Thị trường tài chính 24h: F0 chứng khoán giờ đã khác

Thị trường tài chính 24h: F0 chứng khoán giờ đã khác

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index điều chỉnh nhẹ; Ngân hàng dự báo tiếp tục lãi lớn năm 2022, sẽ chạy đua CASA và bán lẻ; F0 thận trọng, nhưng tự tin hơn; Chọn ngành, doanh nghiệp để “gửi tiền”; Giá dầu 200 USD/thùng, các tập đoàn dầu đá phiến khổng lồ cũng sẽ không bơm thêm dầu...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 18/2 tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 62,55 – 63,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 29,3 USD lên 1.899,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và giằng co quanh ngưỡng 1.890 USD/ounce cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 95,81 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 18/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.119 đồng/USD, tăng 6 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.650 – 22.930 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,36 USD (-2,57%), xuống 89,40 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 2,28 USD (-2,45%), xuống 90,68 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm mạnh về 48.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã ngừng rơi và gần như chỉ đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối giờ chiều.

Chứng khoán trong nước

VN-Index giảm nhẹ

Sau cú đạp mạnh đầu phiên, thị trường đã ổn định hơn, và nhóm bất động sản vừa và nhỏ, cổ phiếu thép, chứng khoán bật lên giúp VN-Index hãm đà giảm và một lần nữa bảo vệ thành công ngưỡng tâm lý 1.500 điểm khi đóng cửa.

Bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép, ngoại trừ sự cản trở của nhóm cổ phiếu ngân hàng, còn lại các mã chứng khoán và thép vẫn duy trì diễn biến tích cực.

Cụ thể, nhóm thép với HPG, HSG, TLH, SMC đều tăng trên dưới 2%, NKG +4%.

Nhóm chứng khoán, với VDS +6,5%, BSI +5,4%, VCI tăng 2,4%.

Ở nhóm bất động sản CII, DAH, DPG, VRC… tăng kịch trần, các mã khác như DIG, LDG, LGC tăng trên dưới 6%, OGC, QCG, VPH, DRH tăng hơn 5%...

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng nhẹ 0,1 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 62,72 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 18/2: VN-Index giảm 3,15 điểm (-0,21%) xuống 1.504,84 điểm; HNX-Index tăng 5,37 điểm (+1,25%), lên 435,61 điểm; UpCoM-Index tăng 0,31 điểm (+0,27%), lên 112,72 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm mạnh trong phiên ngày thứ Năm (17/2), sau khi Mỹ cảnh báo các lực lượng quân đội Nga đang chuẩn bị triển khai một hành động quân sự với Ukraine “trong vài ngày tới”.

Căng thẳng địa chính trị khiến áp lực bán tháo cổ phiếu diễn ra trên diện rộng. Lĩnh vực công nghệ chịu thiệt hại nặng nề nhất, với những cái tên như Microsoft giảm 2,9%, Alphabet giảm 3,8%, Apple giảm 2,1%, Amazon mất 2,2%, Meta lùi 4,1%.

Kết thúc phiên 17/2, chỉ số Dow Jones giảm 622,24 điểm (-1,78%), xuống 34.312,03 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 94,75 điểm (-2,12%), xuống 4.380,26 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 407,38 điểm (-2,88%), xuống 13.716,72 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, do tình hình địa chính trị xung quanh Ukraine lại nóng lên, dù vậy, đà giảm được chặn lại sau khi có tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào tuần tới.

Đóng cửa, Chỉ số Nikkei 225 giảm 0,41% xuống 27.122,07 điểm, sau khi giảm tới 1,62% vào đầu phiên sáng. Chỉ số Topix giảm 0,36% xuống 1.924,31 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 đã giảm 2,07%, còn Topix giảm 1,95%.

Hôm nay, nhóm cổ phiếu công nghệ giảm mạnh nhất với mức giảm 2,42% của Tokyo Electron, còn Advantest và Renesas lần lượt giảm 2,05% và 1,25%.

Nhà sản xuất robot Fanuc là cổ phiếu giảm sâu nhất, giảm 5,79%, tiếp theo là Nikon trượt 4,25% và Trend Micro's lùi 3,67%.

