Thị trường tài chính 24h: Giá vàng mất hơn 2 triệu đồng/lượng chỉ trong một ngày

Thị trường tài chính 24h: Giá vàng mất hơn 2 triệu đồng/lượng chỉ trong một ngày

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng nhẹ phiên đầu tuần; Các nhà kinh tế học của Citi Group giải mã đà tăng phi mã của giá vàng; Cơ hội mua trong các nhịp điều chỉnh; Dòng tiền trên thị trường chứng khoán phân hóa mạnh; Tìm cơ hội trong dài hạn trên thị trường chứng khoán; Chứng khoán châu Á vẫn chịu sức ép từ quan hệ Mỹ-Trung xấu đi; Mỹ siết quy định lên sàn với doanh nghiệp Trung Quốc...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô 

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 1,14 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,34 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã đã giảm thêm 710.000 đồng/lượng chiều mua vào và 680.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại mức 56,65 – 58,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Như vậy, chỉ trong một ngày, giá vàng SJC đã mất tổng cộng 1,85 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 2,02 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ giảm 28,4 USD xuống 2.034,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và xoay nhẹ quanh 2.030 USD/ounce cho cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 9 trên sàn Comex New York tăng 13,1 USD lên 2.027,4 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,14% lên 93,56 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 10/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.215 đồng, giảm 5 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.090 - 23.270 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,61 USD (+1,46%), lên 41,82 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,43 USD (+0,97%), lên 44,83 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index thu hẹp đà tăng đáng kể

Trong phiên sáng , VN-Index tăng khá tốt từ sớm và tiến lên trên 845 điểm trước khi rung lắc nhẹ sau đó.

Trong phiên chiều, chỉ số tiếp tục nhích lên, nhưng khi chạm vùng kháng cự 850 điểm (là mốc trước khi có ca nhiễm mới ở Đà Nẵng”, áp lực bán gia tăng khiến VN-Index thu hẹp dần đà tăng và đóng cửa chỉ còn tăng nhẹ.

Các mã lớn đều tìm về mức giá thấp nhất ngày như SAB -2,2%, VCB -1,2%, và hầu hết các bluechip đều thu hẹp biên độ chỉ trên dưới 0,5%.

Nhóm cổ phiếu nhỏ nổi sóng với cặp đôi ITA và HQC, khi cả 2 tăng kịch trần và thanh khoản tốt nhất HOSE. Ngoài ra, DLG, DAH, BCG, SHI, IDI, ATG… cũng kết phiên tại mức giá trần.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 4,09 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 201,78 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 10/8: VN-Index tăng 1,74 điểm (+0,21%), lên 843,2 điểm; HNX-Index tăng 0,87 điểm (+0,77%), lên 113,64 điểm; UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,14%), lên 56,3 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Phố Wall tăng nhẹ trong phiên cuối tuần trước sau tin biên chế phi nông nghiệp tăng 1,76 triệu việc làm trong tháng 7, thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 4,8 triệu vào tháng 6.

Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn dự báo của các nhà kinh tế khi giới phân tích dự báo việc làm sẽ giảm.

Một thông tin khác khiến giới đầu tư thận trọng là cuộc đàm phán về gói cứu trợ mới tại Mỹ đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

Bên cạnh đó là hưởng từ việcTổng thống Trump ra lệnh cấm thêm ứng dụng WeChat của Tencent sau khi đã có lệnh tương tự với TikTok.

Trong tuần, Dow Jones tăng 3,80%, S&P tăng 2,45% và Nasdaq tăng 2,47%.

Kết thúc phiên 7/8, chỉ số Dow Jones tăng 46,50 điểm (+0,17%), lên 27.433,48 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,12 điểm (+0,06%), lên 3.351,28 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 97,09 điểm (-0,87%), xuống 11.010,98 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch dịp Ngày của núi.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi dữ liệu cho thấy dấu hiệu giảm tốc tại các nhà máy chậm lại đã củng cố hy vọng phục hồi kinh tế.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,75% lên 3.379,25 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,36% lên 4.724,87 điểm.

