Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán chờ đột biến trong tuần mới

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán chờ đột biến trong tuần mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index áp sát 1.300 điểm; Lợi nhuận ngân hàng cao phải được nhìn nhận là điều may mắn; TP.HCM: Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ODA mới đạt 10,2%; Chứng khoán châu Á phân hóa; Các quỹ ETF toàn cầu ghi nhận dòng vốn vào kỷ lục trong năm nay; Giá dầu có tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 3…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 16/7 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,75 – 57,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 2,1 USD lên 1.829,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng yếu dần và lùi về gần 1.820 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,01% lên 92,64 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 16/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.192 đồng, giảm 11 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.910 - 23.110 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,26 USD (+0,38%), lên 71,92 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,21 USD (+0,29%), lên 73,68 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua lùi về gần 31.600 USD thì sang phiên hôm nay tiếp tục giảm và xuống quanh 31.200 USD/BTC vào cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index nhích nhẹ

Thị có thêm nhịp hồi phục, nhưng dòng tiền quá yếu khiến VN-Index không thể vượt qua được ngưỡng 1.300 điểm với biên độ dao động rất hẹp.

Điểm tích cực là số mã tăng điểm chiếm ưu thế hơn so với số mã giảm, dù không lớn, cho thấy phiên tăng điểm này khá "thật".

Phiên tăng điểm với thanh khoản thấp này vẫn chưa nói lên điều gì về xu hướng của thị trường, nhưng với việc đồ thị ngày của VN-Index tạo 1 cây nến Doji, nhiều khả năng tuần giao dịch mới, thị trường sẽ có những đột biến về xu hướng.

Trong nhóm VN30, MSN vẫn tăng tốt nhất + 4,8%, VIC +3,7%, PDR tăng 3,4%; BVH, FPT, KDH, REE, SBT có mức tăng hơn 1%.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC và ROS nới rộng biên độ giảm, với FLC -3,9%, còn ROS -4,4%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 3,78 triệu đơn vị. Tuy nhiên, tổng giá trị là mua ròng 96,09 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 16/7: VN-Index tăng 5,39 điểm (+0,41%), lên 1.299,31 điểm; HNX-Index tăng 1,47 điểm (+0,48%), lên 307,76 điểm; UpCoM-Index tăng 0,35 điểm (+0,41%), lên 85,33 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall trái chiều vào thứ Năm (15/7) khi các nhà đầu tư chưa thể trút bỏ hoàn toàn lo lắng về lạm phát

Thứ Năm, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell bước vào phiên điều trần thứ hai trước Quốc hộ Mỹ.

Ông Powell một lần nữa khẳng định, ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục đánh giá sự phục hồi kinh tế trước khi thay đổi các chính sách tiền tệ và lạm phát tăng chỉ là tạm thời.

Bất chấp những lời trấn an từ Fed, có vẻ nhiều nhà đầu tư vẫn lo lắng rằng lạm phát tiếp tục kéo dài có thể dẫn đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến.

Kết thúc phiên 15/7, chỉ số Dow Jones tăng 53,79 điểm (+0,15%), lên 34.987,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 14,27 điểm (-0,33%), xuống 4.360,03 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 101,82 điểm (-0,70%), xuống 14.543,13 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm xuống gần mốc quan trọng 28.000 điểm, khi cổ phiếu công nghệ suy yếu theo chân sự sụt giảm của nhóm cùng ngành trên Phố Wall đêm qua.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,98% xuống 28.003,08 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,38% xuống 1.932,19 điểm.

Thông tin dịch bệnh cũng đè nặng thị trường, sau khi các ca nhiễm mới Covid-19 đã tăng vọt lên 1.308 tại Tokyo vào thứ Năm, mức cao nhất trong một ngày kể từ tháng Giêng.

Trong số nhóm cổ phiếu công nghệ, các nhà sản xuất chip Advantest và Tokyo Electron lần lượt mất 2,2% và 1,6%, sau khi đối thủ TSMC thông báo kế hoạch xây dựng các nhà máy mới tại Mỹ và Nhật Bản, đồng thời, mở rộng năng lực sản xuất tại Trung Quốc.

Các nhà sản xuất máy ảnh Nikon Corp và Olympus lần lượt giảm 2% và 1,4%, trong khi Sony Group Corp giảm 2,2%.

Cổ phiếu giảm sâu nhất là Eisai, mất 13%, sau khi một số bệnh viện lớn từ chối sử dụng loại thuốc chữa bệnh Alzheimer, tương tự như một loại thuốc mà hãng này hợp tác phát triển cùng Biogen.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, nhưng ghi nhận tuần tăng điểm, khi các nhà đầu tư hưởng ứng quyết định bất ngờ của ngân hàng trung ương về việc cắt giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,71% xuống 3.539,30 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,1% xuống 5.094,77 điểm.

Trong tuần, CSI300 tăng 0,5%, trong khi SSEC tăng 0,43%.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ, nhờ vào một báo cáo truyền thông cho biết, các công ty sắp niêm yết tại thành phố sẽ được miễn các rào cản về đánh giá an ninh mạng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,03% lên 28.004,68 điểm và trong tuần tăng 2,41%. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,21% xuống 10.152,95 điểm.

Một số phương tiện truyền thông đưa tin, Trung Quốc có kế hoạch miễn cho các công ty niêm yết tại Hồng Kông khỏi các đánh giá của cơ quan quản lý an ninh mạng của nước này.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, cũng do ảnh hưởng từ đà suy yếu từ nhóm cổ phiếu công nghệ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,28% xuống ở mức 3.276,91 điểm Trong tuần, chỉ số này tăng 1,83%, đánh dấu tuần tốt nhất kể từ giữa tháng 4.

Kết thúc phiên 16/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 276,01 điểm (-0,98%), xuống 28.003,08 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 25,29 điểm (-0,71%), xuống 3.539,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 8,41 điểm (+0,03%), lên 28.004,68 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 0,28 điểm (-0,28%), xuống 3.276,91 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lợi nhuận ngân hàng cao phải được nhìn nhận là điều may mắn

“Lợi nhuận của các ngân hàng là kết quả của cả một quá trình dài với nỗ lực rất lớn của toàn ngành, từng tổ chức tín dụng, đi cùng đó là những chủ trương chính sách kịp thời, phù hợp của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước”..>> Chi tiết

- TP.HCM: Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ODA mới đạt 10,2%

Tính đến ngày 11/6, các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ năm 2021 tại TP.HCM chỉ mới giải ngân được 1.329,442 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 10,2% kế hoạch vốn..>> Chi tiết

- Các quỹ ETF toàn cầu ghi nhận dòng vốn vào kỷ lục trong năm nay

Các nhà đầu tư đang đổ tiền vào các quỹ ETF với tốc độ lịch sử khi thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp tăng lên mức đỉnh mới..>> Chi tiết

- Giá dầu có tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 3

Giá dầu hướng đến mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 3 do sự hồi sinh của Covid-19 và sự không chắc chắn xung quanh triển vọng về thỏa thuận tăng nguồn cung của OPEC+..>> Chi tiết

Tin bài liên quan