Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân sẽ còn tiếp tục dẫn dắt thị trường

Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân sẽ còn tiếp tục dẫn dắt thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index để mất hơn 10 điểm; Margin trở về vùng đỉnh; Nhà đầu tư F0 luôn được làm mới; Thị trường đa cực; Evergrande không phải là lý do duy nhất khiến chứng khoán Mỹ bán tháo hôm 20/9… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 21/9 tăng 300.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,45 – 57,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 10,2 USD lên 1.764 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và lên gần 1.770 USD/ounce, trước khi bị đẩy nhẹ xuống sau đó vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,15% lên 93,34 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 21/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.134 đồng/USD, tăng 2 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.670 – 22.870 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,75 USD (+1,07%), lên 71,04 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,77 USD (+1,04%), lên 74,69 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua dừng ở trên 42.800 USD, thì sang ngày hôm nay đã có lúc giảm sâu về gần 40.500 USD, trước khi hồi trở lại vùng 43.500 USD/BTC vào cuối giờ chiều.

Chứng khoán trong nước

VN-Index mất hơn 10 điểm

Trong phiên sáng, không nằm ngoài vòng xoáy bán tháo của chứng khoán thế giới trước lo ngại về "cú sụp Evergrande", có thời điểm VN-Index bị đẩy xuống vùng 1.325 điểm.

Tuy nhiên, lực cầu tham gia đỡ giá đã giúp VN-Index giữ được ngưỡng hỗ trợ 1.330 điểm.

Cú sụt mạnh phiên sáng đã mở một Gap giảm giá khá lớn, nên nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ hồi trở lại để lấp và điều đó đã diễn ra trong phiên chiều, với lực cầu đỡ giá hoạt động tích cực hơn giúp VN-Index thu hẹp đà giảm về cuối phiên.

Tâm điểm thị trường phiên này vẫn là các cổ phiếu vừa và nhỏ. Các mã DLG, SCR, SJF, DRH, JVC, OGC… đồng loạt tăng trần, trong đó DLG và SCR giao dịch rất mạnh, cùng khớp khoảng 26 triệu đơn vị.

2 mã trong nhóm Louis là TGG và TDH tiếp tục tăng hết biên độ, trong đó TGG có phiên trần thứ 15 trong chuỗi 18 phiên tăng liên tiếp.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 9,45 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 364,91 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 21/9: VN-Index giảm 10,64 điểm (-0,79%), xuống 1.339,84 điểm; HNX-Index giảm 0,56 điểm (-0,1%), xuống 358,98 điểm; UPCoM-Index giảm 0,69 điểm (-0,71%), xuống 96,77 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall khởi đầu tuần mới với một phiên đỏ lửa vào ngày thứ Hai (20/9) khi nhiều rủi ro đang tồn tại trên thị trường.

Đầu tiên là ảnh hưởng rủi ro lan truyền từ thị trường bất động sản Trung Quốc khi tập đoàn China Evergrande đứng trước bờ vực vỡ nợ.

Các cơ quan quản lý cảnh báo khoản nợ 305 tỷ USD của China Evergrande có thể gây ra rủi ro lớn hơn cho hệ thống tài chính của Trung Quốc nếu các khoản nợ của nước này không được ổn định.

Các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm, đặc biệt là hai nhóm cổ phiếu tài chính và năng lượng, bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Các nhà đầu tư chuyển sang các tài sản an toàn.

Theo dữ liệu của Refinitiv, đợt bán tháo hôm thứ Hai đã khiến ​​2.200 tỷ USD vốn hóa thị trường chứng khoán thế giới bị xóa sổ.

Kết thúc phiên 20/9, chỉ số Dow Jones giảm 614,41 điểm (-1,78%), xuống 34.970,47 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 75,26 điểm (-1,70%), xuống 4.432,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 330,07 điểm (-2,91%), xuống 14.713,90 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản theo chân sự suy yếu trên thị trường toàn cầu, khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu do lo ngại về khả năng vỡ nợ của Tập đoàn Evergrande.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,17% xuống 29.839,71 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,7% xuống 2.064,55 điểm.

Lo ngại ngày càng tăng về khả năng vỡ nợ của Evergrande đã làm chao đảo thị trường toàn cầu, với S&P 500 và Nasdaq chịu mức thiệt hại lớn nhất kể từ tháng Năm.

