Thị trường tài chính 24h: Đà tăng của nhiều cổ phiếu nhờ dòng tiền dễ dãi

Thị trường tài chính 24h: Đà tăng của nhiều cổ phiếu nhờ dòng tiền dễ dãi

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) VN-Index mất hơn 8 điểm; Khơi thông dòng vốn từ kiều bào; Cổ phiếu ở vùng quá mua vẫn hút dòng tiền; Cổ phiếu ở vùng quá mua vẫn hút dòng tiền; Ấm ức với cổ tức bằng cổ phiếu; “Game” thoái vốn không dài; Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm; Grab - Gojek chịu sức ép sáp nhập trước sức mạnh của Sea…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.      

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 15/12 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 54,75 – 55,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 12,3 USD xuống 1.827,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục mạnh và leo lên gần 1.850 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,06% xuống 90,66 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.144 đồng, tăng 1 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.040 - 23.220 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,06 USD (+0,13%), lên 47,05 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,06 USD (+0,12%), lên 50,35 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index điều chỉnh

Nhìn chung, diễn biến phiên hôm nay khá cân bằng. Sức ép liên tục được tạo ra, nhất là từ khối ngoại bán mạnh các mã bluechip như VRE, HPG, SSI, MBB, CTG, VNM... khiến VN-Index có lúc giảm tới hơn 11 điểm. Tuy nhiên, bên mua hoạt động tích cực giúp sức cầu được ổn định và hãm bớt đà giảm của VN-Index khi đóng cửa.

Rổ VN30 có tới 24 mã giảm, với VIC, GAS, VCB, VNM, POW, SAB, VPB là các mã tác động tiêu cực nhất tới chỉ số khi cùng giảm từ 2-2,5%.

Dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu nhỏ giúp nhiều mã giao dịch tích cực như HAG, ITA, FLC, DLG, HQC, SCR, KBC… Còn các mã LDG, TDC, VIP, BCE, IJC, TLH, KHP giữ vững sắc tím.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 23,24 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 832,37 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 15/12: VN-Index giảm 8,82 điểm (-0,83%), xuống 1.055,27 điểm; HNX-Index tăng 2,12 điểm (+1,28%), lên 167,87 điểm; UPCoM-Index tăng 0,26 điểm (+0,37%), lên 69,62 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall khởi đầu tuần mới (14/12) với một phiên giảm của 2 trong bộ 3 chỉ số chính, khi những tiến bộ xung quanh việc triển khai vắc-xin không khiến nhà đầu tư bớt lo lắng, do nhiều khu vực của Mỹ cũng như ở các quốc gia khác trên thế giới tuyên bố áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ hơn.

Các nhà lập pháp tại Quốc hội Mỹ đã gần đạt được thỏa thuận về gói chi tiêu lớn nhằm ngăn chặn chính phủ đóng cửa bởi Đảng Cộng hòa và Dân chủ đều khẳng định muốn thông qua gói viện trợ mới để cứu nền kinh tế khởi đại dịch.

Kết thúc phiên 14/12, chỉ số Dow Jones giảm 184,82 điểm (-0,62%), xuống 29.861,55 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,97 điểm (-0,44%), xuống 3.647,49 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 62,17 điểm (+0,50%), lên 12.440,04 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi số ca nhiễm mới Covid-19 gia tăng khiến chính phủ phải đình chỉ chiến dịch quảng bá du lịch trong nước, gây ảnh hưởng đến các hãng hàng không và các cổ phiếu liên quan đến du lịch.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,17% xuống 26.687,84 điểm. Chỉ số Topix mất 0,47% xuống 1,782,05 điểm.

Những lo ngại về việc gia tăng các trường hợp nhiễm mới Covid-19 và tình trạng phong tỏa ở nhiều nơi trên khắp thế giới, đã làm lu mờ sự lạc quan về việc triển khai tiêm chủng Covid-19.

Hôm nay, các cổ phiếu liên quan đến du lịch đã bị ảnh hưởng sau khi Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết, chương trình trợ cấp du lịch có tên “Đi để đi du lịch” sẽ bị đình chỉ trên toàn quốc vào dịp năm mới để hạn chế đà lây lan của Covid-19.

