Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền cá nhân chiếm hơn 90% thị trường chứng khoán

Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền cá nhân chiếm hơn 90% thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index đứng giá tham chiếu; Tín dụng tăng, vốn chảy vào đâu?; Lượng hoá dòng tiền cá nhân trong nước; Lưu ý khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao; Số phận buồn của những cổ phiếu thủy sản ngược dòng; Volvo Cars sắp thực hiện thương vụ IPO 20 tỷ USD… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 16/9 không đổi so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 150.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 56,50 – 57,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 10,5 USD xuống 1.794,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục giảm và đã về dưới 1.780 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,23% lên 92,77 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 16/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.110 đồng/USD, giảm 7 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.660 – 22.860 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,13 USD (-0,18%), xuống 72,48 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,07 USD (-0,09%), xuống 75,39 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua vọt lên trên 48.200 USD, thì sang ngày hôm nay đã chững lại và giảm về gần 47.800 USD/BTC vào cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index gần như không đổi

Dao động giằng co trong biên độ hẹp suốt 8 phiên, nhiều nhà đầu tư sốt ruột và không gì tốt hơn chờ đợi, kỳ vọng đột biến trong ngày đáo hạn hợp đồng tương lai như nhiều lần trước đó để thoát khỏi xu thế hiện tại.

Tuy nhiên, kịch hay không diễn ra, khi dòng tiền chậm lại, chỉ số VN-Index tiếp tục chỉ đảo nhẹ quanh ngưỡng 1.345 điểm trong suốt cả phiên chiều.

Phiên này này ghi nhận đà bật lên mạnh mẽ của MSN +3,4% và là cổ phiếu đóng góp tích cực nhất cho VN-Index. Trái lại, từ sớm VIC đã chịu áp lực lớn và là gánh nặng lớn nhất, đóng cửa mất 3,8%.

Trên bảng điện tử, sóng TGG tiếp diễn, tăng hết biên độ +6,9%. Cổ phiếu TDH tương tự, +6,9% lên 10.800 đồng, và còn dư mua giá trần hơn 18,97 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 15,83 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 1.269,85 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 16/9: VN-Index tăng 0,04 điểm (+0,00%), đứng ở mức 1.345,87 điểm; HNX-Index tăng 2,5 điểm (+0,71%), lên 353,24 điểm; UpCoM-Index tăng 0,44 điểm (+0,46%), lên 96,25 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ lấy lại động lực đi lên trong phiên ngày thứ Tư (15/9), trong bối cảnh, giá dầu thô tăng mạnh thúc đẩy cổ phiếu năng lượng.

Cổ phiếu năng lượng tăng mạnh nhất trong phiên đêm, hưởng lợi từ việc giá dầu thô liên tục tăng khi sản lượng dầu Vùng Vịnh vẫn chưa khôi phục hoàn toàn sau bão Ida.

Tuần tới, cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài hai ngày của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ được phân tích chặt chẽ để tìm ra các tín hiệu về thời điểm Fed bắt đầu giảm bớt chương trình mua trái phiếu.

Kết thúc phiên 15/9, chỉ số Dow Jones tăng 236,82 điểm (+0,68%), lên 34.814,39 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 37,65 điểm (+0,85%), lên 4.480,70 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 123,77 điểm (+0,82%), lên 15.161,53 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm phiên thứ hai liên tiếp, khi các nhà đầu tư tiếp tục chốt lời sau đợt tăng mạnh gần đây đưa chỉ số vọt lên mức cao nhất trong hơn 30 năm qua.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,62% ở mức 30.323,34 điểm. Topix giảm 0,3% xuống 2.090,16 điểm.

Phiên hôm nay, các cổ phiếu vận tải dẫn đầu đà giảm, khi mất 1,6%, các công ty bất động sản giảm 1,54%. Các nhà sản xuất thủy tinh, gốm sứ và đồng giảm 1,51%.

