Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền chuyển hướng

Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền chuyển hướng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index mất hơn 10 điểm; Ngân hàng tăng vốn, dồn dập nhưng không dồn cục; Những câu hỏi cần được trả lời từ cuộc thanh tra hành chính HOSE; Rủi ro khi chạy theo khuyến nghị định giá của chuyên gia phân tích; Giao dịch thua lỗ vẫn ngậm ngùi nộp thuế; Chứng khoán châu Á đa số giảm điểm; Giá dầu tăng cao nhất kể từ năm 2018…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 16/6 giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng trở lại 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 56,65 – 57,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm tại Mỹ giảm 7,2 USD xuống 1.858,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng gần như chỉ dao động nhẹ quanh 1.860 USD/ounce cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,06% xuống 90,49 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 16/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.109 đồng, tăng 6 đồng với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.850 - 23.050 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,09 USD (+0,12%), lên 72,20 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,13 USD (+0,18%), lên 74,12 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua chủ yếu giằng co quanh mốc 40.000 USD, thì sang ngày hôm nay có thời điểm vọt lên trên 41.000 USD, nhưng cũng nhanh chóng quanh trở lại xu hướng đi ngang quanh mức trên 40.000 USD/BTC cho đến cuối giờ chiều.

Chứng khoán trong nước

VN-Index điều chỉnh khá sâu

Trong phiên sáng, lực bán xuất hiện sau nửa đầu phiên đã khiến VN-Index có thời điểm mất hơn 17 điểm xuống gần 1.350 điểm, trước bật trở lại vùng quanh 1.360 điểm sau đó.

Bước sang phiên chiều, lực cầu mạnh kéo VN-Index trở lại trên tham chiếu. Tuy nhiên, nhịp hồi này giống như bulltrap, khi lực cung ồ ạt được tung vào đẩy chỉ số này rơi thẳng đứng về quanh 1.355 điểm mới dừng lại.

Nhóm ngân hàng đa số lùi bước với SSB -3,6%, LPB -3,4%, CTG và TCB cùng -3,1%, giảm 3% có STB và EIB, còn HDB -2,7%, OCB -2,5%...

Nhóm cổ phiếu chứng khoán phần lớn cũng giảm SSI -5%, VCI -3,4%, APG -3%, AGR -2,9%, CTS -2,4% …

Dòng tiền lại chảy mạnh sang nhóm midcap và penny với DLG, TSC, TDH, VOS, DBC, GDT, VMD, PME, ACC, DBT đều tăng kịch trần.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 2,16 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 100,86 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 16/6: VN-Index giảm 10,84 điểm (-0,79%), xuống 1.356,52 điểm; HNX-Index giảm 4,64 điểm (-1,46%), xuống 313,65 điểm; UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,06%), xuống 88,82 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm điểm trong phiên ngày thứ Ba (15/6) trong bối cảnh các nhà đầu tư lo lắng do áp lực lạm phát đè nặng trong khi chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách mới nhất của Fed.

Thông tin mới đến từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết, dữ liệu doanh số bán lẻ trong tháng 5 giảm 1,3%, giảm mạnh hơn so với dự báo 0,7% từ các chuyên gia kinh tế Dow Jones.

Kết thúc phiên 15/6, chỉ số Dow Jones giảm 94,42 điểm (-0,27%), xuống 34.299,33 điểm. Chỉ số S&P giảm 8,56 điểm (-0,20%), xuống 4.246,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 101,29 điểm (-0,71%), xuống 14.072,86 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các cổ phiếu liên quan đến chip suy yếu, mặc dù hy vọng về sự phục hồi kinh tế nhờ chương trình tiêm chủng vắc-xin đã nâng đỡ các cổ phiếu theo chu kỳ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,51% xuống 29.291,01 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,02% lên 1.975,86 điểm.

Hôm nay, nhóm cổ phiếu năng lượng, vật liệu và vận tải biển dẫn đầu đà tăng với công ty khai thác dầu khí lớn nhất Nhật Bản Inpex đã tăng 3,7% khi giá dầu thô leo lên mức cao nhất trong hơn hai năm.

