáo 1.149 ca nhiễm mới Covid-19 vào thứ Tư, mức cao nhất trong một ngày kể giữa tháng Giêng, mặc dù tình trạng khẩn cấp được ban bố từ đầu tuần và kéo dài đến ngày 22/8.

Nhiều người lo lắng rằng các vận động viên nước ngoài và các quan chức Olympic có thể gây ra một đợt gia tăng thêm các ca bệnh mới.

Masahiro Ichikawa, Giám đốc chiến lược tại Sumitomo Mitsui DS Asset Management, cho biết: "Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II cũng sắp bắt đầu, vì vậy, có một số điều chỉnh đang diễn ra".

Hôm nay, cổ phiếu của Tập đoàn Nikon giảm mạnh nhất trên Nikkei 225, mất 6,2%, trong khi Hitachi trượt 3,5%.

Trong số Big Three, Nissan Motor Co. giảm 2,3%, Honda Motor mất 1,8%, trong khi Toyota Motor Corp giảm 0,4%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng và lĩnh vực xe điện, khi các nhà đầu tư phản ứng tích cực với doanh số bán lẻ tốt hơn dự kiến ​​trong tháng 6.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,02% lên 3.564,59 điểm. Chỉ CSI 300 bluechip tăng 1,35% lên 5.151,46 điểm.

Dẫn đầu mức tăng là chỉ số phụ theo dõi ngành ngân hàng tăng 2,56%, trong khi ngành xe năng lượng mới tăng 2,09%.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, với các ngân hàng và công ty bất động sản thúc đẩy, bởi hy vọng về sự hỗ trợ chính sách nhiều hơn, sau khi tăng trưởng kinh tế trong quý thứ hai không như kỳ vọng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,75% lên 27.996,27 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,08% lên 10.174,27 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành bất động sản tăng 1,98% với Country Garden Services Holdings Co Ltd tăng 4,12% và lĩnh vực tài chính tăng 0,95%, với Postal Savings Bank of China Co Ltd tăng 5,71%, China Merchants Bank Co Ltd tăng 5,02%.

Chứng khoán Hàn Quốc đã tăng, nhờ phát biểu ôn hòa từ Chủ tịch Fed - Jerome Powell.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,66% lên cao hơn ở mức 3.286,22 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics tăng 1,38%, trong khi SK Hynix đứng giá, còn Naver tăng thêm 1,13%.

Kết thúc phiên 15/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 329,40 điểm (-1,15%), xuống 28.279,09 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 36,09 điểm (+1,02%), lên 3.564,59 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 208,81 điểm (+0,75%), lên 27.996,27 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 21,41 điểm (+0,66%), lên 3.286,22 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng lãi to, nhưng không dễ giảm lãi vay

“Đừng thấy đỏ mà tưởng chín” chưa bao giờ lại đúng với tình cảnh lợi nhuận ngân hàng như hiện nay, khiến việc giảm lãi suất cho vay tưởng dễ hóa ra không đơn giản..>> Chi tiết

- Mở đường cho thoái vốn, cổ phần hóa

Cho đến thời điểm này, khung pháp lý cho cổ phần hóa, thoái vốn đã đầy đủ, cho phép các bên đẩy hàng ra thị trường trong nửa cuối năm..>> Chi tiết

- Chứng khoán giảm mạnh, nhà đầu tư mới có nên tham gia thị trường?

Giai đoạn “dễ ăn đã qua”, thanh khoản thị trường suy giảm so với nhiều tháng trước, hàng loạt cổ phiếu lao dốc… có hay không nên tham gia thị trường lúc này là điều mà nhiều nhà đầu tư mới quan tâm..>> Chi tiết

- Chủ tịch Fed: Chưa sớm thay đổi chính sách và kỳ vọng lạm phát sẽ ở mức vừa phải

Hôm thứ Tư (14/7), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cho biết rằng, nền kinh tế cần phải cải thiện nhiều hơn trước khi Fed thay đổi chính sách tiền tệ nới lỏng..>> Chi tiết

Tin bài liên quan