Các cổ phiếu lớn về công nghệ là lực cản lớn nhất đối với chỉ số Nikkei 225, với Tokyo Electron giảm 3,05%, SoftBank Group mất 1,39% và Advantest giảm 3,23%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, với các cổ phiếu bất động sản và ngân hàng lao dốc mạnh nhất, do lo ngại rằng các rắc rối tài chính của Tập đoàn China Evergrande Group sẽ gây ra một đợt sóng lây lan rộng.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 1,34% xuống 3.607,09 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,22% xuống 4.807,70 điểm.

Cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của China Evergrande giảm 6,4% xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ, khi Tập đoàn này đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản, trong bối cảnh Bắc Kinh đang kiềm chế đối với lĩnh vực phát triển bất động sản.

Tổ chức đánh giá xếp hạng Fitch cảnh báo rằng, một vụ vỡ nợ của Evergrande có thể khiến nhiều lĩnh vực có rủi ro tín dụng tăng cao.

Chứng khoán Hồng Kông giảm ngày thứ tư liên tiếp xuống mức thấp nhất trong 10 tháng, khi cổ phiếu của China Evergrande Group giảm xuống mức đáy trong một thập kỷ, làm dấy lên lo ngại lây nhiễm sang các nhóm ngành khác.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,46% xuống 24.667,85 điểm, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 11/2020. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 1,46% xuống 8.805,80 điểm.

Cổ phiếu của Evergrande giảm 6,4% xuống còn 2,63 đô la Hồng Kông/cổ phiếu, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2011, khi cuộc khủng hoảng thanh khoản tại nhà phát triển này trở nên tồi tệ hơn.

Các nhà đầu tư đổ xô bán cổ phiếu của các nhà phát triển bất động sản khác, vì Goldman Sachs cảnh báo cuộc khủng hoảng của Evergrande có thể gây ra rủi ro lan tỏa cho lĩnh vực bất động sản rộng lớn hơn của Trung Quốc.

Chỉ số phụ theo dõi ngành bất động sản của Hồng Kông giảm hơn 3% với Nhà phát triển Trung Quốc Sunac China Holdings giảm 11,3%, trong khi Country Garden giảm 7,2%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, kết thúc chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp do ảnh hưởng bởi đà sụt giảm ở nhóm cổ phiếu lớn.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 23,31 điểm, tương đương 0,74% xuống 3.130,09 điểm.

Những cổ phiếu lớn Samsung Electronics và SK Hynix, lần lượt giảm 1,17% và 3,26%, trong khi công ty nền tảng Kakao và nhà sản xuất pin Samsung SDI cũng giảm lần lượt 0,82% và 3,33%.

Cổ phiếu của SK Innovation kết thúc giảm 4,44%, sau khi cho biết các cổ đông của họ đã thông qua đề xuất tách mảng kinh doanh pin thành một công ty mới.

Kết thúc phiên 16/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 188,37 điểm (-0,62%), xuống 30.323,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 49,13 điểm (-1,34%), xuống 3.607,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 365,36 điểm (-1,46%), xuống 24.667,85 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 23,31 điểm (-0,74%), xuống 3.130,09 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tín dụng tăng, vốn chảy vào đâu?

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng 8 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt mức tăng 7,4%..>> Chi tiết

- Lượng hoá dòng tiền cá nhân trong nước

Cùng với số lượng tài khoản gia tăng, tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt mức cao nhất trong những năm gần đây. Đáng lưu ý, dòng tiền vay cũng tăng cao..>> Chi tiết

- Lưu ý khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao

Bộ Tài chính khuyến cáo, nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro lớn, do đó phải đánh giá kỹ các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp..>> Chi tiết

- Số phận buồn của những cổ phiếu thủy sản ngược dòng

Ngược dòng với đà tăng của những cổ phiếu ngành thủy sản từ giữa quý II/2021 đến nay, có những cổ phiếu đã, đang rời sàn và khó có cơ hội tìm lại thời kỳ đỉnh cao của chính mình..>> Chi tiết

- Volvo Cars sắp thực hiện thương vụ IPO 20 tỷ USD

Hãng xe Trung Quốc Geely Holding đang tiến hành các bước thảo luận tiếp theo với các ngân hàng về việc niêm yết công ty con Volvo Cars trong những tuần tới, Reuters dẫn nguồn tin cho biết..>> Chi tiết

Tin bài liên quan