Thị trường tài chính 24h: Cơ hội đầu tư vẫn hiện hữu

Thị trường tài chính 24h: Cơ hội đầu tư vẫn hiện hữu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích nhẹ; Dịch bệnh và đề xuất nới lỏng thêm tiền tệ; Chưa hình thành thị trường giá xuống; Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán vẫn hiện hữu; Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông bị bán tháo ồ ạt; Tăng trưởng kinh tế Mỹ sắp chạm ngưỡng cao nhất…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 26/7 không đổi so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,80 – 57,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 4,7 USD xuống 1.802,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích dần và lên trên 1.805 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,23% xuống 92,70 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 26/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.213 đồng/USD, tăng 4 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.910 - 23.110 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,35 USD (-0,49%), xuống 71,72 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,27 USD (-0,36%), xuống 73,83 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua gần như chỉ đi ngang quanh 34.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã đột ngột tăng vọt và leo lên trên 38.000 USD/BTC, nhờ động thái của Amazon mới đây đăng tuyển một vị trí quản lý sản phẩm tiền kỹ thuật số, làm làm dấy lên suy đoán Amazon có thể chấp nhận tiền số.

Chứng khoán trong nước

VN-Index đảo chiều tăng

Những diễn biến cuối phiên sáng khiến nhà đầu tư lo ngại hơn do số ca bệnh Covid-19 trong nước không ngừng tăng lên.

Tuy nhiên, thị trường bước vào phiên chiều khá tích cực, khi lực cầu gia tăng ngay khi giúp VN-Index có thời điểm được kéo tăng 10 điểm.

Mặc dù về cuối phiên, áp lực bán gia tăng, nhưng phiên tăng điểm nhẹ này đã giúp nhà đầu tư giải tỏa phần nào nỗi thị trường sẽ đón thêm phiên giảm sâu như hầu hết giới chuyên gia đã dự báo.

Dòng bank vẫn yếu thế với VCB, TCB, BID, CTG, MBB, TPB, VIB, VPB… vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm, trong đó đáng kể là LPB, VIB và VPB đều giảm trên 3-4%.

Điểm đáng chú ý khác chính là HNG, khi lượng chất sàn hơn 32 triệu cổ đã được hấp thụ hết trong phiên giao dịch chiều, giá cổ phiếu đóng cửa chỉ còn giảm 2,1%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã đã bán ròng 2,65 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 62,63 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 26/7: VN-Index tăng 3,88 điểm (+0,31%) lên 1.272,71 điểm; HNX-Index tăng 1,1 điểm (+0,37%) lên 302,88 điểm; UpCoM-Index giảm 0,5 điểm (-0,59%) xuống 83,87 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tăng điểm vào ngày thứ Sáu (25/7), khi kết quả kinh doanh lạc quan và dấu hiệu phục hồi kinh tế thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.

Cổ phiếu Twitter tăng 3% còn Snap vọt lên 23,5%, sau khi hai mạng xã hội này này ghi danh vào danh sách các công ty có lợi nhuận cao hơn kỳ vọng của giới phân tích.

Có tới 88% trong số 120 công ty thuộc S&P 500 có lợi nhuận vượt kỳ vọng, theo Refinitiv.

Trong khi đó, Facebook tăng 5,3%, Alphabet tăng 3% khi kỳ vọng của các nhà đầu tư dâng cao trước thềm bigtech công bố báo cáo quý II.

Kết thúc tuần, Dow Jones tăng 1,08%, S&P 500 tăng 1,96%, Nasdaq Composite tăng 2,84%.

Kết thúc phiên 23/7, chỉ số Dow Jones tăng 238,20 điểm (+0,68%), lên 35.061,55 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 44,31 điểm (+1,01%), lên 4.411,79 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 152,39 điểm (+1,04%), lên 14.836,99 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, nhờ sự lạc quan về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, mặc dù đà tăng bị chặn lại một phần do lo ngại dịch bệnh Covid-19 trong nước có thể làm suy yếu thêm sự phục hồi kinh tế.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,04% lên 27.833,29 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,11% lên 1.925,62 điểm.

Một số cái tên nổi bật hôm nay như Tokyo Steel Manufacturing, tăng 9,3% sau khi tăng mạnh dự báo lợi nhuận. Điều đó đã giúp thúc đẩy cổ phiếu của các nhà sản xuất thép khác, trong đó Nippon Steel dẫn đầu ngành, tăng 3,7%.

Cổ phiếu Toray tăng 5,2% sau khi nhật báo Nikkei đưa tin, lợi nhuận quý vừa qua của công ty hóa chất này có thể tăng vọt.

