Thị trường tài chính 24h: Fed gây áp lực mạnh đến chứng khoán châu Á

Thị trường tài chính 24h: Fed gây áp lực mạnh đến chứng khoán châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Tiếp tục cảnh báo nợ xấu tăng; Bóng lăn, thanh khoản thị trường chứng khoán giảm?; Khủng hoảng truyền thông chính sách: Điểm trừ của thị trường; Chứng khoán phái sinh: Vùng tích lũy dần tích cực; Chứng khoán Nhật Bản giảm sốc; Fed có thể xoay trục chính sách tiền tệ…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 21/6 không đổi so với cuối ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng trở lại 150.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 56,35 – 56,97 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua Mỹ giảm 10,2 USD xuống 1.763,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục dần và leo lên gần 1.785 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,18% xuống 92,06 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 21/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.167 đồng, tăng 19 đồng với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.920 - 23.120 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,20 USD (+0,28%), lên 71,84 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent ) tăng 0,18 USD (+0,24%), lên 73,69 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giao dịch cao nhất tại mức giá 36.119 USD và thấp nhất tại 33.380 USD, thì sang đến hôm nay, đã trong xu hướng giảm và có thời điểm chạm đáy gần 32.100 USD, trước khi bật lên quanh 33.000 USD/BTC vào cuối giờ chiều. Đồng Bitcoin đang chịu sức ép rất lớn từ đợt trấn áp từ Trung Quốc đối với các mỏ đào.

Chứng khoán trong nước

VN-Index điều chỉnh nhẹ

Trong phiên sáng, VN-Index chủ yếu rung lắc và liên tục đổi sắc quanh tham chiếu với biên độ hẹp.

Bước sang phiên chiều, áp lực bán gia tăng ở nhóm bluechip khiến có thời điểm VN-Index thủng mốc 1.370 điểm trước khi bật ngược đi lên, nhưng chưa thể về tham chiếu đến khi đóng cửa bởi lực cầu yếu.

Các cổ phiếu lớn giúp thị trường không giảm sâu là FPT +2,1%, PLX +3,7%, MSN +2,1%, MWG +3,4%, NVL +5,8%...

Tâm điểm thuộc về nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, với FLC dẫn đầu thanh khoản với 44,85 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng giảm sâu -5%.

Trái lại, HNG, DLG, VOS, APG tăng kịch trần, còn HQC, AAA, POW, HAG, TTF, ASM cũng nới rộng biên độ tăng.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 26,87 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 1.114,29 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 21/6: VN-Index giảm 5,14 điểm (-0,37%), xuống 1.372,63 điểm; HNX-Index giảm 2,49 điểm (-0,78%), xuống 316,24 điểm; UpCoM-Index giảm 0,51 điểm (-0,56%), xuống 89,71 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tiếp tục lao dốc trong phiên thứ Sáu (18/6), đánh dấu tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2020 sau khi phát biểu từ một quan chức của Fed làm tâm lý thị trường vốn không mấy tích cực lại càng tiêu cực hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis James Bullard cho biết, những quyết định của Fed trong cuộc họp định kỳ tuần này là điều “tự nhiên” với những dấu hiệu lạm phát mạnh mẽ gần đây, song nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Kết thúc tuần, Dow Jones giảm 3,5%, S&P 500 giảm 1,9%, Nasdaq Composite giảm 0,3%.

Kết thúc phiên 18/6, chỉ số Dow Jones giảm 533,37 điểm (-1,58%), xuống 33.290,08 điểm. Chỉ số S&P giảm 55,41 điểm (-1,3%), xuống 4.166,45điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 130,97 điểm (-0,9%), xuống 14.030,38 điểm.

Chứng khoán châu Á chịu tác động mạnh từ Fed

Chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm mạnh nhất trong bốn tháng khi lệnh bán ồ ạt được kích hoạt bởi những bình luận mới từ một quan chức Fed.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 mất 3,29% xuống 28.010,93 điểm, phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 26/2.

Chỉ số Topix giảm 2,42% xuống 1.899,45 điểm, cũng là mức giảm mạnh nhất trong 4 tháng.