Thị trường phản ứng tích cực với dữ liệu cho thấy, chỉ số giá bán nhà sản xuất tháng 7 của Trung Quốc đã giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Con số này thấp hơn so với mức giảm 2,5% tại cuộc thăm dò ý kiến các nhà phân tích của Reuters, đồng thời cũng thấp hơn mức giảm 3,0% của tháng 6.

Mặc dù vậy, thị trường vẫn bị đè nặng bởi căng thẳng quan hệ song phương với Mỹ, sau khi văn phòng đại diện hàng đầu của Bắc Kinh tại Hồng Kông lên án các biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt đối với các quan chức cấp cao của Hồng Kông và Trung Quốc.

Chứng khoán Hồng Kông giảm điểm do bị đè nặng bởi căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,63% xuống 24.377,43 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,72% xuống 9.990,67 điểm.

Căng thẳng tồi tệ hơn giữ Mỹ và Trung Quốc tiếp tục kéo lùi tâm lý thị trường, sau khi Bắc Kinh lên các biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt đối với các quan chức cấp cao của Hồng Kông và Trung Quốc.

Cổ phiếu lớn Tencent tiếp tục giảm và mất 4,83% do ảnh hưởng từ quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc WeChat - do Tencent sở hữu, và TikTok bắt đầu từ tháng tới.

“Trọng tâm của các hạn chế là WeChat, nhưng điều mà các nhà đầu tư lo lắng là nó có thể lây lan sang các doanh nghiệp khác,” Steven Leung, giám đốc điều hành bán hàng tổ chức tại UOB Kay Hian, cho biết.

Chứng khoán Hàn Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 26 tháng, sau khi dữ liệu nhà máy Trung Quốc tốt hơn dự báo và sự dẫn dắt của Hyundai Motor.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 1,48% lên 2.386,38 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 15/6/2018.

Phiien hôm nay, cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô lớn nhất Hàn Quốc, Hyundai Motor Co, có thời điểm tăng 17,4% và đóng cửa cao nhất kể từ ngày 23/5/2017.

Cổ phiếu của SK Biopharmaceuticals Co Ltd tăng tới 9,5%, sau khi Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cho biết họ có kế hoạch đưa cổ phiếu của Công ty vào bộ chỉ số bluechip bắt đầu từ ngày 11/9.

Kết thúc phiên 10/8: Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 25,22 điểm (+0,75%), lên 3.379,25 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 154,19 điểm (-0,63%), xuống 24.377,43 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 34,71 điểm (+1,48%), lên 2.386,38 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Các nhà kinh tế học của Citi Group giải mã đà tăng phi mã của giá vàng

Với việc vàng vượt mốc 2.000 USD/ounce trong tuần qua, các nhà kinh tế học của Citi Group đã nêu những lý do thúc đẩy sự tăng giá của kim loại quý..>> Chi tiết

Cơ hội mua trong các nhịp điều chỉnh

Tâm lý nhà đầu tư đang có hiện tượng miễn nhiễm với các thông tin xấu liên quan đến Covid-19 và ngược lại, tỏ ra nhạy cảm với các thông tin tốt..>> Chi tiết

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán phân hóa mạnh

Những tưởng thị trường chứng khoán sẽ rơi sâu trước diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 thứ hai ở trong nước, nhưng thực tế điều đó đã không diễn ra nhờ tâm lý ổn định của nhà đầu tư..>> Chi tiết

Tìm cơ hội trong dài hạn trên thị trường chứng khoán

Trong khi dòng tiền ngắn hạn vẫn đang lùng sục các cơ hội giao dịch kiếm tiền nhanh trên thị trường chứng khoán thì có những chủ thể đang tìm kiếm cơ hội mua dài hạn, với tầm nhìn hưởng lợi khi nền kinh tế đi qua khó khăn..>> Chi tiết

Mỹ siết quy định lên sàn với doanh nghiệp Trung Quốc

Nhóm các quan chức quyền lực tại Mỹ đang thúc đẩy hoạt động thiết lập quy tắc công bố thông tin minh bạch hơn đối với doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ..>> Chi tiết

Tin bài liên quan