Thị trường tài chính 24h: Chờ đợi phiên cơ cấu của hai quỹ ETF

Thị trường tài chính 24h: Chờ đợi phiên cơ cấu của hai quỹ ETF

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index chưa thể chạm mốc 900 điểm; Lợi nhuận các ngân hàng giảm ít nhất 17.000 tỷ đồng; Nhà đầu tư giao dịch giằng co chờ cơ cấu ETFs cuối tuần; Lọc cơ hội cổ phiếu có sóng kết quả kinh doanh quý III; Thoái vốn nhà nước, “cân não” cả hai bên; Chứng khoán châu Á nhìn chung giao dịch tích cực; ADB: Năm 2020, GDP khu vực châu Á đang phát triển âm 0,7%...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 15/9 tăng 150.000 đồng/lượng so với ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 56,15 – 56,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 15,5 USD lên 1.955,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá tiếp tục tăng và có thời điểm chạm 1.970 USD/ounce, trước khi hạ nhiệt nhẹ về gần 1.965 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Giá vàng tương lai giao tháng 10 trên sàn Comex New York tăng 11,5 USD lên 1.966,2 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,14% xuống 92,92 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.203 đồng, giảm 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.090 - 23.270 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,35 USD (+0,94%), lên 37,61 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,38 USD (+0,96%), lên 39,99 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index hạ thấp độ cao

VN-Index sớm bật tăng từ sớm. Song, áp lực tại vùng giá cao khiến chỉ số cũng nhanh chóng bị đẩy lùi trở lại. Dù vậy, điểm tích cực là thanh khoản vẫn ở mức tích cực.

Trong phiên chiều, VN-Index một lần nữa đuối sức trong nỗ lực áp sát vùng giá 900 điểm, chỉ nhờ vào dòng tiền lớn mà chỉ số không giảm điểm.

Rổ VN30 có 13 mã tăng và 15 mã giảm, tích cực nhất là STB + 2,7%, VIC +2%. Các mã POW, VRE, FPT, GAS tăng hơn 1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, lực cầu tốt giúp đa phần các mã có thanh khoản tăng điểm như HQC, HSG, ITA, GEX, HCM, ASM, DCM, DLG, TTF, ROS…

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 8,33 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng hơn 365 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 15/9: VN-Index tăng 1,69 điểm (+0,19%), lên 896,26 điểm; HNX-Index tăng 0,49 điểm (+0,39%), lên 127,93 điểm; , UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,25%), lên 59,56 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tăng tốt phiên thứ Hai (14/9) nhờ tin tức hãng dược AstraZeneca thông báo, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc-xin Covid-19 do hãng này sản xuất đã được tiếp tục sau khi bị tạm dừng vào tuần trước vì lo ngại về tính an toàn.

Ngoài ra, hãng dược phẩm và công nghệ sinh học BioNTech SE của Đức cũng đề xuất mở rộng thử nghiệm vắc-xin Covid-19 do hãng này sản xuất lên quy mô khoảng 44.000 người tham gia.

Trong khi đó, thêm một tin tức tích cực khác là gã khổng lồ công nghệ Mỹ Oracle thông báo đánh bại Microsoft và giành được thương vụ hợp tác với ByteDance để tiếp tục duy trì hoạt động của TikTok tại Mỹ.

Kết thúc phiên 14/9, chỉ số Dow Jones tăng 327,69 điểm (+1,18%), lên 27.993,33 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 42,57 điểm (+1,27%), lên 3.383,54 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 203,11điểm (+1,87%), lên 11.056,65 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm do đồng yên mạnh lên so với đồng USD đã gây sức ép đến nhóm cổ phiếu xuất khẩu, cùng áp lực chốt lời sau khi thị trường liên tiếp tăng 3 phiên gần nhất.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,44% ở mức 23.454,89 điểm. Chỉ số Topix mất 0,62% xuống 1.640,84 điểm.

Cổ phiếu của các công ty định hướng xuất khẩu trượt dốc do đồng yên vẫn mạnh so với đồng USD ở mức 105,66 yên/USD, với đại diện là Canon Inc giảm 2,73% và Panasonic Corp giảm 1,15%.

