Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán phục hồi mạnh mẽ

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán phục hồi mạnh mẽ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index vọt hơn 16 điểm; Ngân hàng kiếm bộn nhờ chênh lệch lãi vay; Hé lộ màu xám lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết; Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó do Covid; Chứng khoán châu Á hồi phục mạnh; Fed tiếp tục giữ lãi suất gần bằng 0…  là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.  

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 29/7 tăng 150.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,65 – 57,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 8,8 USD lên 1.807,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và leo lên gần 1.825 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,34% xuống 92,01 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 29/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.212 đồng/USD, giảm 6 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.870 - 23.070 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,42 USD (+0,58%), lên 72,81 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,26 USD (+0,35%), lên 75,00 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm giằng co nhẹ quanh 40.000 USD/BTC đã tiếp tục có xu hướng này cho đến cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tăng mạnh

Sau phiên sáng khởi sắc cả về thanh khoản và điểm số, thị trường bước vào phiên chiều với áp lực bán gia tăng khiến VN-Index lùi về dưới 1.285 điểm và rung lắc.

Nhưng sau đó, lực cầu mạnh và dứt khoát hơn đã kéo thêm nhiều bluechip nới rộng đà đi lên đã giúp VN-Index tăng mạnh hơn 16 điểm khi đóng cửa.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 5,28 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 10,44 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 29/7: VN-Index tăng 16,53 điểm (+1,29%), lên 1.293,6 điểm; HNX-Index tăng 4,72 điểm (+1,54%), lên 310,97 điểm; UpCoM-Index tăng 1,18 điểm (+1,39%), lên 86,14 điểm

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall quay đầu giảm điểm trong phiên ngày thứ Ba (27/7), khi các nhà đầu tư thận trọng trước khi báo cáo kết quả kinh doanh của nhóm BigTech được công bố, đồng thời chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II trở nên sôi nổi trong tuần này với Alphabet, Microsoft và Apple công bố báo cáo ngay sau phiên ngày thứ Ba kết thúc.

Cổ phiếu 3 gã khổng lồ công nghệ này bất ngờ giảm điểm trước thềm công bố báo cáo. Alphabet giảm 1,6%, Apple giảm 1,5% và Microsoft giảm 0,9%.

Amazon dự kiến ​​sẽ báo cáo kết quả vào cuối tuần này, cũng giảm 1,98%. Bigtech đồng loạt lao dốc đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường trong phiên đêm qua.

Kết thúc phiên 27/7, chỉ số Dow Jones giảm 85,79 điểm (-0,24%), xuống 35.058,52 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 20,84 điểm (-0,47%), xuống 4.401,46 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 180,14 điểm (-1,21%), xuống 14.840,71 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm, khi Nissan Motor và một số công ty bán dẫn mang đến kết quả kinh doanh đáng kinh ngạc và giới đầu tư hoan nghênh việc Fed giữ lãi suất ở mức thấp.

Đóng cửa chỉ số Nikkei 225 tăng 0,73% lên 27.782,42 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,41% lên 1.927,43 điểm.

Thu nhập khả quan ở các doanh nghiệp niêm yết vượt qua lo ngại về đại dịch Covid-19 ngày càng tồi tệ, sau khi các ca nhiễm mới hàng ngày đạt mức cao kỷ lục ở Nhật Bản và thủ đô Tokyo, nơi hiện đang tổ chức Thế vận hội.

Cổ phiếu Nissan Motor đã tăng 5,76% sau khi nhà sản xuất ô tô này báo cáo lợi nhuận kinh doanh quý vừa qua tăng mạnh và nâng triển vọng dự báo lợi nhuận ròng trở lại sau hai năm liên tiếp thua lỗ.

Cổ phiếu Advantest tăng 7,33% khi nhà sản xuất máy sản xuất chip công bố lợi nhuận tăng vọt và kế hoạch mua lại cổ phiếu.

Cổ phiếu Sony tăng 3,46% sau khi công ty cho biết máy chơi game PlayStation 5 của họ đã vượt xa doanh số bán hàng của PS4 kể từ khi ra mắt vào tháng 11 năm ngoái.

Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông hồi phục mạnh, nhờ Bắc Kinh nỗ lực xoa dịu tâm lý của các nhà đầu tư, bằng cách yêu cầu các công ty môi giới nước ngoài không "diễn giải quá mức" các quy định mới nhất nhắm vào ngành dạy học thêm, công nghệ và bất động sản.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng vào cuộc để nói rằng, tài sản bằng đồng nhân dân tệ ở vẫn hấp dẫn và rằng sự hoảng loạn thị trường ngắn hạn không đại diện cho giá trị dài hạn.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,49% lên 3.411,72 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,89% lên 4.850,27 điểm.

Chỉ số khởi nghiệp ChiNext tại Thâm Quyến đã tăng 5,3%, bù lại gần như tất cả các khoản lỗ của tuần này.

Tại Hồng Kông, Hang Seng-Index tăng 3,3% lên 26.315,32 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 3,8% lên 9.415,69 điểm.

Chỉ số ngành công nghệ, mục tiêu của đợt bán tháo mạnh vào đầu tuần này đã tăng 8%, nhưng vẫn giảm 4,3% trong tuần.

Mức tăng này đến sau khi Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã tổ chức một cuộc họp với các CEO của một số công ty môi giới có giấy phép hoạt động tại Trung Quốc hàng đầu như Credit Suisse, Goldman Sachs, JPMorgan, UBS với mục đích xoa dịu sự căng thẳng của thị trường.

Chứng khoán Hàn Quốc nhích nhẹ, khi Trung Quốc tăng cường nỗ lực xoa dịu nhà đầu tư về các chính sách thắt chặt liên quan đến cổ phiếu công nghệ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 5,79 điểm, tương đương 0,18% lên 3.242,65 điểm.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất hôm nay là ông lớn công nghệ Samsung Electronics giảm 0,25%, mặc dù báo cáo lợi nhuận hoạt động tăng 54% trong quý vừa qua.

Kết thúc phiên 29/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 200,76 điểm (+0,73%), lên 27.782,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 50,13 điểm (+1,49%), lên 3.411,72 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 841,44 điểm (+3,30%), lên 26.315,32 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 5,79 điểm (+0,18%), lên 3.242,65 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng kiếm bộn nhờ chênh lệch lãi vay

Báo cáo tài chính quý II/2021 của nhiều ngân hàng cho thấy, chi phí trên thu nhập (CIR) của nhiều ngân hàng giảm mạnh và đang đứng ở mức thấp kỷ lục, chủ yếu nhờ giảm chi phí vốn..>> Chi tiết

- Hé lộ màu xám lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết

Kết quả kinh doanh quý II/2021 của một số doanh nghiệp cho thấy lợi nhuận giảm mạnh, không ít nhóm ngành giảm tốc tăng trưởng..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó do Covid

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều biến động vì dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì chuỗi hoạt động sản xuất - kinh doanh liên tục, thậm chí đẩy mạnh một số mảng hoạt động..>> Chi tiết

- Fed tiếp tục giữ lãi suất gần bằng 0

Hôm thứ Tư (28/7), Cục Dự trữ Liên bang đã tiếp tục giữ mức lãi suất gần bằng 0 và cho biết nền kinh tế tiếp tục phát triển bất chấp những lo ngại về sự lây lan của đại dịch..>> Chi tiết

Tin bài liên quan