Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền đang lan tỏa rất rộng

Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền đang lan tỏa rất rộng

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) VN-Index lên gần 1.065 điểm; Cảnh báo đỏ về P2P Lending biến tướng; Hạn chế mua đuổi vùng giá cao; Những cổ phiếu đứng bên lề sóng tăng giá; Chứng khoán phái sinh: Canh mua ở các nhịp chùng xuống; Chứng khoán châu Á phân hóa; Kỳ vọng giá dầu hồi phục khi vắc xin sắp được tung ra…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.  

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 14/12 không đổi so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 150.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 54,60 – 55,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 3,1 USD lên 1.839,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng lùi dần và về dưới 1.830 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,43% xuống 90,59 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 14/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.143 đồng, giảm 3 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.040 - 23.220 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,47 USD (+1,01%), lên 47,04 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,54 USD (+1,08%), lên 50,51 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index lên đỉnh trong 2 năm rưỡi qua nhờ dòng tiền lan tỏa

Thị trường duy trì mức tăng khá ổn định trên ngưỡng 1.050 điểm trong suốt cả phiên sáng nhờ lực cầu lan tỏa.

Dòng tiền mạnh tiếp tục nâng đỡ thị trường trong phiên chiều, kéo hàng loạt cổ phiếu được kéo lên kịch trần, đặc biệt là nhóm cổ phiếu chứng khoán, giúp VN-Index vọt lên đỉnh mới trong khoảng 2,5 năm qua tại gần 1.065 điểm.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán dậy sóng khi đua nhau tăng trần tại SSI, VND, AGR, VIG, HBS, CTS, ORS, SBS, còn HCM, BVS, MBS, VIX… đều tăng mạnh.

Trên một số diễn đàn chứng chứng khoán, một số nhà đầu tư lâu năm cho rằng, với thị trường tăng bền bỉ, sau hàng bluechip và hàng cơ bản tăng mạnh, sẽ dẫn đến hiện tượng “dòng tiền vào vơ bèo vạt tép…”.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 16,89 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 462,85 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 14/12: VN-Index tăng 18,13 điểm (+1,73%), lên 1.064,09 điểm; HNX-Index tăng 3,42 điểm (+2,1%), lên 165,74 điểm; UPCoM-Index tăng 0,64 điểm (+0,93%), lên 69,36 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall biến động nhẹ trong phiên ngày thứ Sáu (11/12), khi chờ đợi gói viện trợ kinh tế trị giá 908 tỷ USD do lưỡng đảng đề xuất vẫn còn lấp lửng.

Về dữ liệu kinh tế Mỹ, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng nhẹ 0,1% trong tháng 11, trong khi tháng trước đó tăng 0,3%. Đây là mức tăng nhỏ nhất trong vòng bảy tháng vừa qua, nhấn mạnh tình thiếu áp lực lạm phát trong nền kinh tế vẫn đang vật lộn để vượt qua sự tàn phá của đại dịch Covid-19.

Tính chung cả tuần, S&P 500 giảm 0,96%, Nasdaq Composite giảm 0,69% và Dow Jones giảm 0,57%.

Kết thúc phiên 11/12, chỉ số Dow Jones tăng 47,11 điểm (+0,16%), lên 30046,37 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,64 điểm (-0,13%), xuống 3.663,46 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 27,94 điểm (-0,23%), xuống 12.377,87 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản nhích nhẹ, nhờ khảo sát tanka thường kỳ cho thấy, tâm lý kinh doanh trong tháng 12 được cải thiện với tốc độ nhanh nhất trong gần hai thập kỷ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,3% lên 26.732,44 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,48% lên 1.790,52 điểm.

Cuộc khảo sát tankan của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã hỗ trợ tâm lý thị trường, khi tâm trạng của các nhà sản xuất lớn được cải thiện trong quý thứ hai liên tiếp xuống mức âm 10 trong tháng này từ âm 27 trong tháng 9.

Mặc dù vậy, thông tin từ dịch bệnh đã hạn chế đà tăng, khi Nhật Bản báo cáo hơn 3.000 trường hợp nhiễm mới Covid-19 trong ngày thứ Bảy tuần trước, trong đó, thủ đô Tokyo đã xác nhận 621 trường hợp.