Cổ phiếu Sony Corp giảm 2,41% sau khi báo chí đưa tin Công ty sẽ giảm sản lượng máy chơi game console thế hệ mới PS5 do các vấn đề mua sắm chip.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ, khi dữ liệu kinh tế lạc quan và hy vọng vắc-xin Covid-19 đã kích thích tâm lý giới đầu tư.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,51% lên 3.295,68 điểm. Chỉ CSI 300 bluechip tăng 0,8% lên 4.688,48 điểm.

Dữ liệu thúc đẩy thị trường đến từ sản lượng công nghiệp Trung Quốc tăng 5,6% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp sản lượng công nghiệp Trung Quốc tăng và thúc đẩy nền kinh tế sau khi nhận cú shock mạnh từ Covid-19.

Tâm lý cũng được hỗ trợ bởi tin tức rằng vắc-xin Covid-19 đang được phát triển ở Trung Quốc có thể sẵn sàng cho sử dụng rộng rãi sớm nhất là vào tháng 11.

Thông tin đáng kể khác còn đến từ việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm nay đã bơm khoản 600 tỷ nhân dân tệ (hơn 88 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng để bổ sung thanh khoản cho các khoản vay trung hạn.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, khi dữ liệu về sản lượng công nghiệp Trung Quốc lạc quan và những dấu hiệu tiến bộ đáng khích lệ trong việc phát triển vắc xin Covid-19 đã thúc đẩy tâm lý thị trường.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,38% lên 24.732,76 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises Index tăng 0,23% lên 9.829,07 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc theo chân các thị trường trên châu Á tăng điểm, nhờ kỳ vọng vào vắc-xin Covid-19.

Thị trường chứng khoán châu Á nhận được tín hiệu từ phiên đêm ở Phố Wall, trong khi dữ liệu cho thấy sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 8 tăng mạnh và doanh số bán lẻ tăng lần đầu tiên trong năm nay.

Trong khi đó, Hàn Quốc sẽ đảm bảo cung cấp sớm vắc-xin Covid-19 cho 30 triệu người.

Kết thúc phiên 15/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 104,41 điểm (-0,44%), xuống 23.454,89 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 16,87 điểm (+0,51%), lên 3.295,68 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 92,48 điểm (+0,38%), lên 24.732,76 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 15,67 điểm (+0,65%), lên 2.443,58 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lợi nhuận các ngân hàng giảm ít nhất 17.000 tỷ đồng

Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, tạo dự báo kém tích cực về lợi nhuận ngành ngân hàng trong phần còn lại của năm 2020..>> Chi tiết

- Nhà đầu tư giao dịch giằng co chờ cơ cấu ETFs cuối tuần

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn giao dịch giằng co với biên độ hẹp chờ phiên cơ cấu của hai quỹ ETF vào ngày thứ Sáu 18/9..>> Chi tiết

- Lọc cơ hội cổ phiếu có sóng kết quả kinh doanh quý III

VN-Index về dưới 900 điểm, nằm trong kịch bản mong muốn của nhiều nhà đầu tư để có cơ hội tìm được điểm mua an toàn trước khi bước vào những ngày cao điểm đón tin kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp..>> Chi tiết

- Thoái vốn nhà nước, “cân não” cả hai bên

Các đợt thoái vốn lớn của Nhà nước luôn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, nhưng mức giá đặt mua được cân nhắc rất kỹ, thậm chí quyết định không tham gia, bởi giá khởi điểm thường cao vì bên bán muốn tránh nguy cơ vướng vòng lao lý nếu định giá thấp..>> Chi tiết

- ADB: Năm 2020, GDP khu vực châu Á đang phát triển âm 0,7%

Lần đầu tiên trong gần 6 thập niên, các nền kinh tế châu Á đang phát triển sẽ bị thu hẹp trong năm nay, nhưng sẽ phục hồi vào năm sau..>> Chi tiết

Tin bài liên quan