Năng lượng là lĩnh vực hoạt động kém nhất trên chỉ số Nikkei 225, giảm 2,26% trong bối cảnh giá dầu giảm.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, với các nhà phát triển bất động sản dẫn đầu đà đi lên, sau khi nhiều thành phố nới lỏng quy định cho vay thế chấp với người mua nhà.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,66% lên 3.490,76 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,48% lên 4.651,24 điểm.

Trong tuần, chỉ số CSI300 tăng 1,1%, trong khi Shanghai Composite tăng 0,8%.

Dẫn đầu về mức tăng hôm nay là chỉ số ngành bất động sản tăng 2,18% và năng lượng tăng 2,25%.

Một số thành phố của Trung Quốc đang bắt đầu nới lỏng các quy định đối với các khoản mua nhà nhằm mục đích kích thích lại thị trường và đặt giá sàn, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế địa phương suy yếu do chính sách khắt khe đối với khu vực đang nợ đọng vốn.

Chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ, do nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán ồ ạt, sau khi các nhà quản lý của Trung Quốc đề xuất các biện pháp yêu cầu các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến giảm phí cho các nhà hàng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,88% xuống 24.327,71 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,99% xuống 8.537,97 điểm.

Cổ phiếu ngành công nghệ bị bán tháo và giảm 4,48%, trong đó, gã khổng lồ giao đồ ăn của Trung Quốc Meituan giảm tới 14,86%.

Nguyên nhân khiến nhóm công nghệ lao dốc đến từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc cho biết, họ sẽ hướng dẫn các nền tảng giao đồ ăn giảm chi phí hoạt động cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bằng cách giảm phí dịch vụ hoặc hoa hồng.

Chứng khoán Hàn Quốc nhích nhẹ, nhưng đã có tuần giảm thứ hai liên tiếp khi các nhà đầu tư thận trọng theo dõi diễn biến xung quanh Ukraine.

Đóng cửa, chỉ số Kospi tăng 0,43 điểm, tương đương 0,02% lên 2.744,52 điểm. Trong tuần, chỉ số chuẩn này giảm 0,12%, sau mức trượt 0,09% trong tuần trước.

Phiên này, các cổ phiếu lớn như Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 0,93% và 1,13% đã ảnh hưởng mạnh đến chỉ số chuẩn, trong khi Naver cũng giảm 2%.

Kết thúc phiên 18/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 110,80 điểm (-0,41%), xuống 27.122,07 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 22,72 điểm (+0,66%), lên 3.490,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 465,06 điểm (-1,88%), xuống 24.327,71 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 0,43 điểm (+0,02%), lên 2.744,52 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng dự báo tiếp tục lãi lớn năm 2022, sẽ chạy đua CASA và bán lẻ

Báo cáo phân tích của Chứng khoán BSC cho rằng, triển vọng lợi nhuận năm 2022 của các ngân hàng hết sức sáng sủa do cầu tín dụng tăng mạnh, nợ xấu không quá đáng ngại..>> Chi tiết

- F0 thận trọng, nhưng tự tin hơn

Năm 2022, nhiều nhà đầu tư mới (F0) có kế hoạch đầu tư kỹ càng hơn sau khi trải qua các cung bậc cảm xúc và vòng xoáy giao dịch trong năm 2021..>> Chi tiết

- Chọn ngành, doanh nghiệp để “gửi tiền”

Gần 70% doanh nghiệp trên HOSE (đại diện hơn 80% giá trị vốn hóa toàn sàn) đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 cho thấy mức tăng trưởng lợi nhuận không cao, nhà đầu tư cần sàng lọc kỹ lưỡng để “chọn mặt gửi tiền”..>> Chi tiết

- Giá dầu 200 USD/thùng, các tập đoàn dầu đá phiến khổng lồ cũng sẽ không bơm thêm dầu

Những công ty khoan dầu ở Texas từng mở ra cuộc cách mạng đá phiến của Mỹ đang chống lại sự cám dỗ bơm thêm dầu khi thị trường phục hồi. Điều này báo hiệu giá xăng cao hơn cho người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát tồi tệ nhất trong một thế hệ..>> Chi tiết

Tin bài liên quan