Thông tin này khiến cổ phiếu hàng không ANA Holdings mất 7,9%, trong khi đối thủ JAL mất 3,4%.

Giao dịch đáng chú ý nhất tại Nippon Kinzoku, khi tăng kịch trần +28% do suy đoán về nhu cầu tăng vọt đối với sản phẩm kim tiêm, khi các nước triển khai tiêm chủng Covid-19.

Chứng khoán Trung Quốc giảm khá sâu vào phiên sáng, nhưng đã nhích về gần tham chiếu về cuối ngày, được thúc đẩy bởi dữ liệu nhà máy lạc quan và việc bơm thanh khoản của ngân hàng trung ương.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,06% xuống 3.367,23 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,21% lên 4.945,10 điểm.

Chỉ số sản xuất chế tạo của Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh nhất trong 20 tháng vào tháng 11, khi chi tiêu tiêu dùng phục hồi và việc nới lỏng dần các hạn chế thương mại do Covid-19 đã làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất của nước này.

Hôm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm 950 tỷ nhân dân tệ (145 tỷ USD) thông qua cơ sở cho vay trung hạn (MLF) một năm để giữ cho “thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hợp lý”.

Đồng thời, PBOC cũng giữ nguyên lãi suất cho hoạt động MLF một năm trong tháng thứ tám liên tiếp ở mức 2,95%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu CNTT, sau khi Trung Quốc cảnh báo các gã khổng lồ internet phải chuẩn bị cho việc giám sát gia tăng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,69% xuống 26.207,29 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 0,42% xuống 10.399,56 điểm.

Giảm mạnh nhất là chỉ số phụ theo dõi ngành CNTT, mất 1,8%. Chỉ số này đã tăng hơn 60% cho đến nay trong năm nay, nhờ việc Bắc Kinh thúc đẩy khả năng tự cung cấp công nghệ sau khi lĩnh hàng loạt đòn trừng phạt liên quan đến ngành này.

Chứng khoán Hàn Quốc suy yếu, khi thông báo có thêm 880 trường hợp nhiễm mới Covid-19 tính tới nửa đêm ngày thứ Hai và Tổng thống kêu gọi người dân tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội.

Kết thúc phiên 15/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 44,60 điểm (-0,17%), xuống 26.687,84 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,89 điểm (-0,06%), xuống 3.367,23 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 182,23 điểm (-0,69%), xuống 26.207,29 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 5,38 điểm (-0,19%), xuống 2.756,82 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Khơi thông dòng vốn từ kiều bào

Lượng kiều hối chuyển về nước hàng năm tương đương vốn FDI thực hiện và cao hơn nhiều vốn ODA, giúp Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia thu hút kiều hối hàng đầu thế giới..>> Chi tiết

- Cổ phiếu ở vùng quá mua vẫn hút dòng tiền

Hiện tại, đà tăng của nhiều cổ phiếu nhờ dòng tiền dễ dãi trên thị trường, thay vì những căn cứ thực tế..>> Chi tiết

- Ấm ức với cổ tức bằng cổ phiếu

Quy trình trả cổ tức bằng cổ phiếu phải trải qua nhiều bước, khiến thời gian bị kéo dài, ảnh hưởng quyền lợi của cổ đông..>> Chi tiết

- “Game” thoái vốn không dài

Thời gian gần đây, các cổ phiếu có câu chuyện kỳ vọng, như hoạt động thoái vốn đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư và tăng giá vượt trội so với phần còn lại..>> Chi tiết

- Grab - Gojek chịu sức ép sáp nhập trước sức mạnh của Sea

Nhìn giá cổ phiếu của Sea - công ty thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á, công ty mẹ của ứng dụng Shopee - liên tục tăng giá trên sàn giao dịch chứng khoán New York, nhà đầu tư vào 2 đối thủ lớn nhất của Sea là Gojek và Grab chỉ biết thèm muốn..>> Chi tiết

Tin bài liên quan