Giao dịch đáng kể nhất tại cổ phiếu Mitsubishi Heavy Industries, tăng 7,5% sau khi nhật báo Nikkei đưa tin hôm thứ Sáu rằng, dự án chế tạo máy bay chiến đấu mới do Công ty đứng đầu sẽ có sự tham gia của Lockheed Martin của Mỹ.

Chứng khoán Trung Quốc nhích lên, được củng cố bởi hy vọng có thêm những chính sách để hỗ trợ nền kinh tế.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,66% lên 3.369,12 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,92% lên 4.934,84 điểm.

Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hỗ trợ tài khóa trong một chiến lược nhằm thúc đẩy tăng tốc nền kinh tế đang chủ yếu dựa vào cầu nội địa, chuỗi cung ứng và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Liu Kun cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu công nghệ suy yếu, sau khi Trung Quốc trừng phạt các công ty công nghệ lớn.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,44% xuống 26.389,52 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 0,09% xuống 10.443,12 điểm.

Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc cho biết, đã phạt Tập đoàn Alibaba, China Literature do Tencent Holdings hậu thuẫn và Shenzhen Hive Box 500.000 nhân dân tệ (76.464,29 USD).

Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tăng cường giám sát các gã khổng lồ công nghệ , với lý do lo ngại rằng trong nhiều năm qua, các công ty này đã cố gắng xây dựng các hành vi độc quyền hạn chế cạnh tranh.

Cổ phiếu của Tencent, Alibaba và China Literature lần lượt giảm 2,9%, 2,6% và 4,1%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi lo ngại ngày một dâng cao về tình hình dịch bệnh trong nước.

Hàn Quốc đã ra lệnh đóng cửa các trường học từ hôm thứ Ba tại thủ đô Seoul và các khu vực lân cận, khi nước này đang cố gắng chống lại đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, vượt qua mức đỉnh trước đó vào tháng Hai.

Kết thúc phiên 14/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 79,92 điểm (+0,30%), lên 26.732,44 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 21,93 điểm (+0,66%), lên 3.369,12 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 116,35 điểm (-0,44%), xuống 26.389,52 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 7,86 điểm (-0,28%), xuống 2.762,20 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Cảnh báo đỏ về P2P Lending biến tướng

Việc các công ty cho vay ngang hàng (P2P Lending) nước ngoài biến tướng đang hoành hành tại Việt Nam đặt ra yêu cầu bức thiết về kiểm soát, quản lý mô hình mới này..>> Chi tiết

- Hạn chế mua đuổi vùng giá cao

Kể từ thời điểm tiếp cận vùng đỉnh 1.026 - 1.035 điểm trong năm 2019, áp lực rung lắc và biến động mạnh đã bắt đầu xuất hiện trong 2 phiên cuối tuần qua với biên độ biến động trong phiên ngày một gia tăng..>> Chi tiết

- Những cổ phiếu đứng bên lề sóng tăng giá

Trong khi dòng tiền đổ mạnh vào thị trường giúp VN-Index có 4 tháng tăng điểm liên tiếp và trở lại ngưỡng 1.000 điểm sau hơn 1 năm giao dịch dưới mức này, nhiều cổ phiếu vẫn đang bị lãng quên..>> Chi tiết

- Chứng khoán phái sinh: Canh mua ở các nhịp chùng xuống

Dòng tiền lan tỏa rất rộng trong giai đoạn này và những phiên điều chỉnh diễn ra đơn thuần là hiện tượng chuyển trụ của dòng tiền đầu cơ hay áp lực chốt lời ngắn hạn để chuyển sang tìm kiếm cơ hội khác..>> Chi tiết

- Kỳ vọng giá dầu hồi phục khi vắc xin sắp được tung ra

Giá dầu Brent đạt mức 50 USD/thùng vào tuần trước lần đầu tiên kể từ tháng 3, một cột mốc quan trọng đối với thị trường dầu đang dần thoát khỏi tình trạng sụt giảm sâu trong nhiều tháng..>> Chi tiết

Tin bài liên quan