Hy vọng kinh tế mở cửa trở lại đã thúc đẩy cổ phiếu của các cửa hàng bách hóa, với Takashimaya tăng 2,07% và Isetan Mitsukoshi Holdings tăng 0,24%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do ảnh hưởng mạnh từ đà sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu vật liệu và chăm sóc sức khỏe, khi các nhà đầu tư lo lắng về mức định giá cao.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,07% xuống 3.518,33 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip mất 1,67% xuống 5.080,49 điểm.

Trong số các lĩnh vực hoạt động kém nhất, chỉ số phụ ngành vật liệu giảm 3,08% và chăm sóc sức khỏe giảm 3,01%, trong đó công ty lớn nhất ngành Wuxi AppTec Co Ltd giảm 5,53%.

Yan Kaiwen, một nhà phân tích của China Fortune Securities cho biết: “Các nhà đầu tư cũng đang lo lắng trước cuộc họp của Fed ở Mỹ, vì thái độ diều hâu của Fed sẽ đẩy đồng USD lên cao hơn, gây áp lực lên đồng nhân dân tệ và đè nặng lên thị trường cổ phiếu A do thúc đẩy dòng tiền chảy ra nước ngoài”.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, do các nhà đầu tư kiềm chế đặt cược lớn trước kết quả cuộc họp của Fed.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,7% xuống 28.436,84 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,99% xuống 10.562,97 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi giới đầu tư chờ manh mối từ tuyên bố chính sách của Fed sẽ được đưa ra vào cuối ngày.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,62% lên 3.278,68 điểm.

Trong số các đối cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics tăng 1,11% và SK Hynix tăng 0,78%, nhà sản xuất pin LG Chem giảm 1,46% và Naver tăng 1,03%.

Kết thúc phiên 16/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 150,29 điểm (-0,51%), xuống 29.291,01 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 38,23 điểm (-1,07%), xuống 3.518,33 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 102,69 điểm (-0,70%), xuống 28.436,84 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 20,05 điểm (+0,62%), lên 3.278,68 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng tăng vốn, dồn dập nhưng không dồn cục

Các kế hoạch phát hành tăng vốn nhiều nghìn tỷ đồng của khối ngân hàng đang dần rõ ràng hơn. Điều may mắn cho thị trường chứng khoán là các đợt hành sẽ không dồn vào một thời điểm..>> Chi tiết

- Những câu hỏi cần được trả lời từ cuộc thanh tra hành chính HOSE

Ai đang phải hy sinh quyền lợi để giữ an toàn cho hệ thống giao dịch của HOSE? Hệ thống giao dịch đang quá tải hay vì một lý do nào đó mà phiên nào cũng “đột tử” không theo quy luật nào? Ai phải chịu trách nhiệm hiện thực hóa những lời hứa vận hành hệ thống mới trong một khoảng thời gian xác định nào đó?..>> Chi tiết

- Rủi ro khi chạy theo khuyến nghị định giá của chuyên gia phân tích

Giá nhiều cổ phiếu chinh phục mốc mới, các chuyên gia phân tích cơ bản cũng nhiều lần cập nhật mức định giá cao hơn..>> Chi tiết

- Giao dịch thua lỗ vẫn ngậm ngùi nộp thuế

Dòng tiền đầu tư liên tục chảy vào thị trường chứng khoán khiến số thu thuế từ kênh đầu tư này tăng mạnh, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng có lãi, trong khi phí giao dịch cao, thuế chồng thuế…>> Chi tiết

- Giá dầu tăng cao nhất kể từ năm 2018 khi nguồn cung tiếp tục có dấu hiệu thắt chặt

Giá dầu tiếp tục tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2018 sau khi dữ liệu cho thấy sự sụt giảm đáng kể trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ, thêm vào kỳ vọng về thị trường dầu đang thắt chặt khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và các nhà giao dịch hàng đầu dự đoán giá dầu sẽ tăng thêm..>> Chi tiết

Tin bài liên quan