Tuy nhiên, những người tham gia thị trường cho biết tác động của việc bán tháo đối với thị trường Nhật Bản là hạn chế.

Seiichi Suzuki, Trưởng nhóm phân tích thị trường tại Tokai Tokyo Research Institute cho biết: “Các nhà đầu tư trong nước đã bán chốt lời ở đỉnh cao của đợt tăng giá gần đây đã quay lại mua cổ phiếu giảm giá hôm nay, điều này hỗ trợ cho sự sụt giảm do hoạt động bán tháo của người nước ngoài.

Phiên này, cổ phiếu Tập đoàn SoftBank kéo lùi thị trường nhất khi giảm 4,98%, Tokyo Electron giảm 2,45% và Daikin Industries giảm 4,71%.

Cổ phiếu nhạy cảm với nền kinh tế toàn cầu cũng giảm, với các nhà sản xuất thép giảm 3,64% và sản xuất máy móc giảm 3,37%.

Tuy nhiên, cổ phiếu liên quan đến du lịch đã tăng lên với hy vọng kinh tế mở cửa trở lại, khi Tokyo ghi nhận ​​sự sụt giảm các ca nhiễm Covid-19 với ANA Holdings tăng 2,53% và Japan Airlines tăng 4,47%.

Chứng khoán Trung Quốc nghỉ giao dịch Tết Trung thu.

Chứng khoán Hồng Kông hồi phục, một ngày sau khi những lo lắng về tương lai của nhà phát triển bất động sản China Evergrande Group làm rung chuyển thị trường toàn cầu.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,51% lên 24.221,54 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,02% lên 8.640,37 điểm.

Cổ phiếu của China Evergrande thu hẹp đà giảm, chỉ còn -0,44%, nhưng vẫn ở mức đóng cửa thấp nhất trong 10 năm.

Một chỉ số theo dõi cổ phiếu bất động sản và xây dựng đã tăng 2,93%, phục hồi từ mức giảm mạnh được đánh dấu trong phiên trước, dẫn đầu là mức tăng 11,8% tại Guangzhou R&F Properties, sau khi công ty cho biết sẽ huy động 2,5 tỷ USD bằng cách vay từ các cổ đông lớn và bán một công ty con.

Evergrande, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang phải đối mặt với một thử thách lớn trong tuần này vì sẽ phải trả 83,5 triệu USD tiền lãi liên quan đến trái phiếu.

Evergrande tự tin sẽ “bước ra khỏi thời khắc đen tối nhất” và cung cấp các dự án bất động sản như đã cam kết, chủ tịch của Tập đoàn này biết trong một bức thư gửi nhân viên được báo chí địa phương đưa tin.

Chứng khoán Hàn Quốc nghỉ giao dịch Tết Trung thu.

Kết thúc phiên 21/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1660,34 điểm (-2,17%), xuống 29.839,71 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 122,40 điểm (+0,51%), lên 24.221,54 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Margin trở về vùng đỉnh

Dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) cuối quý III/2021 được dự báo sẽ phá con số kỷ lục hơn 145.000 tỷ đồng cuối quý II..>> Chi tiết

- Nhà đầu tư F0 luôn được làm mới

Lượng tài khoản mở mới lại tăng mạnh trong tháng 8, gần vượt số kỷ lục trong tháng 6/2021. Lực cầu cổ phiếu từ nhà đầu tư cá nhân tiếp tục giữ nhiệt cho thị trường..>> Chi tiết

- Thị trường đa cực

Dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước đang và dự báo sẽ còn tiếp tục dẫn dắt thị trường chứng khoán với lượng nhà đầu tư F0 cũng như dòng tiền từ nhóm này tiếp tục đổ bộ mạnh mẽ vào thị trường..>> Chi tiết

- Evergrande không phải là lý do duy nhất khiến chứng khoán Mỹ bán tháo hôm 20/9

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã có phiên giao dịch tiêu cực nhất trong hơn hai tháng với sự giảm giá được cho là do sự sụp đổ tiềm tàng của Evergrande. Gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc đang đe dọa vỡ nợ khoản nợ hơn 300 tỷ USD có thể gây xáo trộn trên các thị trường toàn cầu..>> Chi tiết

Tin bài liên quan