Áp lực bán tháo khi thị trường phản ứng tiêu với thông tin Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis James Bullard cho rằng, Fed chuyển hướng sang thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn là một phản ứng “tự nhiên” đối với tăng trưởng kinh tế và đặc biệt là lạm phát diễn biến nhanh hơn dự kiến.

Các cổ phiếu lớn giảm mạnh với Fast Retailing mất 4,35%, ông lớn công nghệ SoftBank Group mất 3,51%.

Các cổ phiếu liên quan đến chip cũng giảm sâu với Tokyo Electron mất 4,02%, Advantest giảm 4,49% và Shin-Etsu Chemical giảm 5,74%.

Chứng khoán Trung Quốc nhích nhẹ với việc giới đầu tư ít phản ứng với thông tin nước này giữ nguyên lãi suất chuẩn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,12% lên 3.529,18 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,24% xuống 5.090,39 điểm.

Trung Quốc thông báo tiếp tục giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn đối với các khoản cho vay doanh nghiệp và hộ gia đình trong tháng thứ 14 liên tiếp vào tháng 6 này.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, phù hợp với các thị trường châu Á khác, khi các nhà đầu tư đứng ngoài và cân nhắc bán do tác động của sự thay đổi quan điểm diều hâu bất ngờ của Fed.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,08% xuống 28.489,00 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,93% xuống 10.547,86 điểm.

Tờ Financial News, được hỗ trợ bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), hôm Chủ nhật đã có khuyến cáo thị trường rằng, không nên suy đoán về việc thắt chặt thanh khoản và định hướng chính sách, nói rằng hành động như vậy có thể gây hiểu lầm và làm chao đảo thị trường.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm, khi các nhà đầu tư hoảng sợ sau lập trường diều hâu bất ngờ của Fed vào tuần trước.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,83% xuống 3.240,79 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 0,75% và 2,01%, và gã khổng lồ internet Naver giảm 0,25%.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng chịu tác động mạnh mẽ và quay sang bán ròng 892,1 tỷ won (786,39 triệu USD) cổ phiếu.

Kết thúc phiên 21/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 953,15 điểm (-3,29%), xuống 28.010,93 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 4,09 điểm (+0,12%), lên 3.529,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 312,27 điểm (-1,08%), xuống 28.489,00 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 27,14 điểm (-0,83%), xuống 3.240,79 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tiếp tục cảnh báo nợ xấu tăng

Tín dụng tăng cao một mặt thể hiện diễn biến khả quan của nền kinh tế, nhưng mặt khác cũng đem lại mối lo về chất lượng các khoản cho vay dẫn đến nguy cơ nợ xấu tăng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay..>> Chi tiết

- Khủng hoảng truyền thông chính sách: Điểm trừ của thị trường chứng khoán Việt Nam

Tuần đầu tháng 6, câu chuyện về những yếu kém của hệ thống giao dịch HOSE ồn ào trên báo chí, trên mạng xã hội cả trong và ngoài nước. Sự phẫn nộ của cộng đồng nhà đầu tư lên đến đỉnh điểm, trong khi những vấn đề này lẽ ra phải được dự báo và tháo ngòi từ trước..>> Chi tiết

- Bóng lăn, thanh khoản thị trường chứng khoán giảm?

Giá trị giao dịch chứng khoán trong những phiên gần đây có sự sụt giảm, trùng với thời điểm diễn ra các sự kiện bóng đá lớn..>> Chi tiết

- Chứng khoán phái sinh: Vùng tích lũy dần tích cực

Mốc kháng cự 1.500 - 1.510 điểm của chỉ số VN30-Index vẫn còn, nhưng vùng tích lũy dần tích cực, chiến lược mở vị thế mua chứng khoán phái sinh được ưu tiên..>> Chi tiết

- Fed có thể xoay trục chính sách tiền tệ

Sau cuộc họp vừa qua của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giá cổ phiếu giảm và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, khi các nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ sớm thắt chặt chính sách tiền tệ..>> Chi tiết

Tin bài liên quan