Morito, một công ty thương mại có các mặt hàng liên quan đến ván trượt trong dòng sản phẩm của mình, đã tăng 11,9% sau khi hai vận động viên trượt ván Nhật Bản giành được huy chương vàng tại Thế vận hội.

Tình hình dịch bệnh thêm căng thẳng khiến thị trường không thể tăng thêm với việc Tokyo báo cáo 1.763 trường hợp nhiễm Covid-19 mới trong ngày Chủ nhật.

Chứng khoán Trung Quốc bị bán ồ ạt, khi nhà đầu tư lo ngại về tác động của các quy định của chính phủ đối với lĩnh vực giáo dục.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 2,34% xuống 3.467,44 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 3,22% xuống 4.925,30 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành giáo dục hôm nay đã giảm tới 9,31% xuống mức thấp nhất trong 16 tháng.

Các quy định mới sâu rộng hơn về dạy thêm của Trung Quốc đã khiến các công ty giáo dục tư nhân đối mặt với tác động sâu rộng, khi Bắc Kinh tăng cường giám sát quy định đối với ngành công nghiệp trị giá 120 tỷ USD này.

Các quy định mới được công bố đã cấm dạy thêm vì mục đích lợi nhuận trong các môn học chính ở trường học, nhằm nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sinh của đất nước bằng cách giảm chi phí sinh hoạt gia đình.

Bên cạnh đó, theo quy định này, tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ dạy thêm trong chương trình giảng dạy của trường sẽ phải đăng ký là tổ chức phi lợi nhuận và sẽ không có giấy phép mới nào được cấp.

Thay đổi chính sách cũng hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này thông qua việc mua bán và sáp nhập, nhượng quyền thương mại hoặc các thỏa thuận VIEs.

Động thái này đã khiến cổ phiếu của các công ty giáo dục tư nhân Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông và New York giảm mạnh vào thứ Sáu tuần trước và đợt bán tháo tiếp tục vào hôm nay với một số cổ phiếu giảm mạnh từ 30% đến 40%.

Chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm mạnh nhất trong 14 tháng, do tình trạng bán tháo cổ phiếu công nghệ Trung Quốc vẫn tiếp diễn, sau khi Bắc Kinh tung ra một đợt thắt chặt quy định đối với các công ty giáo dục tư nhân.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 4,13% xuống 26.192,32 điểm, mức giảm sâu nhất kể từ phiên 22/5/2020. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 4,92% xuống 9.355,24 điểm.

Cổ phiếu Koolearn Technology và New Oriental Education đã dẫn đầu một đợt lao dốc khác của cổ phiếu ngành giáo dục Trung Quốc khi giảm lần lượt 34% và 47% do JPMorgan cắt giảm mục tiêu cho cả hai.

Các công ty công nghệ giáo dục khác cũng chứng kiến ​​một đợt bán tháo ồ ạt với Scholar Education và China New Higher Education đều giảm lần lượt 45% và 12%.

Tại các thị trường đại lục, Offcn Education Technology, Beijing Kaiwen Education và XueDa XiaMen Education đều giảm xuống mức giá sàn -10%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do ảnh hưởng từ việc các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức bán cổ phiếu trong nước và chuyển hướng dòng tiền đến Phố Wall.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 29,47 điểm, tương đương 0,91%, xuống 3.224,95 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, Samsung Electronics giảm 0,63% và SK Hynix giảm 1,27%. Nhà sản xuất pin LG Chem giảm 1,33%.

Kết thúc phiên 26/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 285,29 điểm (+1,04%), lên 27.833,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 82,96 điểm (-2,34%), xuống 3.467,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1.129,66 điểm (-4,13%), xuống 26.192,32 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 29,47 điểm (--0,91%), xuống 3.224,95 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Dịch bệnh và đề xuất nới lỏng thêm tiền tệ

Khi dịch Covid-19 vẫn phức tạp, kéo dài, đề xuất hạ thêm dự trữ bắt buộc thực sự gây được sự chú ý, có những lý do để cẩn trọng xem xét đề xuất này..>> Chi tiết

- Chưa hình thành thị trường giá xuống

Xu hướng trung hạn và ngắn hạn của thị trường đã chuyển sang trạng thái giảm. Tuy nhiên, thị trường giá xuống dài hạn chưa có dấu hiệu hình thành..>> Chi tiết

- Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán vẫn hiện hữu

Các chuyên gia tư vấn cho rằng, cơ hội đầu tư là triển vọng khi đỉnh dịch hình thành..>> Chi tiết

- Tăng trưởng kinh tế Mỹ sắp chạm ngưỡng cao nhất

Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ đón nhận đợt tăng trưởng mạnh mẽ khác trong quý II/2021 trước khi mức tăng trưởng chậm lại và đi vào ổn định..>> Chi tiết

Tin bài liên quan