Thị trường tài chính 24h: Đà hồi phục hiện tại của VN-Index chỉ là giai đoạn đầu

Thị trường tài chính 24h: Đà hồi phục hiện tại của VN-Index chỉ là giai đoạn đầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Sức mua cải thiện, cổ phiếu bán lẻ bứt phá; Dư địa tăng vẫn còn; Dòng tiền gia tăng, thị trường bứt phá; Quan điểm ôn hòa của Fed là tín hiệu lẫn lộn cho kế hoạch tăng lãi suất của BOJ…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 26/8 không đổi so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 79,00 – 81,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 27,8 USD lên 2.512,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và lên trên 2.520 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 100,73 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 26/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.254 đồng/USD, tăng 4 đồng so với phiên cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.710 – 25.050 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ từ 64.400 xuống 64.100 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục yếu đà và lùi về 63.700 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,92 USD (+1,23%), lên 75,75 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,92 USD (+1,16%), lên 79,94 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

VN-Index chạm nhẹ lên ngưỡng 1.290 điểm từ sớm, nhưng áp lực bán có phần gia tăng sau đó khiến chỉ số đuối sức. Mặc dù vậy, bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép và họ Vingroup đứng vững giúp thị trường duy trì sắc xanh.

Tuy nhiên, áp lực bán có dấu hiệu gia tăng trên diện rộng về cuối phiên, đã khiến VN-Index lùi về dưới mốc tham. Tuy nhiên, lực bán không quá lớn nên chỉ số chỉ chỉ mất hơn 5 điểm, bảo toàn thành công vùng giá 1.280 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch 26/8: VN-Index giảm 5,3 điểm (-0,41%), xuống 1.280,02 điểm; HNX-Index giảm 1,1 điểm (-0,46%), xuống 238,97 điểm; UPCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,26%), xuống 94,16 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Sáu (23/8), sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell báo hiệu lãi suất sắp được cắt giảm.

Chủ tịch Fed đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thường niên Jackson Hole khi cho biết: “Đã đến lúc phải điều chỉnh chính sách. Hướng đi đã rõ ràng và thời điểm cũng như tốc độ hạ lãi suất sẽ phục thuộc vào dữ liệu kinh tế sắp tới”.

Trong tuần, Dow Jones tăng 1,33%, chỉ số S&P 500 tăng 1,45% và Nasdaq Composite tăng 1,4%.

Kết thúc phiên 23/8: Chỉ số Dow Jones tăng 462,30 điểm (+1,14%), lên 41.175,08 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 63,97 điểm (+1,15%), lên 5.634,61 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 258,44 điểm (+1,47%), lên 17.877,79 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm sau hai phiên tăng liên tiếp, khi cổ phiếu của các nhà xuất khẩu, bao gồm các công ty liên quan đến chip và ô tô đi xuống do chịu áp lực bởi đồng yên tăng giá.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,66% xuống 38.110,22 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,87% xuống 2.661,41 điểm

Đồng yên đã tăng lên mức cao nhất trong ba tuần so với đồng USD, khi sự thay đổi ôn hòa của Fed Jerome Powell trái ngược hoàn toàn với giọng điệu diều hâu của người đồng cấp tại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

"Việc Fed cắt giảm lãi suất là tích cực đối với chứng khoán, nhưng điều này đã được phản ánh vào giá, trong khi BOJ đang cố gắng tăng lãi suất. Khoảng trống trong chính sách của họ đè nặng lên thị trường chứng khoán", Shuutarou Yasuda, nhà phân tích thị trường tại Tokai Tokyo cho biết.

Cổ phiếu liên quan đến chip lớn đều giảm với Advantest và Tokyo Electron lần lượt giảm 2,51% và 2,43%.

Cổ phiếu ngành Ô tô giảm 2,87% và là lĩnh vực hoạt động kém nhất trong số 33 chỉ số phụ, với Toyota Motor giảm tới 3,2%.

Chứng khoán Trung Quốc đảo chiều tăng về cuối phiên, trong ngày mà ngân Ngân hàng trung ương nước này quyết định đã giữ nguyên lãi suất chuẩn.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,04% lên 2.855,52 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,09% xuống 3.324,22 điểm.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết, các khoản vay chính sách một năm (MLF) sẽ giữ nguyên ở mức 2,3% sau khi cắt giảm lãi suất 20 điểm cơ bản vào tháng 7.

Trong một động thái khác đáng chú ý, Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có thông báo kêu gọi các tổ chức đầu tư, bao gồm cả những quỹ được nhà nước hậu thuẫn và các quỹ tư nhân tăng cường sự hiện diện dòng vốn và giúp khôi phục niềm tin vào thị trường chứng khoán, vốn đang hoạt động kém hiệu quả.

"Tôi hy vọng các nhà đầu tư tổ chức sẽ tiếp tục duy trì sự tự tin và bình tĩnh của mình", Wu Qing, chủ tịch Ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết vào Chủ Nhật.

Sau một đợt phục hồi ngắn ngủi được thúc đẩy bởi sự hỗ trợ của Nhà nước, các nhà đầu tư đã tháo chạy dòng vốn trong thời gian gần đây, do những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế thấp và lợi nhuận các công ty niêm yết suy giảm.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, nhờ tâm lý lạc quan mạnh mẽ sau khi Chủ tịch Fed báo hiệu sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng tới.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,06% lên 17.797,93 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,00% lên 6.281,27 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, chịu ảnh hưởng bởi đồng won tăng lên mức cao nhất trong sáu tháng so với đồng USD.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 3,68 điểm, tương đương -0,14% xuống 2.698,01 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics giảm 2,06% và SK Hynix mất 3,2%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution lại tăng mạnh 5,3%.

Kết thúc phiên 26/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 254,05 điểm (-0,66%), xuống 38.110,22 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,10 điểm (+0,04%), lên 2.855,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 117,96 điểm (+1,01%), lên 17.790,06 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 3,68 điểm (-0,14%), xuống 2.698,01 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Sức mua cải thiện, cổ phiếu bán lẻ bứt phá

Ngành bán lẻ đang trên đà phục hồi và kỳ vọng sức mua gia tăng trong những tháng cuối năm đã tạo động lực cho cổ phiếu ngành này tăng giá..>> Chi tiết

- Dư địa tăng vẫn còn

Động lượng của chỉ báo dòng tiền cho thấy, đà hồi phục hiện tại của VN-Index chỉ là giai đoạn đầu, với sức mạnh dẫn dắt tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và sự bứt tốc ở nhóm vốn hóa trung bình..>> Chi tiết

- Dòng tiền gia tăng, thị trường bứt phá

Dòng tiền ở lại thị trường và luân chuyển tích cực trong tuần qua. Giao dịch nghiêng hẳn về bên mua khi VN-Index liên tiếp bứt phá các vùng cản và tiến sâu vào vùng đỉnh ngắn hạn cũ..>> Chi tiết

- Quan điểm ôn hòa của Fed là tín hiệu lẫn lộn cho kế hoạch tăng lãi suất của BOJ

Quan điểm chính sách tiền tệ ôn hòa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ giúp Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thêm thời gian trong cuộc chiến kiềm chế đồng yên suy yếu..>> Chi tiết

Tin bài liên quan